Cuộc bỏ phiếu ngày 7/11 là năm thứ 28 liên tiếp lệnh cấm vận của Mỹ bị lên án tại Đại Hội đồng. Lần này, tỷ lệ bỏ phiếu trong số 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc là 187-3, với Mỹ, Israel và Brazil bỏ phiếu chống lại nghị quyết lên án Mỹ, còn Colombia và Ukraine bỏ phiếu trắng. Moldova không bỏ phiếu.
Nghị quyết của Đại Hội đồng không có tính ràng buộc, nhưng cho thấy quan điểm chung của cộng đồng quốc tế.
Hàng năm, Cuba tận dụng dịp này để phản đối lệnh cấm vận của Mỹ, được áp đặt năm 1960 sau cuộc cách mạng do Fidel Castro lãnh đạo và việc quốc hữu hóa các tài sản của doanh nghiệp Mỹ.
Dưới quyền Tổng thống Jair Bolsonaro, Brazil lần đầu tiên bỏ phiếu ủng hộ Mỹ, chống Cuba trong nhiều năm nay.
Người Cuba diễu hành ngày Lao động, phản đối lệnh cấm vận của Mỹ ở thủ đô Havana ngày 1/5/2019. Ảnh: Reuters. |
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nói chính quyền Trump đã “tăng cường” việc thực hiện cấm vận lên các nước, và đã dùng biện pháp đe dọa các tàu thuyền để ngăn cản vận chuyển hàng tới Cuba.
“Chúng tôi sẽ không lùi bước, và vẫn sẽ quyết tâm có được mối quan hệ văn minh, dựa trên tôn trọng lẫn nhau với chính phủ Mỹ”, ông Rodriguez nói.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft nói Mỹ có quyền lựa chọn sẽ buôn bán với nước nào, và việc cộng đồng quốc tế phản bác quyền đó là điều “đáng lo ngại”.
Đại sứ Mỹ cáo buộc chính phủ Cuba vi phạm nhân quyền, nhưng ngoại trưởng Cuba nói chính lệnh cấm vận của Mỹ đã gây thiệt hại lớn về nhân đạo cho người dân Cuba.
Cựu chủ tịch Cuba Raul Castro và cựu tổng thống Obama chính thức tái lập quan hệ ngoại giao hai nước tháng 7/2016.
Năm 2016, lần đầu tiên trong 25 năm, chính quyền Mỹ dưới thời Obama đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Cuba tại Liên Hợp Quốc kêu gọi chấm dứt cấm vận của Mỹ.
Nhưng chính quyền kế nhiệm của ông Trump lại chỉ trích gay gắt hồ sơ nhân quyền của Cuba. Năm 2017, Mỹ tiếp tục bỏ phiếu chống đối với nghị quyết của Cuba.