Tại Hội nghị Chính phủ và các địa phương chiều 30/12, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo kết quả về kinh tế - xã hội và thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2019. Bên cạnh đó, ông nêu ra những điểm hạn chế cần khắc phục và một số kiến nghị.
Thu ngân sách Nhà nước tăng 24.700 tỷ đồng, vượt trên 8% dự toán
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2019, kết quả Việt Nam đạt được về kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) là khá toàn diện, tích cực. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta tự tin hơn khi bước vào năm 2020, năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm.
Về kết quả thu NSNN, sau khi trừ hoàn thuế VAT, tăng thêm 24.700 tỷ đồng, vượt trên 8% so với dự toán. Trong đó, thu nội địa, thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu đều vượt dự toán.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Minh Quân. |
Trong khi đó, tổng chi đầu tư phát triển của NSNN 5 năm 2016-2020 ước vượt mức kế hoạch đề ra là 2 triệu tỷ đồng, đạt khoảng 27-28% tổng chi NSNN (mục tiêu là 25-26%). Tỷ trọng chi thường xuyên không bao gồm chi cải cách tiền lương năm 2019 khoảng 60,35%, dự toán năm 2020 là 60,5% (mục tiêu năm 2020 là dưới 64%).
Bội chi NSNN năm 2019 giảm từ mức 3,7% dự toán xuống mức dưới 3,4% GDP thực hiện. Nợ công đến nay giảm còn 56,1% so với mức 63,7% cuối năm 2016.
“Với những kết quả này, chúng tôi đánh giá khả năng cơ bản hoàn thành các mục tiêu tài chính ngân sách 5 năm, góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH nhiệm kỳ 2016-2020”, Bộ trưởng Dũng nói.
Cùng với quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, ngành tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính ngân sách, hoàn thành 100% đề án Chính phủ, Thủ tướng giao. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, tạo kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng và giảm thiểu rủi ro thanh khoản cho nền kinh tế,…
Bên cạnh đó, ngành tài chính đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Trong báo cáo môi trường kinh doanh 2020 mới được World Bank công bố, chỉ số về thuế của Việt Nam đã tăng 22 bậc.
Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN chậm
Mặc dù kết quả đạt được về KT-XH và NSNN trong năm 2019 là khá toàn diện và tích cực, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng còn có những điểm hạn chế mà nếu khắc phục được thì kết quả còn tích cực hơn.
Thứ nhất, việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhiều năm liền không đạt kế hoạch, thậm chí có xu hướng giảm. Tỷ lệ giải ngân năm 2017 là 81,8%, năm 2018 là 75,82% và ước năm 2019 đạt 75% dự toán Quốc hội giao.
Bộ trưởng Dũng cho rằng việc giải ngân chậm là một nguyên nhân dẫn tới hiệu quả đầu tư công thấp, tình trạng đội vốn công trình/dự án, uy tín của Việt Nam với các chủ nợ, nhà tài trợ… Đồng thời, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và kể cả thu NSNN ở một số địa phương.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Thứ hai, vấn đề cơ cấu lại, đổi mới khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) còn chậm. Việc phân định trách nhiệm xử lý tài chính của một số DNNN làm ăn thua lỗ đã ảnh hưởng đến tiến độ trả nợ một số chủ nợ, từ đó ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia.
Tiến độ cổ phần hóa các DNNN cũng rất chậm. Trong năm 2019, có 9 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2019 thu về quỹ đạt khoảng 14.000 tỷ đồng trên 50.000 tỷ đồng dự toán.
Bộ trưởng Tài chính thông tin số nộp NSNN năm nay chủ yếu nhờ số thu phát sinh các năm trước chuyển sang. “Còn năm 2020 chúng tôi đang rất lo”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính, kỷ luật kỷ cương tài chính NSNN còn hạn chế. Dù World Bank đánh giá cao những cải cách về thuế, tạo bước cải thiện vượt bậc về điểm số, chỉ số xếp hạng còn thấp (xếp 109/190 nước), cần phải cải thiện.
Đến nay, cơ bản dự toán NSNN năm 2020 đã được Thủ tướng giao. Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phân giao đến từng đơn vị sử dụng NSNN, theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo các nhiệm vụ chính trị quan trọng; tuân thủ các quy định về quản lý NSNN; tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.
Đối với công tác thu NSNN, đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn phối hợp với các cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu ngân sách. Quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá, trốn lậu thuế, gian lận thương mại, hàng chuyển khẩu, gian lận xuất xứ..., phấn đấu tăng thu ngân sách trên 3% so với dự toán giao.
Đối với chi đầu tư NSNN, cần triển khai thực hiện tốt Luật Đầu tư công mới được sửa đổi năm 2019, khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong việc giao và triển khai dự án dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm; quyết liệt chỉ đạo ngay từ đầu năm để đảm bảo năm 2020 giải ngân hết vốn đầu tư NSNN không chỉ dự toán năm 2020 mà còn cả vốn đầu tư của những năm trước chưa giải ngân hết chuyển sang.
Đối với chi thường xuyên, cần triệt để tiết kiệm, đặc biệt là trong mua sắm trang thiết bị, ôtô, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi nước ngoài; tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách.