Trực thăng tấn công AH-56 Cheyenne
AH-56 Cheyenne là sẩn phẩm của tập đoàn chế tạo vũ khí Lockheed, phát triển cho quân đội Mỹ. Nó ra đời trong đầu những năm 1960, khi quân đội Mỹ bắt đầu nhận ra khả năng tấn công ưu việt của những chiếc trực thăng.
Trực thăng tấn công AH-56 Cheyenne của tập đoàn chế tạo vũ khí Lockheed. Ảnh: Wiki |
AH-56 Cheyenne của Lockheed là ngôi sao của toàn bộ dự án. Những chiếc AH-56 được trang bị hỏa lực mạnh, cho phép nó hộ tống các máy bay chở hàng cỡ lớn, hỗ trợ tấn công mặt đất và tác chiến độc lập.
Hệ thống động cơ cực khỏe cho phép AH-56 Cheyenne di chuyển với vận tốc 440 km/h với trần bay tối đa lên tới 6.100 m. Tuy nhiên, một sự cố chết người xảy ra khiến dự án AH-56 bị quân đội Mỹ xem xét. Người ta nhận thấy khả năng tác chiến của loại máy bay này chưa đáp ứng đủ yêu cầu của quân đội Mỹ. Dự án AH-56 Cheyenne bị khai tử sau khi 10 nguyên mẫu ra đời. Vài năm sau, quân đội Mỹ đưa trực thăng tấn công AH-64 Apache với khả năng tác chiến vượt trội vào biên chế.
Máy bay ném bom B-70 Valkyrie
Máy bay ném bom chiến lược B-70 Valkyrie ra đời nhằm mục tiêu thọc sâu vào lãnh thổ Liên Xô ở độ cao và vận tốc lớn. Chiếc máy bay này có khả năng di chuyển với vận tốc tối đa đạt 3.300 km/h ở độ cao 23.600 m. Tải trọng cất cánh rỗng của B-70 là 115.000 kg trong khi tải trọng cất cánh tối đa lên tới 246.000 kg.
Phi cơ ném bom chiến lược siêu âm B-70 Valkyrie. Ảnh: Wiki |
Quân đội Mỹ kỳ vọng, thiết kế độc đáo giúp B-70 Valkyrie thay thế vai trò của hai loại máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress và B-58 Hustler. Với nhiều người, B-70 là đại diện của loại máy bay ném bom tương lai của Không quân Mỹ. Nhìn vẻ bề ngoài, chiếc máy bay trông giống một con tàu vũ trụ hơn phi cơ ném bom chiến lược.
Tuy nhiên, dự án B-70 Valkyrie ngốn những khoản kinh phí khổng lồ trong khi khả năng tác chiến của chúng không thực sự vượt trội. Cùng thời điểm chiếc máy bay này ra đời, quân đội Liên Xô đưa vào biên chế nhiều loại tên lửa phòng không có khả năng hạ gục mục tiêu ở độ cao lớn hơn trần bay của B-70. Nó khiến giới chức Mỹ không mặn mà với dự án.
Những chiếc B-70 Valkyrie ngừng hoạt động tháng 2/1969, gần 5 năm sau khi ra mắt. Mỹ chế tạo được hai chiếc máy bay loại này với giá 750 triệu USD/chiếc. Trong tháng 6/1966, một chiếc gặp nạn khi va chạm với phi cơ Lockheed F-104 của Không quân Mỹ. Nó lao xuống phía bắc California làm một phi công thiệt mạng và một người khác bị thương nặng.
Máy bay ném bom tàng hình A-12 Avenger
Theo thiết kế, A-12 Avenger là máy bay ném bom tàng hình cất cánh từ tàu sân bay, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết. Nó ra đời nhằm thay thế những chiếc Grumman A-6 Intruder. Kết hợp khả năng cất và hạ cánh trên tàu sân bay với công nghệ tàng hình, những chiếc A-12 có thể thọc sâu trong lòng địch.
Dựng hình máy bay tàng hình A-12 Avenger. Ảnh: Wiki |
Tuy nhiên, công nghệ tàng hình không như mong đợi làm tăng đáng kể trọng lượng chiếc phi cơ. Chi phí chế tạo những chiếc A-12 cũng tăng vọt. Trong khi đó, Chiến tranh Lạnh kết thúc khiến Mỹ không còn mặn mà với loại máy bay như A-12. Washington siết chặt chi tiêu quốc phòng, buộc Bộ trưởng Dick Cheney khai tử dự án A-12 Avenger khi một mô hình duy nhất được chế tạo.
Thay thế vai trò chiến đấu của những chiếc A-12 là loại phi cơ chuyên dụng trên tàu sân bay F/A-18 Hornet. Quân đội Mỹ đang phát triển máy bay tàng hình F-35C để chúng có thể hoạt động trên hàng không mẫu hạm. Quân đội Mỹ cũng đưa máy bay ném bom tàng hình chiến lược tầm xa B-2 Spirit vào biên chế và thấy rõ hiệu quả của nó.