Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

27 triệu lao động Mỹ nghỉ việc trong đại dịch Covid-19

Nỗi cực nhọc lê thê của công việc trong thời đại dịch đã buộc nhiều người phải suy nghĩ lại về các ưu tiên của họ.

Vào ngày 4 tháng 8, Ford tuyên bố Hackett nghỉ hưu và Farley nhậm chức, một cuộc “thay ngựa giữa dòng”. Động thái này khiến Phố Wall bất ngờ - mặc dù bất ngờ một cách dễ chịu: cổ phiếu Ford tăng 3% sáng hôm đó. “Đừng nghĩ là do anh”, Bill Ford nói với vị CEO sắp mãn nhiệm của mình, người đã nhắc ông nhớ đến nhận xét mà Hackett đã đưa ra ba năm trước khi ông được thuê - rằng Phố Wall sẽ không thích ông.

Nghi viec anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Jobstreet.

Xét theo bất cứ thước đo công bằng nào, Hackett đã có một nhiệm kỳ tốt xấu lẫn lộn. Như đã hứa, ông đã loại bỏ những mẫu xe thua lỗ khỏi danh mục sản phẩm của Ford và hợp lý hóa các hoạt động của hãng. Ông đã cho ra mắt các phiên bản mới của những mẫu xe mang tính biểu tượng như xe bán tải F-150 và Bronco, đồng thời đầu tư vào các công nghệ mới như xe tự lái và xe điện mà ông tin chắc sẽ đảm bảo rằng Ford, công ty đã được thành lập hơn một thế kỷ trước, sẽ tồn tại được thêm một thế kỷ nữa.

Nhưng bảng thành tích lại rất ảm đạm: Cổ phiếu của Ford đã giảm 40% dưới thời ông, và công cuộc tái cơ cấu các hoạt động ở nước ngoài của Ford do ông khởi xướng, một cuộc cải tổ trị giá 11 tỷ đô la, đã kéo tụt lợi nhuận mà cho đến nay vẫn chưa cho thấy sự cải thiện nào.

Quyết định nghỉ hưu bất ngờ của Hackett là một trong vô số những động thái về sau được gọi là Đại khủng hoảng Nghỉ việc, cuộc ra đi đồng loạt của người lao động đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi ngành nghề. Tính từ tháng 9 năm 2020 đến cuối năm 2021, hơn 27 triệu người Mỹ đã nghỉ việc.

Họ bỏ công việc phục vụ đồ ăn nhanh và công việc giảng dạy, rời khỏi đường băng sân bay và trung tâm thương mại. Nhiều người bỏ những công việc lương thấp hoặc công việc có lịch trình thất thường và thời gian di chuyển đến nơi làm việc dài. Không có một nguyên nhân duy nhất nào.

Tính bất trắc về kinh tế của những ngày đầu đại dịch đã trì hoãn những cuộc hưu trí đã được lên kế hoạch từ lâu - chỉ hai triệu người Mỹ tự nguyện rời bỏ công việc vào tháng 4 năm 2020, mức thấp nhất trong vòng tám năm.

Nỗi cực nhọc lê thê của công việc trong thời đại dịch đã buộc nhiều người phải suy nghĩ lại về các ưu tiên của họ - hiện tượng mà giáo sư trường A&M Texas đã chỉ mặt đặt tên bằng cụm từ “những giác ngộ thời đại dịch”. Lao động cổ xanh lo lắng về an toàn cá nhân của họ.

Các giáo viên bất lực sau hai năm dạy học từ xa, cách làm nhìn chung không phù hợp với cả họ lẫn sinh viên của họ. Các lao động cổ trắng, được giải phóng khỏi văn phòng trong thời kỳ đại dịch, thích sự tự do mà họ tìm thấy ở phòng làm việc tại gia hoặc các thành phố mới.

Tình trạng thiếu hụt dịch vụ chăm sóc trẻ em và chi phí tăng cao - một xu hướng càng trở nên trầm trọng hơn do hàng nghìn người chăm trẻ ăn lương thấp rời bỏ lực lượng lao động - làm xáo trộn kinh tế hộ gia đình và, trong một số trường hợp, khiến chuyện tiếp tục làm việc trở nên vô giá trị.

Cho dù nguyên nhân là những phúc lợi quá ư hào phóng chính phủ trả cho người dân để họ không làm việc nữa hay là một sự kiện gây sang chấn trên quy mô lớn buộc mọi người phải xem xét lại điều gì mới thực sự quan trọng, thì kết quả là tình trạng thiếu hụt lao động chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ và cuộc loay hoay xoay xở đã quá muộn màng của các công ty nhằm tăng thêm lương và phúc lợi.

Liz Hoffman/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY