Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam không hề “đánh đổi” để có sự tăng trưởng cao tại hội nghị Chính phủ với địa phương tổ chức sáng 30/12. Ông nhắc lại có những mục tiêu tưởng chừng rất khó đạt được cùng lúc, nhưng bằng sự nỗ lực của cả Chính phủ, các cấp, các ngành, nên đã đạt được kết quả cao.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đã rất gần với mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Năm 2020 và thời gian tới luôn đòi hỏi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao như những năm vừa qua.
Zing.vn đăng toàn văn bài phát biểu:
Không đánh đổi
Kính thưa đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí Trung ương và địa phương,
Trước hết, thay mặt Chính phủ, tôi trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đến tham dự và sẽ có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị này.
Đối với Chính phủ, sự hiện diện của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nay đã thành một thông lệ, là một vinh dự lớn, khích lệ tinh thần của tất cả chúng ta trong việc điều hành đất nước vượt qua mọi thách thức, giành được thắng lợi trên mọi mặt trận kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng và đối ngoại.
Tôi cảm ơn đồng chí Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, các ban của Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, các Ủy ban Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã dành thời gian đến dự Hội nghị. Tôi hoan nghênh toàn thể các đồng chí thành viên Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, lãnh đạo UBND, sở, ngành các tỉnh, thành phố và quý vị đại biểu dự Hội nghị.
Kính thưa đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, thưa toàn thể các đồng chí,
Chỉ còn một ngày nữa là kết thúc năm 2019, bước sang năm 2020. Như một truyền thống, ở vào thời khắc quan trọng này, chúng ta sẽ cùng thảo luận, phân tích những kết quả đạt được năm 2019, đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém; phân tích những cơ hội và khó khăn/thách thức trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo; từ đó đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để hoàn thành tốt hơn nữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Chính phủ sẽ có báo cáo chi tiết về tình hình kinh tế - xã hội 2019, tình hình triển khai các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; dự thảo nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách 2020 và một số báo cáo liên quan khác.
Để dành thời gian cho Hội nghị, đặc biệt là lắng nghe ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Chính phủ, tôi xin nêu một số vấn đề lớn là nguyên nhân, hệ quả của những gì đạt được hôm nay cũng như cho năm 2020 và xa hơn.
Kính thưa các đồng chí,
Như báo cáo chi tiết của Chính phủ, những thành quả kinh tế - xã hội mà chúng ta có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó, có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được đồng thời, thường là có sự đánh đổi trong tiến trình phát triển. Cụ thể:
Thứ nhất, quy mô càng lớn khó có thể tăng trưởng nhanh: Điều này đã không đúng. Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chúng ta chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt trên 260 tỉ USD.
Tôi xin khẳng định điều này cho thấy quy mô càng lớn thì việc đạt được thêm 1 điểm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó hơn nhưng không phải là không thể đạt được.
Thứ hai, phải chấp nhận đánh đổi giữa tăng trưởng nhanh và ổn định vĩ mô: Chúng ta đã từng phải chấp nhận giảm tăng trưởng để giữ ổn định vĩ mô trong những giai đoạn trước đây. Năm 2019, chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỷ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động.
Cán cân ngân sách tính đến 23/12 là thặng dư (tổng thu cân đối 1,469 triệu tỉ đồng, tổng chi cân đối 1,316 tỷ đồng), nợ công giảm từ hơn 64% vài năm trước về còn khoảng 56% GDP. Thu NSNN vượt trên 8% dự toán QH giao. Quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD (và đã thặng dự 4 năm liên tiếp), dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD - những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được.
Thứ ba, đánh đổi giữa số lượng và chất lượng tăng trưởng: Các mô hình tăng trưởng trước đây cho thấy để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh, chất lượng tăng trưởng thường bị giảm sút. Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu Châu Á, thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng NSLĐ.
Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP 2019 đạt 46,11%, tính cả giai đoạn 2016-2019 là 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng năng suất lao động tăng 6,2% (theo giá cố định) - cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực.
Tăng trưởng tín dụng năm 2018 ước chỉ khoảng 12-13%, trong khi nhiều năm trước tín dụng thường tăng trên 18-20%. Chỉ số Phát triển bền vững năm 2019 của Việt Nam tăng 3 bậc, trong khu vực ASEAN xếp thứ 2 sau Thái Lan, năm 2018 đứng thứ 3).
Thứ tư, đánh đổi giữa tăng trưởng cao và tăng trưởng bền vững: Một số cho rằng các nước đang phát triển ở giai đoạn tiền công nghiệp hóa, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh thường phải chấp nhận suy giảm yếu tố môi trường và xã hội. Chính phủ luôn nhất quán với thông điệp: Không đánh đổi/hi sinh môi trường để lấy tăng trưởng, xác định công thức 3 trong 1 của sự phát triển là kinh tế - xã hội và môi trường.
Rất nhiều địa phương thời gian qua cũng đã lồng ghép 3 trụ cột phát triển này và thực tiễn cho thấy 3 mục tiêu này không loại trừ nhau mà có sự bổ sung cho nhau, cùng hướng đến một sự phát triển toàn diện cho đất nước.
Thứ năm, nguồn lực có hạn, ưu tiên đô thị thì phải bỏ qua nông thôn và ngược lại: Điều này cũng đã không đúng. Trong khi các thành phố đầu tàu truyền thống của chúng ta vẫn tiếp tục giữ vai trò động lực, duy trì đóng góp lớn và dẫn dắt nền kinh tế đi lên thì nhiều địa phương khác bắt đầu nổi lên, ngày càng trở thành một nhân tố có đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung cả nước.
Từ thực tiễn đã chứng minh, địa phương kém phát triển hơn tăng tốc không hề làm suy yếu cơ hội của địa phương phát triển hơn và ngược lại. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả có ý nghĩa, làm thay da đổi thịt bộ mặt nông thôn chúng ta, góp phần đưa mức sống người dân nông thôn lên một bước cả về vật chất lẫn tinh thần.
Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đang diễn ra khá nhanh, diện mạo đô thị ngày càng trở nên hiện đại, tính cạnh tranh được nâng lên. Với những thành quả kinh tế - xã hội mà chúng ta đã đạt được trong năm 2019 cho thấy:
Nông thôn mới và đô thị hóa không phải là câu chuyện lựa chọn, nó là câu chuyện phát triển bền vững và hài hòa theo các nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương 2018, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi gắm niềm tin và kỳ vọng 2019 sẽ là năm thành công hơn nữa. Và chúng ta đã làm được. Có thể nói 2019 là một năm đáng nhớ khi là năm thứ hai liên tiếp (đúng ra là năm thứ 3 liên tiếp) chúng ta giành được nhiều thành tựu quan trọng từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo… và trên hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế đến xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Công tác phòng và chống tham nhũng, lãng phí; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã được tăng cường, đáp ứng tốt nguyện vọng và niềm tin trong nhân dân.
Thành quả của chúng ta đã được ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế hàng đầu, với sự thăng tiến của các bảng xếp hạng, cũng như những dự báo tốt hơn về triển vọng phát triển Việt Nam 2020. Những kết quả đạt được kể trên đã không những góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, mà còn góp phần nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Mỗi kết quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đồng thuận, phối hợp của cả hệ thống chính trị; cùng với quyết tâm và sáng tạo vượt khó của hàng triệu công chức, viên chức, cán bộ trong từng xã, huyện, tỉnh, thành phố và trung ương. Tôi xin gửi lời cám ơn đến từng người dân, từng doanh nghiệp, từng hợp tác xã và từng công chức, viên chức ở mọi vị trí mà đã tận tụy làm việc trong năm qua.
Ngưỡng thu nhập trung bình cao đã rất gần
Kính thưa các đồng chí,
Đến năm 2045, dân số Việt Nam sẽ hơn 108 triệu người, tức tăng thêm trên dưới 12 triệu người trong vòng 25 năm tới, đồng thời tổng số lao động tăng thêm cần có việc làm là gần 11 triệu người. Trước mắt, năm 2020 chúng ta phải tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu người; tính chung từ nay đến 2025 là gần 5,5 triệu người - tương đương dân số Singapore.
Đây sẽ là một thách thức rất lớn mà Chính phủ/chính quyền địa phương phải giải quyết. Tuy nhiên, nhìn ở mặt ngược lại, đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm không ai khác hơn chính là nhóm lao động tăng thêm này. Quan điểm của Chính Phủ là chúng ta cần trao cơ hội việc làm, cơ hội kinh tế, đánh thức tiềm năng khởi nghiệp nhiều hơn cho người dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động ở miền núi, nông thôn, vùng sâu và vùng xa.
Trong top 15 nền kinh tế đông dân nhất thế giới chỉ có Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người cao, trong khi hầu hết các nền kinh tế khác đều đang phát triển hoặc có thu nhập trung bình. Ngay cả những nước phát triển vẫn tồn tại khoảng cách giàu nghèo, thậm chí sự phân hóa còn lớn và sâu sắc hơn Việt Nam. Chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ luôn nhất quán với quan điểm: Không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đặt ngoài lề của sự phát triển.
Kính thưa các đồng chí,
Thành quả giảm nghèo của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới là vĩ đại, nhất là giảm nghèo đa chiều. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện đang tăng nhanh; theo dự báo, đến năm 2025, tầng lớp trung lưu sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tương đương 25 triệu người.
Chính điều này sẽ góp phần minh chứng rõ nét hơn nữa thành quả giảm nghèo bền vững của chúng ta cũng như mục tiêu về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng, một xã hội công bằng, bình đẳng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành phần dân cư, đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc của Văn hóa Việt Nam.
Thu nhập bình quân đầu người của chúng ta hiện nay là gần 2.800 USD (nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót thì đã trên 3.000 USD). Ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình cao (theo chuẩn giá 2019 của WB) là 3.996 USD đang ở ngay trước mắt chúng ta; đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao như những năm vừa qua.
Việc tiếp tục duy trì được sức tăng trưởng cao như hiện nay trong 2 thập niên tới sẽ giúp chúng ta trở thành quốc gia có thu nhập cao vào đúng năm 2045) - cột mốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại của dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng, cột mốc đó sẽ bị lùi lại ít nhất vài năm. Vì vậy, năm nào tôi cũng muốn nhắc lại lời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước là “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.
Kính thưa các đồng chí,
Có một thực tế không vui là một quốc gia thịnh vượng không có nghĩa là tất cả mọi người, mọi địa phương, mọi vùng miền đều thịnh vượng. Bản đồ địa lý kinh tế Việt Nam trong những thập niên tới sẽ thay đổi rất lớn, sẽ có nhiều địa phương tăng trưởng rất nhanh và trở nên giàu có, cũng có khả năng một số địa phương sẽ tụt lại hoặc dậm chân tại chỗ.
Chính phủ luôn ý thức được chức năng kiến tạo, thúc đẩy, tạo cơ hội tốt nhất và công bằng nhất cho tất cả các địa phương và mọi tầng lớp nhân dân. Tôi tin sẽ có rất nhiều địa phương trong cả nước có mức phấn đấu cao và đạt kết quả để đưa địa phương mình tiến bước và phát triển bền vững.
Các quan điểm phát triển đã được thể hiện trong các Văn kiện Đại hội Đảng Khóa 12 cũng như các Nghị quyết của Đảng, của Quốc Hội những năm qua như Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hay mới đây nhất là Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
Những Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ sở, tiền đề cho Chính phủ xây dựng và triển khai Chương trình hành động tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Trong năm 2019 Chính phủ đã ban hành nhiều ngihij quyết để cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống; ngược lại, từ thực tiễn và kinh nghiệm điều hành phong phú của mình, Chính phủ cũng đã tích cực đóng góp vào các nội dung nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, làm cho nghị quyết phù hợp với thực tiễn và có thể dẫn dắt thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận, rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”.
Tập trung 9 nhóm vấn đề lớn
Kính thưa đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước, thưa các đồng chí,
Chỉ còn không đầy 48 giờ nữa, chúng ta sẽ kết thúc năm 2019 và bước vào năm 2020 - một năm sôi động với đầy ắp các sự kiện quan trọng của đất nước. Có thể nói 2020 là một năm Hội lớn. Chúng ta sẽ đảm nhận chứcChủ tịch ASEAN; Chủ tịch AIPA 41; Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; kỷ niệm 75 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh..., năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, và là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng XIII vào đầu năm 2021.
Để chuẩn bị thật tốt cho năm 2020, chúng ta cần phải làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước dân. Sau khi nghe xong các báo cáo, tôi đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận, đánh giá kết quả 2019, nhận định bối cảnh, tình hình năm 2020 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2020.
Tôi rất mong được nghe ý kiến của nhiều ngành, nhiều địa phương, trong đó tập trung đi thẳng vào những thành quả nổi bật và những vấn đề khó khăn, vướng mắc; những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp làm sao để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao được hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay; tập trung bàn về cách làm, phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm sao tạo được chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2020, không chỉ là kinh tế mà còn cả xã hội. Tôi đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành cần có giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà các địa phương nêu.
Thủ tướng yêu cầu xác định rõ "trụ cánh" để phát triển đất nước trong những năm tới. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tôi đề nghị chúng ta thảo luận kỹ, cho ý kiến về phương châm hành động của năm 2020, qua đó xác định những trọng tâm cho chỉ đạo điều hành như tại nội dung dự thảo các nghị quyết cho năm 2020 sẽ được trình bày, trong đó tập trung vào 9 nhóm vấn đề lớn gợi mở như sau:
Thứ nhất, làm sao để tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả KTXH đã đạt được trong năm 2019, tôi đề nghị các bộ ngành và địa phương đặt ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm, đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho 2020.
Thứ hai, tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, sửa đổi ngay những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật. Nhất là những chỉ số còn thấp như: Giải quyết phá sản (122/190 quốc gia); khởi sự kinh doanh (115/190 quốc gia); nộp thuế (109/190); thương mại qua biên giới (104/190); Bảo vệ nhà đầu tư (97/190). Phân tích, làm rõ những nguyên nhân đối với những chỉ tiêu tụt hạng so với năm 2018. Nếu vướng mắc pháp luật thì phải chỉ ra điều nào, khoản nào, không được nói chung và đề xuất sửa sớm nhất.
Thứ ba, làm sao để khơi thông hơn nữa các đột phá chiến lược (về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực), thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hành động của các cấp các ngành trong năm 2020; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm? kiểm soát, chấm dứt được tình trạng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, “tham nhũng vặt”…?
Thứ tư, chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo (chỉ ra động lực của cả nước, động lực của từng địa phương, động lực của từng ngành), tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, thúc đẩy nền kinh tế số. Hỗ trợ một số địa phương tìm kiếm động lực tăng trưởng mới như kinh tế ban đêm, phát triển đô thị theo quy hoạch,…
Thứ năm, quy mô kinh tế số của Việt Nam đã tăng 4 lần trong 5 năm qua và dự báo sẽ đạt 20% GDP trong 5 năm tới. Làm thế nào để tạo nền tảng cho kinh tế số phát triển tăng tốc trong năm 2020 và những năm tới? Làm sao đổi mới sáng tạo ở nước ta tiếp tục thăng hạng cao hơn?
Thứ sáu, cần có đột phá gì về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành ở trung ương?
Thứ bảy, làm thế nào để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo sự hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn cho người dân tốt hơn. Từ thực tiễn địa phương cơ sở, các đồng chí thấy cần bổ sung giải pháp nào? Nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả nào? Làm thế nào thực hiện thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Các chỉ tiêu, kịch bản đối với lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đã phù hợp chưa?
Thứ tám, tăng cường đầu tư cho tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước tương xứng với thách thức của thời kỳ mới như thế nào? Làm sao hạn chế đến mức thấp thiên tai, hạn hán đang và sẽ diễn ra khốc liệt.
Thứ chín, đề xuất các biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ công chức. Các ngành, các cấp và địa phương quyết liệt cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên, bổ sung nguồn lực để cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức ngay trong năm 2020. Đặc biệt chúng ta cần chuẩn bị tốt thực hiện Chỉ thị 35 về Đại hội Đảng các cấp, chọn được người có đức, có tài.
Ngoài ra, năm hết, Tết đến, chúng ta phải chăm lo tết một cách chu đáo cho nhân dân, đảm bảo an ninh, an toàn mọi mặt cho nhà nhà vui Tết, đón xuân, đặc biệt, đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các gia đình chính sách, người nghèo, người lang thang cơ nhỡ, trẻ mồ côi…
Thưa toàn thể hội nghị,
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn từng nói: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi". Dân tộc chúng ta là con Lạc cháu Hồng, có khát vọng không ngừng vươn cao, bay xa như truyền thuyết chim Lạc. Tôi đề nghị tất cả chúng ta cùng thảo luận trả lời câu hỏi lớn: Để đưa kinh tế - xã hội Việt Nam vươn cao, chúng ta cần những trụ cánh gì?
Sau đây, chúng ta bắt đầu các nội dung của hội nghị.
Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước, đồng chí Chủ tịch Quốc hội và toàn thể hội nghị!