“Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần đưa ra cảnh báo, và đa số các tổ chức tín dụng đều tuân thủ việc đảm bảo an toàn tiền tệ trong hoạt động gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, vẫn có một vài sự việc hy hữu xảy ra”, vị này cho biết.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xem xét phương án để đưa ra những thông điệp trên một tinh thần chung là đã có chỉ đạo trước đó, nhưng phải tăng cường, siết chặt tiếp tục nhắc nhở các ngân hàng thực hiện đúng, sát sao, quyết liệt hơn để tránh rủi ro cho người sử dụng dịch vụ tài chính.
245 tỷ đồng gửi tiết kiệm của khách tại ngân hàng Eximbank bốc hơi. Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM chia sẻ câu chuyện khách hàng Chu Thị Bình bị mất tiền gửi tại Eximbank đã diễn ra cả năm nay. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã làm việc với ngân hàng để rà soát lại toàn bộ hệ thống, các quy định nội bộ, các quy trình xử lý, kể cả huy động, cho vay hay quan hệ giao dịch.
"Đối với trường hợp cụ thể này, khi vụ việc được khởi tố thì tôi nghĩ cả ngân hàng và khách hàng cần phải kiên nhẫn chờ đợi quyết định của tòa án. Dĩ nhiên trách nhiệm bồi hoàn hợp lý cho khách hàng vẫn thuộc về phía Eximbank, Ngân hàng Nhà nước tôn trọng cách giải quyết của nhà băng này.
Ngân hàng niêm yết cũng có cái khó khi đưa ra quyết định cần phải thông qua cổ đông, vì vậy họ cần một cơ sở pháp lý để thực hiện", ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM trả lời Zing.vn.
Cũng theo ông Minh, qua vụ việc này, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến nghị khách hàng thường xuyên kiểm tra số dư, thông tin tài khoản ở các ngân hàng, kể cả cho vay hay tiền gửi. Hầu hết ngân hàng đều có dịch vụ kiểm tra biến động số dư thông qua tin nhắn, nên khách hàng cần chủ động đăng ký.
"Đối với giao dịch thì nên giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, không nên giao dịch bên ngoài, dễ có những rủi ro tiềm ẩn. Đã có rất nhiều trường hợp thất thoát tài khoản vì giao dịch bằng niềm tin, và không tuân thủ các quy định, nên với tài khoản của mình khách hàng đặc biệt cẩn trọng", ông Minh nói thêm.