Sáng nay (31/12), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo công bố tình hình hoạt động ngân hàng năm 2019.
Theo số liệu từ cơ quan quản lý, đến cuối năm nay tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế đã tăng trên 13% so với cuối năm 2018. Đây vẫn là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Với tổng dư nợ nền kinh tế cuối năm 2018 ở mức 7,211 triệu tỷ đồng, ước tính năm 2019 các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã giải ngân thêm gần 940.000 tỷ đồng cho vay ra nền kinh tế, tương đương hơn 2.600 tỷ đồng cho vay mới mỗi ngày.
Theo NHNN, cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực và tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Tính đến 31/12, tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng khoảng 11%, chiếm 25% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 16%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đã tăng 15%.
2019 cũng là năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, theo đó, cơ quan quản lý đã yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ 2019 của NHNN đã góp phần ổn định môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.
Định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay của cơ quan quản lý về cơ bản đã hoàn thành khi con số đạt được khoảng trên 13%, xấp xỉ mức chỉ tiêu 14% đặt ra từ đầu năm.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: NHNN. |
Phó thống đốc cũng cho biết trong năm 2020, NHNN sẽ tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với đà phát triển của nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả hoạt động.
“Tỷ lệ tín dụng trên GDP hiện đã trên 130% nên quan điểm điều hành của NHNN là sẽ tiếp tục kiểm soát tín dụng và đặt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020 tương đương mục tiêu năm 2019”, Phó thống đốc chia sẻ.
Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu năm 2020 sẽ duy trì trong khoảng 14%, tiếp tục ở mức thấp.
Cũng theo thông tin từ NHNN, đến cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 1,89%, hoàn thành mục tiêu dưới 2%.
Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 1,064 triệu tỷ đồng nợ xấu.
Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2019, số nợ xấu đã xử lý xác định theo Nghị quyết 42 đạt trên 305.700 tỷ đồng. Số này cũng chưa bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt.
Bình quân giai đoạn này, mỗi tháng hệ thống ngân hàng đã xử lý khoảng 10.500 tỷ đồng nợ xấu.
Đến cuối năm 2019, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, thanh khoản hệ thống luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả cho nền kinh tế.
Cũng trong năm nay, NHNN đã có 2 đợt giảm lãi suất gồm giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành và giảm 0,2-0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở.
Đây là nguyên nhân giúp mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm khoảng 0,2-0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm.