Sau khi trường thông báo lịch nghỉ Tết vào ngày 26 âm lịch, Trần Linh, sinh viên năm 3 trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội, gọi điện nhà xe quen để đặt vé về Hà Tĩnh. Tuy nhiên, nhân viên nhà xe báo đã hết sạch vé ngày này từ tuần trước.
Linh buồn rầu, nói: “Vì sợ không có xe về Tết sớm, mình gọi tiếp 4 nhà xe khác nhưng đều nhận được những câu trả lời giống nhau là hết vé”.
Tấm vé xe Tết “gian nan”
Sau 1 ngày khi công bố bán vé Tết, trên trang web chính thức của Công ty Du lịch Văn Minh đã hết vé nhiều chặng. Đơn cử, từ ngày 17 đến 23/1 (tức 23 - 29 âm lịch), chặng từ Bến xe Nước Ngầm đi Hà Tĩnh đã thông báo hết sạch chỗ.
Mặc dù còn khoảng 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán, nhưng các nhà xe cố định chạy tuyến từ Hà Nội về các tỉnh miền Trung gần như đã hết sạch vé những ngày cao điểm. Ảnh: Thanh Thương. |
Theo nhân viên bán vé xe Văn Minh cho biết các tuyến từ Hà Nội về miền Trung đặc biệt là Nghệ An, Hà Tĩnh bao giờ cũng là những chặng "hot", hết vé sớm nhất. Nếu khách có nhu cầu đi buộc phải sắp xếp thời gian, về sớm trước ngày 21 - 22 âm lịch. Hiện hệ thống chỉ còn vé vào những ngày này.
“Năm nay vì bận đi làm, tôi quên ịch đặt vé Tết. Khi vào hệ thống đặt vé thì ngày 28 âm đã hết sạch, gọi điện mấy chỗ khác cũng trắng chỗ, bây giờ chỉ mong có xe tăng cường để có vé về chứ công việc của tôi cũng không thể sắp xếp sớm hơn được”, anh Nguyễn Trung quê ở Nghệ An chia sẻ.
May mắn hơn anh Trung, chị Hồng Minh, nhân viên kế toán quê Hà Tĩnh ra Hà Nội làm việc, đã đặt mua được vé về huyện Hương Sơn của một hãng xe theo hình thức online. Tuy nhiên, chị cho hay đây mới chỉ là gọi để đặt còn hôm sau chị phải trực tiếp đi lấy vé giấy và thanh toán trước mới chắc chắn có vé.
Chị Minh chia sẻ: “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, đầu tháng 12 âm, tôi phải canh lúc nào nhà xe bắt đầu mở bán vé Tết là đặt luôn. Chỉ cần chậm một chút, không có xe về quê ăn Tết thì lại rách việc".
“Nếu bây giờ không gọi đặt vé luôn thì sắp tới không có vé mà về ăn Tết đâu”, một nhân viên bán vé cảnh báo.
Hiện, các hãng có tên tuổi khai thác lâu năm các tuyến đi miền Trung như Văn Chương, Hoài Giang, Sơn Hà, Dũng Minh, Hồng Hà… đều thông báo cháy vé những ngày cao điểm. Trong khi đó, những ngày trước 21 âm lịch hoặc sau 29 Tết vẫn còn rất ít ghế và đang được lấp đầy bởi nhiều người tranh thủ đặt.
Rục rịch tăng giá vé
Trong cơn sốt vé Tết về các tỉnh miền Trung, nhiều khách hàng không chỉ mệt mỏi vì chuyện đặt vé mà còn phải chấp nhận giá vé đắt đỏ để có được về nhà ăn Tết.
Giá vé xe Tết đã tăng mạnh so với ngày thường trên nhiều tuyến phổ biến. |
Theo ghi nhận của Zing.vn, ở thời điểm hiện tại, một số nhà xe đã công khai bán vé với giá vé cao hơn so với giá thường ngày.
Liên hệ đặt vé với một nhà xe chuyên tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh, Zing.vn được thông báo giá vé bắt đầu tăng từ ngày 20 âm lịch là 280.000 đồng/vé trong khi ngày thường là 200.000 đồng. Những ngày càng cận Tết giá vé sẽ cao hơn nữa.
“Chỉ đến ngày đi lấy vé mình mới biết giá vé bao nhiêu, như năm ngoái vé ngày 26 âm là 300.000 đồng/vé. Năm nay chắc cao hơn thế nữa”, Hoàng Hà, sinh viên Đại Học Thương Mại cho biết.
Hà tỏ ra không mấy bất ngờ khi giá vé sẽ tăng gấp hơn 2,3 lần so với ngày thường. “Giờ này làm gì còn vé nữa mà đòi trả giá, có vé về là tốt lắm rồi. Tết thì không ai hỏi chuyện giá vì chấp nhận bị chặt chém để được về nhà”, cô sinh viên thở dài, nói.
“Năm nào cũng vậy, càng gần Tết thì giá vé càng tăng gấp đôi, gấp ba, ấy thế còn phải tranh nhau mua, đến lúc về còn nằm ngồi la liệt ở các lối đi của xe, nghĩ lại mà ám ảnh”, anh Đình Thắng - một người quê Nghệ An chưa mua được vé, than thở.
Lợi dụng tình trạng lượng khách sẽ tăng cao vào những ngày cao điểm tết, nhiều nhà xe về các tuyến miền Trung thường lấy lý do để tăng mức phí phụ thu lên cao. Theo một số chủ xe giải thích, họ phụ thu thêm cho một chiều chạy rỗng.
Cụ thể, dịp cận Tết xe khách chạy các tuyến trên chỉ có khách chiều từ Nước Ngầm đi, còn chiều từ miền trong ra thường ít hoặc rỗng khách. Đây là lý do họ phải thực hiện tăng giá vé, phụ thu thêm cho phí xăng dầu, nhân viên.
Với lý do các nhà xe đưa ra nghe có vẻ hợp lý nên nhiều hành khách có thể dễ dàng chấp nhận vì “Tết nhất mà”, khi kết thúc một năm làm việc ai cũng mong muốn được về nhà càng sớm càng tốt.