Trong nhiều thế kỷ qua, phụ nữ từ 10-50 tuổi (độ tuổi có kinh nguyệt) không được phép vào đền Sabarimala. Tuy nhiên, từ tháng 9/2018, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh cấm này.
Đến tháng 1, người phụ nữ đầu tiên đã bước vào ngôi đèn, bất chấp sự phản đối của những tín đồ bảo thủ, theo CNN.
Hiện không rõ phụ nữ có được phép vào đền hay không khi nơi này mở cửa hôm 16/11. Tòa án Tối cao hôm 14/11 tuyên bố rằng quyết định bãi bỏ lệnh cấm từ tháng 9/2018 vẫn còn hiệu lực.
Khoảng 2.500 cảnh sát đã được điều động hôm 16/11 và sẽ triển khai thêm nếu cần thiết, theo Lokanath Behera, quan chức cảnh sát cấp cao bang Kerala.
Cảnh sát trấn áp người biểu tình ở bang Kerala hồi tháng 2/2018. Ảnh: AFP. |
Trong mùa hành hương gần đây nhất vào tháng 1, nhiều cuộc biểu tình bạo lực nổ ra trên khắp bang Kerala, khiến ít nhất một người thiệt mạng và cảnh sát phải sử dụng hơi cay, vòi rồng để trấn áp.
Phụ nữ cố vào đền được yêu cầu quay lại và một vài người còn bị hành hung.
Hôm 14/11, Tòa án Tối cao yêu cầu chính quyền bang Kerala "thực hiện biện pháp củng cố lòng tin của dân chúng để đảm bảo việc thực thi hiến pháp".
"Các hành vi chống đối có tổ chức nhằm cản trở việc thi hành bản án này phải bị dập tắt một cách kiên quyết", phán quyết của tòa nhấn mạnh.
Rahul Easwar, nhà hoạt động Ấn Độ giáo cánh hữu, người phản đối phán quyết hồi tháng 9/2018, gọi quyết định hôm 14/11 của Tòa án Tối cao là "bước đi đúng hướng".
"Mọi người vẫn ngầm thừa nhận rằng bản án trước đó cần được xem xét lại. Chúng tôi hy vọng văn hóa và niềm tin của Sabrimala sẽ được bảo vệ", ông nói.
Đền thờ Sabarimala hơn 800 năm tuổi được coi là nhà của thần Ayyappa, một vị thần của Ấn Độ giáo.
Những người ủng hộ lệnh cấm cho rằng vì Ayyappa được coi là độc thân, nên việc cho phép phụ nữ trong độ tuổi có kinh nguyệt và "không trong sạch" vào đền là thiếu tôn trọng.