Kết thúc năm 2017, PVN đạt lợi nhuận sau thuế 40.632 tỷ đồng sau kiểm toán, dẫn đầu trong hệ thống các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Tuy nhiên, theo kết luận của KTNN, PVN cũng chính là một trong những ông lớn Nhà nước có nhiều sai phạm nhất.
Đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất được KTNN chỉ ra là nhiều khoản đầu tư, góp vốn của PVN bị thua lỗ.
Cụ thể 7 trong số 11 công ty kinh doanh ngoài ngành chính của PVN lỗ lũy kế lớn. 5 đơn vị (khoản đầu tư) trên tổng số 20 của PTSC lỗ lũy kế. Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) có 3 đơn vị lỗ 101 tỷ đồng; Công ty mẹ Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) chứng kiến 11 trong số 45 đơn vị thành viên thua lỗ.
Trong khi đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao.
24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án với tổng chi phí 773 triệu USD. Dự án Danan ở Iran và dự án Junin 2 ở Venezuela phải dừng, giãn tiến độ (660 triệu USD). 2 dự án tại Peru đang xin chủ trương chuyển nhượng (849 triệu USD).
Bên cạnh đó, hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài của PVN cũng bị KTNN chỉ ra vượt hạn mức quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Cụ thể, dự án Lô 67 chuyển vượt 142 triệu USD; dự án SK 305 chuyển vượt 15 triệu USD.
Tại thời điểm chuyển vốn đầu tư, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài chưa quy định về hạn mức chuyển vốn. Tuy nhiên, sau khi có quy định mới từ tháng 8/2016, PVN đến nay vẫn chưa điều chỉnh.
PVN có nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả và sai quy định về việc chuyển vốn. Ảnh minh họa: PVN. |
Ở trong nước, một số dự án của PVN đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn, có nguy cơ không đảm bảo cơ cấu vốn được phê duyệt dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Một số dự án tiềm ẩn rủi ro phát sinh chi phí, giảm hiệu quả đầu tư như dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1.
Ngoài ra, một số sai phạm khác gồm PVN gồm trích quỹ tiền lương không đúng quy định 2,1 tỷ đồng; PVFC hạch toán lương Ban quản lý Dự án vào chi phí không đúng quy định 14,2 tỷ đồng.
Về vấn đề quản lý và sử dụng đất đai, PVN mua một số lô đất từ giai đoạn 2011-2012 nhưng chưa sử dụng; Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), CTCP Xăng dầu Dầu khí Vũng Tàu (PVOil Vũng Tàu), Petro Mekong sử dụng đất không đúng mục đích; PVOil chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước.
Cuối cùng, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước năm 2017 còn chậm, trong đó nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt. Cụ thể, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) còn 10 trong tổng số 16 đơn vị, PVOil còn 9 đơn vị ngoài ngành, nghề kinh doanh chính và 3 trên 5 đơn vị chưa cổ phần hóa, thoái vốn.
Hơn 11.000 tỷ gửi tại Oceanbank bị chậm luân chuyển
Về hoạt động tài chính, công ty mẹ PVN có khoản nợ khó đòi lên tới 11.368 tỷ đồng. Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) để phát sinh nợ phải thu quá hạn 122 tỷ đồng. PVN và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) tồn tại lượng vật tư, hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển lần lượt là 386 tỷ và 117 tỷ đồng.
Ngoài ra, PVN trích thừa 85 tỷ đồng khi lập dự phòng giảm giá hàng tồn và khấu hao tài sản cố định không đúng quy định 17 tỷ đồng.
KTNN cũng lưu ý các doanh nghiệp trực thuộc PVN gửi tiền tại Oceanbank bị chậm luân chuyển do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện kiểm soát trực tiếp ngân hàng này.
Tổng số tiền các đơn vị của PVN gửi tại Oceanbank lên tới hơn 11.000 tỷ đồng, bao gồm cả ngoại tệ. Trong số này, công ty mẹ PVN là doanh nghiệp có khoản tiền gửi ở Oceanbank lớn nhất với 5.026 tỷ đồng, 86.016.801 USD và 2.171 EUR.
Đặc biệt, KTNN cho biết giai đoạn năm 2010-2015, Ban quản lý Dự án công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã gửi tiền tại 2 ngân hàng nhưng tiền lãi nhận được để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, có dấu hiệu vi phạm pháp luật 22,1 tỷ đồng.
Vụ việc này đã được KTNN chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ.
Công ty con lỗ lũy kế hơn 3.300 tỷ đồng
Trong số các doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, một số đơn vị liên quan đến PVN cũng bị điểm mặt.
Cụ thể, đến hết năm 2017, Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) lỗ lũy kế 3.377 tỷ đồng, Công ty CP Chế tạo tàu và giàn khoan dầu khí thuộc Vietsovpetro lỗ lũy kế 581 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (Pvtex) âm vốn chủ sở hữu 1.780 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất âm 1.159 tỷ đồng và Công ty CP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) âm 172 tỷ đồng.
Một số công ty con của PVN kinh doanh không hiệu quả, lỗ lũy kế lớn, âm vốn chủ sở hữu. Ảnh: A.T. |
Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính.
Các đơn vị thuộc PVN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao là công ty CP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi (22,4 lần), Công ty TNHH MTV Khách sạn Dầu khí PTSC (4,8 lần), Công ty TNHH Khảo sát địa Vật lý PTSC CGGV (3,2 lần).
Công ty mẹ PVN còn có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt 24.407 tỷ đồng nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.