Đầu tháng 4, Masan tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập tại đỉnh Fansipan - ngọn núi cao nhất Việt Nam. Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2021 của tập đoàn cũng diễn ra thành công tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai, tổng kết những con số ấn tượng trong hành trình 25 năm phát triển của Masan.
Bà Nguyễn Hoàng Yến - thành viên HĐQT Masan Group và ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT ngân hàng Techombank chia sẻ về hành trình tạo ra Masan. |
Hành trình 1/4 thế kỷ
Bloomberg định danh ông chủ Masan - TS Nguyễn Đăng Quang là "ông trùm" hàng tiêu dùng Việt Nam. Bloomberg cũng nhấn mạnh con đường trở thành tỷ phú của ông dựa trên mục tiêu đưa nước mắm và các đồ gia vị “bắt buộc phải có” vào căn bếp của mọi gia đình Việt.
Theo ước tính của Kantar Worldpanel Vietnam, 95% hộ gia đình Việt Nam đang sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan. Vì vậy, cái tên Nguyễn Đăng Quang và chuỗi hành trình “phụng sự người tiêu dùng” của Masan đã tạo cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp Việt, dù thuộc quy mô SME hay đang trên hành trình vươn ra đấu trường quốc tế.
Ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp: "Chúng tôi không lựa chọn mỳ gói, mà ngược lại, bối cảnh khó khăn lúc đó ‘buộc’ chúng tôi phải chọn mỳ gói... Đến một ngày chúng tôi nhận ra, không chỉ người Việt Nam dùng mỳ gói, mà hơn 140 triệu người Nga cũng cần”.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group. |
Trong hành trình 25 năm trở thành doanh nghiệp tiêu dùng hàng đầu Việt Nam hiện nay với những sản phẩm quen thuộc trong đời sống thường nhật như mì ăn liền, nước tương, nước mắm, Masan không thiếu những lúc đối mặt với thị trường cạnh tranh khốc liệt.
“Thất bại là điều không tránh khỏi, và thất bại là hiển nhiên khi chúng ta không ngừng thách thức các giới hạn” là điều Chủ tịch Masan Group - TS Nguyễn Đăng Quang bày tỏ trong thư ngỏ cuốn “Báo cáo thường niên 2020”. Theo ông, doanh nghiệp dám chấp nhận thất bại và luôn khắc ghi bài học về chiến lược kinh doanh: Không bao giờ theo đuổi những kết quả ngắn hạn, mà luôn theo đuổi các kế hoạch tăng trưởng trong dài hạn.
Các dòng sản phẩm tiêu dùng của Masan đều mang đậm triết lý kinh doanh hướng đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của ngươi Việt. Sự ra đời của Omachi, Kokomi, Ponnie, Vĩnh Hảo, Vinacafe Biên Hòa, hay thương hiệu thịt mát công nghệ châu Âu MEATDeli... đều được thực hiện bằng sự đồng bộ đầu tư bài bản: Từ quy mô nhà máy sản xuất áp dụng công nghệ hiện đại, đến hệ thống phân phối rộng khắp.
Tầm nhìn 2021-2025
Bằng triết lý kinh doanh đặt người tiêu dùng làm trọng tâm, Masan luôn nỗ lực sản xuất, cung cấp các sản phẩm tiêu dùng chất lượng. Cuối năm 2019, bằng thương vụ M&A VinCommerce giữa Masan và VinGroup, doanh nghiệp đã giữ lại thị trường bán lẻ tiêu dùng của người Việt cho người Việt.
Thời điểm đó, ông chủ Masan chia sẻ, không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập VinCommerce, nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng. Theo ông, hiện doanh nghiệp chỉ tập trung vào các nhu cầu cơ bản hàng ngày, nhưng tương lai sẽ là một hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp.
Sau 1 năm về với Masan, VinCommerce có quý đầu đạt EBITDA dương, khẳng định chiến lược kinh doanh dài hạn của Masan. Điểm đáng chú ý của Masan Group trong quý IV/2020 là công ty con VinCommerce đạt EBITDA dương 16 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất 0,2%.
Tuy chưa phải con số cao, nhưng đây là cột mốc quan trọng với mảng bán lẻ của Masan Group, tạo tiền đề cho sự chuyển đổi của năm 2021 và bức tranh chiến lược 5 năm 2021-2025. Cụ thể, tầm nhìn 2025, Masan sẽ trở thành một trong 50 công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới do tạp chí Fortune bình chọn với giá trị vốn hóa 50 tỷ USD.
Trong năm nay và giai đoạn tiếp theo, Masan Group tập trung vào chiến lược xây dựng nền tảng Point of Life. |
Với lộ trình phát triển tiềm năng, ngày 6/4, VinCommerce đã thu hút 410 triệu USD (tương đương 16,26% cổ phần) của một trong những quỹ đầu tư lớn nhất tại Hàn Quốc - SK Group.
Ông Woncheol Park, Giám đốc Đại diện của SK South East Asia Investment, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam, đặc biệt là tầm nhìn của Masan Group trong việc thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành bán lẻ nhu yếu phẩm. Năm 2020, VinCommerce đã chuyển đổi với tốc độ và mức độ ấn tượng. Điều này một lần nữa chứng minh năng lực của Masan trong việc xây dựng công ty đặt người tiêu dùng làm trọng tâm hàng đầu tại Việt Nam. Chúng tôi hợp tác với Masan và VCM để phát triển mô hình bán lẻ tích hợp từ online đến offine dẫn đầu về quy mô”.
Gặt hái nhiều thành tựu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, liên tục nhiều năm liền đứng trong top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, tập đoàn Masan luôn ý thức về trách nhiệm xã hội. Năm 2020, Masan đóng góp gần 5.000 tỷ đồng thuế vào ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp cũng cải thiện đời sống cộng đồng tại những nơi đặt nhà máy và hợp tác, tạo ra công ăn việc làm và giúp cải thiện đời sống của người dân địa phương. Đồng thời, hàng năm, Masan đều dành một phần lợi nhuận để phát triển cộng đồng thông qua các hoạt động giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Bình luận