Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 'điểm chết' của U23 Việt Nam trong trận thua Myanmar

Người hâm mộ Việt Nam thêm một lần rơi lệ. Đội quân được kỳ vọng của HLV Miura không vượt qua được U23 Myanmar, đối thủ thường thua VN trong khoảng hai thập kỷ gần đây.

1. Cái giá của xoay tua

Sử dụng nhiều cầu thủ mang lại sự đa dạng cho đội bóng. Đấy là điều tích cực. Nhưng nó chỉ hữu ích đối với một giải đấu đường trường như V.League, hoặc các cuộc đua dài ngày. SEA Games là giải đấu ngắn ngày nên sự xoay tua trở thành điểm yếu.

HLV Miura chưa bao giờ có đội hình thi đấu liên tiếp 2 trận. 5 lần ra quân ở vòng bảng là cả 5 lần ông thay đổi ít nhất nửa đội hình. Việc U23 Việt Nam không có đội hình chuẩn thì chắc chắn chúng ta sẽ thiếu đi sự ổn định.

Việc xoay tour quá nhiều là một phần nguyên nhân khiến U23 Việt Nam bại trận ở bán kết. Ảnh: Hoàng Hà.

Xoay tua đội hình ở giải đấu ngắn ngày còn mang đến tư tưởng lo lắng, hồi hộp của các cầu thủ. Chính bản thân họ cũng không thể biết “ngày mai mình ra sao”. Nói cách khác, HLV Miura vô tình tạo ra cuộc chơi… căng thẳng từ khi bóng chưa lăn cho học trò của mình.

Các chuyên gia bóng đá, người hâm mộ đều ý thức được việc này. Họ đã lên tiếng, góp ý nhưng nhà cầm quân người Nhật và (có thể) đội ngũ trợ lý HLV đang phục vụ đội tuyển cho rằng, đấy là những ý kiến phá đám, không đáng quan tâm?!

Đối với một quốc gia mà bóng đá được coi như “tôn giáo”, là môn thể thao vua, người hâm mộ lúc nào cũng là quan tòa. Nếu chúng ta không muốn số đông bàn bạc, không muốn bị khán giả quan tâm (kể cả soi mói) và “để yên cho thầy trò HLV Miura làm việc”, bóng đá chắc chắn không phải là môn thể thao được quan tâm số 1. 

HLV Miura: 'Tôi thất vọng với kết quả nhưng không sốc'

Thất bại 1-2 trước Myanmar khiến nhà cầm quân người Nhật ngồi "chết lặng" trên băng ghế kỹ thuật và không giấu được nỗi buồn khi bước vào phòng họp báo.

2. Phong độ và cảm giác thi đấu

Liên quan chặt chẽ đến xoay tua, những cầu thủ ít được ra sân tất nhiên không có cảm giác thi đấu tốt nhất. Mạc Hồng Quân hôm nay là một ví dụ. Trần Phi Sơn cũng là ví dụ khác.

Cảm giác bóng không tốt khiến Mạc Hồng Quân không thể đánh bại thủ môn U23 Myanmar. Ảnh: Hoàng Hà.
Cảm giác bóng không tốt khiến Mạc Hồng Quân không thể đánh bại thủ môn U23 Myanmar. Ảnh: Hoàng Hà.

Hồng Quân chơi rất nỗ lực, di chuyển thông minh, có nhiều tình huống đe dọa cầu môn Myanmar. Tuy nhiên, chân sút của Than Quảng Ninh được cho nghỉ nhiều hơn thi đấu, nên cảm giác bóng, cảm giác không gian của anh giảm sút. Nếu tiền đạo này được đá thường xuyên, chắc chắn lưới Myanmar hôm nay không chỉ rung lên 1 lần.

Phong độ của Mạc Hồng Quân không do anh quyết định là được. Nó phụ thuộc lớn vào cách dụng binh của HLV Miura. Cho nên, sẽ là không công bằng nếu đổ lỗi cho cái tội “bỏ lỡ cơ hội” của Hồng Quân.

Trái với tiền đạo số 17, Phi Sơn được vào sân từ ghế dự bị khi U23 Việt Nam bị dẫn bàn. Cầu thủ xứ Nghệ lập tức bắt nhịp nhanh chóng và thể hiện được tầm ảnh hưởng. Điều này khẳng định một sự thật: Phi Sơn chính là một trong những gương mặt được đá chính nhiều nhất tính đến thời điểm này, nên phong độ của anh tốt hơn Hồng Quân, cảm giác thi đấu của anh cũng cao hơn đồng nghiệp rất nỗ lực nhưng kém duyên.

3. May mắn

May mắn đến với U23 Myanmar trong cả hai tình huống ghi bàn. Ảnh: Tùng Lê.

Chúng ta không thể bỏ qua yếu tố này vì nó là một phần của cuộc chơi. U23 Myanmar hôm nay chơi phòng thủ tiêu cực hệt như ĐT Việt Nam trong trận đấu với Thái Lan (thua 0-1). Nhưng họ may mắn hơn.

Thủ thành Phyo có trận cầu xuất thần khi cản phá gần hết những pha bóng có thể thành bàn của U23 Việt Nam. Cộng thêm hình ảnh tay của Ngọc Thắng và chân của Thanh Hiền, U23 Myanmar đã hội tụ đầy đủ những yếu tố may mắn nhất, còn thầy trò HLV Miura thì không!

U23 Việt Nam thua Myanmar 1-2, tranh hạng ba

Ép sân phần lớn thời gian thi đấu nhưng hai bàn thua có phần thiếu may mắn của U23 Việt Nam khiến thầy trò HLV Miura chia tay giấc mơ chung kết SEA Games 28.

Bảo Thắng

Bạn có thể quan tâm