Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

3 điều tôi nhận ra khi xem Facebook ra mắt vũ trụ ảo

Có thể metaverse là tương lai của giới công nghệ, nhưng tôi tin sẽ còn metaverse nào đó tốt hơn vũ trụ do Facebook tạo ra.

Tháng 2/2016, tôi và một vài phóng viên công nghệ của Việt Nam có mặt tại World Mobile Congress (MWC) 2016 tại Barcelona, Tây Ban Nha để đưa tin về sự kiện Unpacked của Samsung. Trong ký ức của những nhà báo có mặt tại đó, khoảnh khắc tất cả đeo kính VR, không hề biết Mark Zuckerberg đang đi ngang họ để tiến lên sân khấu, thực sự đáng nhớ.

Khi đó, tôi có cảm giác bị đưa vào thế giới ảo và chỉ mình Zuckerberg là người tỉnh táo trong thế giới thật. Chúng tôi ở đó như những nhân chứng và người đưa tin, nhưng chỉ trong một phút "cả tin", đã bị CEO của Facebook đánh lạc hướng, để rồi làm nền cho một bức ảnh được nhắc đến nhiều năm sau đó.

Facebook doi ten,  metaverse anh 2

Khoảnh khắc Mark Zuckerberg bước vào hội trường, không phóng viên, khách mời nào hay biết vì tất cả đang trong thế giới ảo.

Sự trùng hợp với hoạt hình của Nhật Bản

Khi xuất hiện ở MWC 2016, CEO của Facebook chưa dính nhiều chàm, là một lãnh đạo công nghệ trẻ trung, nhiều người hâm mộ. Tôi nhớ nhiều phóng viên quốc tế chạy theo Mark Zuckerberg, luồn qua rừng cánh tay của vệ sĩ, chỉ để có một bức selfie với người nổi tiếng nhất thế giới công nghệ khi đó.

"Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ sống trong một thế giới nơi mọi người đều có quyền chia sẻ và trải nghiệm toàn bộ khung cảnh như thể bạn đang ở đó trực tiếp", Mark Zuckerberg đã nói như vậy từ 2016, trên sân khấu của Samsung, đối tác phần cứng của Facebook lúc đó vì công ty chưa tự sản xuất kính thực tế ảo.

Facebook doi ten,  metaverse anh 3

Mark Zuckerberg hứa hẹn về tương lai mới trong vũ trụ ảo metaverse, nơi con người làm được nhiều thứ khi chỉ cần ngồi một chỗ và đeo thiết bị thực tế ảo.

Và đó là ý tưởng sơ khai nhất về metaverse mà đến tận ngày hôm nay, sau quá nhiều búa rìu dư luận, Facebook (giờ là Meta) mới ra mắt công chúng. Metaverse còn bị cho là chiêu trò đánh lạc hướng, giải cứu cho Facebook thoát khỏi những chỉ trích, cáo buộc dày đặc gần đây.

Khi xem Mark Zuckerberg nói về metaverse, tôi thấy hình bóng của những thế giới trong bộ hoạt hình (anime) mà mình từng xem. Có lẽ vũ trụ ảo của Facebook gần giống với thế giới của Sword Art Online (ra mắt năm 2009), nói về những người chơi đeo kính VR để đăng nhập vào một thế giới ảo, để rồi bị kẹt lại trong đó, bắt buộc trải qua vô vàn thử thách, đánh bại nhân vật "trùm sò" trong game mới có thể thoát ra ngoài.

Facebook doi ten,  metaverse anh 4

"Sword Art Online" ra đời từ 2009 nhưng có những điểm tương đồng với ý tưởng metaverse của Facebook, dù vũ trụ ảo của Facebook không quá tiêu cực và đen tối như trong hoạt hình này.

Trong thế giới đó, người chơi cũng dùng "Nerve Gear", một chiếc mũ thực tế ảo có thể tác động vào năm giác quan của người sử dụng thông qua não bộ của họ. Người chơi có thể trải nghiệm và điều khiển nhân vật ảo trong game của họ bằng ý nghĩ.

Và sự trùng hợp đáng ngạc nhiên hơn: mốc thời gian bắt đầu của trò chơi trong Sword Art Online là năm 2022 - hoàn toàn khớp với lời hứa hẹn của Mark Zuckerberg về một vũ trụ ảo vào năm sau.

Chưa dừng ở đó, metaverse của Facebook còn đưa cả thế giới game GTA vào để người dùng có thể chơi ngay trong vũ trụ ảo. Sword Art Online cũng có đặc điểm tương tự khi không tập trung vào một thế giới duy nhất mà xoay quanh nhiều thế giới ảo khác nhau.

Rõ ràng, còn quá sớm để bi quan về metaverse của Facebook hay nghĩ rằng nó gây ra những hậu quả xấu, nhưng tôi không thể tự ngăn mình khỏi sự so sánh và liên tưởng. Mark Zuckerberg hứa hẹn với công chúng mang đến một thế giới rộng mở và kết nối tốt hơn, có ích cho người dùng chứ không tạo ra một thế giới đen tối như của Sword Art Online.

Metaverse là nỗ lực níu kéo người trẻ quay lại với Facebook

Tôi có một đứa em đang học cấp 3, trong thế hệ Gen Z (ra đời từ 1997-2012). Cách em tôi dùng Facebook có gì đó không còn giống thế hệ trước: ưu tiên để avatar ảo, hạn chế đăng thông tin cá nhân và ít bộc lộ cảm xúc thật, đời sống thật trên Facebook.

Tôi giữ sự tò mò này để quan sát thêm nhiều bạn đồng trang lứa với em tôi, và thấy đó là xu hướng của cả một thế hệ. Tôi tạm gọi là "thế hệ sợ hãi và rời bỏ Facebook".

Vậy em tôi đã đi đâu?

Tôi thấy em mình hay đắm chìm vào trò chơi Minecraft, một dạng metaverse rất sơ khai, cho phép người chơi sáng tạo mọi thứ trong đó: từ một khu vườn đơn sơ giản dị có ngôi nhà nhỏ, cho đến cả một chiếc kim tự tháp khổng lồ.

Người dùng thanh thiếu niên của Facebook ở Mỹ đã giảm 13% kể từ năm 2019 và còn giảm khoảng 45% từ nay đến 2023

Trích thống kê nội bộ của Facebook

Trong thế giới ấy, em tôi thích thú khi đồng hành cùng bạn bè, làm những thứ mà người lớn hơn có thể cho là vô nghĩa. Nhưng rõ ràng, ở đó, chúng được tự do làm điều mình muốn, trong một thế giới 3 chiều, tránh được ánh mắt dò xét của anh chị, cha mẹ... những con người bị cho là "già nua" đang sống ở thế giới 2D (news feed của Facebook).

Em tôi chắc chắn không đại diện cho cả thế hệ Gen Z và tôi vẫn gặp nhiều Gen Z trên Facebook mỗi ngày. Rõ ràng, tôi thuộc thế hệ đang đối mặt với tin giả, thuật toán kích động thù địch và trò thao túng của Facebook. Và một số người trẻ hiện nay, bằng một thứ giác quan nào đó mách bảo, đã và đang chủ động rời bỏ Facebook, đến với những thế giới ảo khác nhau, chưa bị chi phối và định hướng về mặt tư tưởng hay cảm xúc.

Facebook doi ten,  metaverse anh 5

Minecraft là một "metaverse" sơ khai mà em tôi và bạn bè của nó đang trú ẩn.

Đầu năm nay, một nhà nghiên cứu tại Facebook đã chia sẻ thống kê đáng báo động: Facebook đang già đi, và thế hệ trẻ đang dần rời bỏ mạng xã hội này.

Cụ thể, người dùng thanh thiếu niên của ứng dụng Facebook ở Mỹ đã giảm 13% kể từ năm 2019 và còn giảm khoảng 45% từ nay đến 2023. Nhóm người dùng trong độ tuổi 20-30 cũng sẽ giảm 4% trong 2 năm tới. Số liệu cũng chỉ ra rằng người dùng càng trẻ tuổi càng ít dùng Facebook.

Vấn đề không chỉ nằm ở tên gọi, mà còn là người dẫn đầu

Tôi thấy rất nhiều người hiểu nhầm việc Facebook đổi tên. Trang Facebook mà họ vào hàng ngày vẫn được gọi là Facebook, không có gì thay đổi. Meta (tên gọi mới) là tên công ty sở hữu mạng xã hội Facebook, Instagram, WhatsApp và nhiều sản phẩm khác.

Việc đổi tên này để khẳng định Facebook sẽ là tên của một nền tảng, không phải tên của một công ty. Và khi Facebook gặp rắc rối, bị lên án, đó là vấn đề của mạng xã hội này, Instagram hay WhatsApp sẽ không bị ảnh hưởng liên đới chỉ vì ở dưới trướng một công ty có tên là Facebook như trước.

Trong góc nhìn của tôi, một người làm truyền thông, đây là chiêu trò chuyển hướng sự quan tâm của Facebook. Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, thay vì tiếp tục nghiên cứu "Facebook Papers" để phơi bày scandal của Facebook, tôi lại bỏ thời gian ngồi nói về metaverse và tên gọi "Meta" của công ty này.

Tuy nhiên, những rắc rối của Facebook sẽ vẫn đó, dù Mark Zuckerberg cố gắng đánh lạc hướng công chúng vào một viễn cảnh mới.

"Về cơ bản, những câu hỏi xung quanh tương lai của metaverse chỉ cứu Facebook khỏi phản ứng dữ dội của công chúng", Ashley Cooksley, Giám đốc Điều hành khu vực Bắc Mỹ của The Social Element, một công ty quản lý truyền thông xã hội, nói với Business Insider.

Nhìn vào người lãnh đạo Facebook ngày nay, khi nhất cử nhất động của Mark Zuckerberg đều có thể bị công chúng mang ra đàm tiếu, lấn át cả những sự tôn trọng.

Khi Mark Zuckerberg ra điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ, người ta thấy một CEO Facebook khá ranh mãnh khi dễ dàng né tránh, hóa giải các câu hỏi ngây ngô từ những nghị sĩ vốn không hiểu rõ công nghệ. Chìa khóa cho chiến thắng này nằm ở công thức đơn giản: Deny, Delay và Deflect (tạm dịch: bác bỏ, câu giờ và chuyển hướng).

Về cơ bản, những câu hỏi xung quanh tương lai của metaverse chỉ cứu Facebook khỏi phản ứng dữ dội của công chúng

Ashley Cooksley, CEO khu vực Bắc Mỹ của The Social Element, nói với Business Insider.

Chứng kiến các nghị sĩ Mỹ không làm gì được CEO Facebook, công chúng cười nhạo cách Mark Zuckerberg uống nước, ví ông như thằn lằn hay người ngoài hành tinh. Đến những tháng gần đây, hình ảnh Mark Zuckerberg lướt sóng với gương mặt trắng bệch cũng bị đám đông mang ra cười cợt và phê phán vì lãnh đạo đi chơi, bỏ mặc Facebook xuống cấp.

Uy tín của CEO Facebook cũng có dấu hiệu sứt mẻ khi dưới mỗi bức "tâm thư" dài trên trang cá nhân đều có những bình luận trêu chọc, cười cợt vào những nỗ lực của Mark Zuckerberg, dù vẫn còn không ít người chúc mừng và động viên.

"Giờ thì tôi đã hiểu vì sao Twitter giới hạn ký tự", bình luận của Councilman Sal DiCiccio, một chính khách Mỹ, nhận được 26.000 lượt thích bên dưới một bài đăng dài sáng 29/10 của Mark Zuckerberg mang tên "Bức thư của người sáng lập, năm 2021". Bài viết nói về trách nhiệm của công ty này khi bước vào giai đoạn phát triển mới với Metaverse, như thường lệ, nhận được đầy những hỉ nộ ái ố từ công chúng.

Facebook doi ten,  metaverse anh 6

Mark Zuckerberg thường xuyên bị đàm tiếu và hoài nghi, ngay cả khi bị bắt gặp đang nghỉ ngơi ở Hawaii hay lúc đăng "tâm thư" lên Facebook. Ảnh: NYP.

Do đó, việc đổi tên công ty từ Facebook sang "Meta" như một động tác kỹ thuật để giảm rủi ro. Khi Mark Zuckerberg, người gắn liền với những tai tiếng của Facebook vẫn còn tại vị, vẫn là gương mặt đại diện cho metaverse, thái độ của công chúng chưa thể thay đổi một sớm một chiều.

Cá nhân tôi, nếu xem Facebook như một thế giới 2 chiều với News Feed làm chủ đạo, vốn còn rất nhiều vấn đề không thể giải quyết, tôi không vội đặt nhiều niềm tin vào một vũ trụ mới do Mark Zuckerberg vẽ ra. Nó giống với việc bạn chưa thể tốt nghiệp tiểu học và thường xuyên bị nhận xét tiêu cực, nhưng lại hứa hẹn với gia đình rằng mình sẽ tốt hơn khi lên trung học.

Bài liên quan

Chuyen gi dang xay ra voi Apple hinh anh

Chuyện gì đang xảy ra với Apple

0

Theo chuyên gia, sự suy giảm của Apple không chỉ đơn thuần nằm ở tâm lý thị trường, mà là sự kết hợp của hàng loạt yếu tố như định giá cao, AI tụt hậu, tăng trưởng doanh số chậm.

Duy Tín