Xuyên đêm 19 đến rạng sáng 20/1, lực lượng cứu nạn tỉnh Đồng Tháp liên tục có mặt tại hiện trường cầu Rọc Sen, tiến hành những bước cuối đưa thi thể bé Thái Lý Hạo Nam lên mặt đất.
Anh Tấn Tài (cha của Hạo Nam) liên tục hướng ánh mắt về phía công trình. Người cha đã ký vào biên bản ghi nhận việc con trai đã tử vong và thống nhất để lực lượng cứu nạn thực hiện các phương án đưa thi thể cậu bé ra khỏi lòng ống cọc bê tông.
Anh Tài cứ nhớ mãi buổi trưa 31/12, thời điểm con trai cùng nhóm bạn đi vào công trình, sau đó bé Nam không may lọt xuống ống cọc. Theo lời kể của công nhân trong tổ đóng cọc bê tông, khi mới đến hiện trường, bé Hạo Nam vẫn gọi với lên trên "cháu ở dưới hố, cứu cháu với". Nhưng chỉ một lúc sau, cậu bé không còn đáp lại tiếng gọi phía trên.
Khi nhận được thi thể của con trai, anh Tài thẫn thờ ngồi xụp xuống chiếc bàn trong nhà. Gia đình lập vội bàn thờ nhỏ cho bé Hạo Nam, cũng chính là chiếc bàn học cũ của bé trai.
Ngày đêm nỗ lực cứu nạn
21 ngày qua, lối vào công trình cầu Rọc Sen lúc nào cũng sáng đèn với sự phối hợp của lực lượng cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, công an kết hợp với các chiến sĩ Lữ đoàn công binh 25, Quân khu 9. Đội chia thành nhiều ca, làm việc xuyên ngày đêm.
Công trình cầu Rọc Sen nằm trên bãi đất vắng vẻ, cách khu dân cư khoảng 500 m, cách nhà Hạo Nam chỉ khoảng 1-2 km. Lối vào công trình được lực lượng chức năng phong tỏa, bởi trong hiện trường có nhiều thiết bị chuyên dụng hạng nặng, có thể gây mất an toàn trong quá trình di chuyển.
Có mặt xuyên suốt tại hiện trường, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhiều lần nhấn mạnh tình huống hy hữu khi cháu bé rơi xuống ống cọc có đường kính quá nhỏ (25 cm), cọc đã cắm sâu dưới lòng đất tới 35 m. Tầng đất sâu, có tính chất đặc dính nên rất khó để lực lượng cứu nạn có thể nhổ cọc lên.
Các thiết bị chuyên dụng hạng nặng phải đi đường thủy vào công trình cầu Rọc Sen. Ảnh: Hoàng Giám. |
Do tính chất hy hữu của sự việc, nhiều phương án cứu nạn được đưa ra dưới sự tham vấn ý kiến của Bộ GTVT và các chuyên gia trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều thiết bị chuyên dụng cũng được điều động thêm từ các tỉnh lân cận như hệ thống cần cẩu 50-80 tấn, máy rung 180 kW...
Ban đầu, đội tính đến phương án cứu cháu Nam bằng dây chuyên dụng. Cách làm không khả thi vì đường kính ống cọc quá nhỏ. Đội cứu nạn chuyển sang phương án hai là khoan làm mềm đất, sau đó dùng cần cẩu kéo lên. Song phương án tiếp tục gặp khó khăn do việc kéo lên có thể làm đứt các mối nối, khiến ống cọc bê tông có nguy cơ trượt xuống.
Sáng 3/1, phương án thứ ba được điều chỉnh là đóng ống vách quanh cọc bê tông, rồi tiến hành bơm nước, xử lý lớp đất xung quanh. Phương án này gặp nhiều bất lợi bởi khi đào xuống độ sâu trên 30 m, đội cứu nạn gặp phải tầng đất có kết cấu phức tạp, đất chặt.
Ngày 4/1, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp xác nhận bé Hạo Nam đã tử vong. Nguyên nhân chính là nạn nhân bị đa chấn thương, thiếu dưỡng khí và gặp nhiệt độ thấp.
Một ngày sau đó, phương án được điều chỉnh lần thứ 4. Lúc này, việc duy trì sự sống cho cháu bé kết thúc, mục đích cuộc cứu nạn chuyển sang đưa thi thể nạn nhân lên mặt đất sớm nhất.
Phương án mới là sử dụng kết hợp giữa cọc ván thép và ống vách thép trong quá trình làm sạch đất xung quanh ống cọc bê tông. Sau khi tiếp cận đáy ống cọc sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhấc ống cọc bê tông lên. Phương án này cần triển khai qua 11 bước, cần sự hỗ trợ của các thiết bị chuyên dụng được điều động thêm như cần cẩu 80 tấn, búa rung 180 kW...
Đến ngày thứ 17, đội cứu nạn đưa được đoạn đầu tiên của ống cọc bê tông lên mặt đất (dài 12 m) bằng phương pháp cưa cắt. Sau đó một ngày, tổ cứu nạn xác định vị trí nghi ngờ có bé Nam mắc kẹt nằm ở mối nối đoạn 2 và đoạn 3 của ống cọc bê tông.
Bước sang ngày 20, đội cứu nạn đưa được ống cọc thứ hai lên. Đối với đoạn cọc cuối, đội thay đổi phương án khi không đưa lên mặt đất mà sẽ tiếp cận lòng ống, dùng biện pháp nghiệp vụ để đưa bé trai lên.
Cuối cùng, bằng tất cả nỗ lực và lời hứa "đưa thi thể bé Hạo Nam lên trước Tết", đến rạng sáng 20/1, lực lượng chức năng đã được thi thể Hạo Nam về với gia đình, tiến hành lo tang sự.
Nhận con vào rạng sáng 28 Tết
Đi theo lối dẫn vào nhà của Hạo Nam, ngôi nhà nằm lọt thỏm trong con xóm nhỏ với diện tích khoảng 50 m2, mái lợp tôn cũ kỹ, sàn nhà được làm bằng cây gỗ địa phương đã xuống cấp nặng.
Bàn thờ của Hạo Nam lập vội trên chiếc bàn học của em. Sau 21 ngày bé trai rơi xuống ống cọc bê tông, không khi nào cha mẹ bé Nam thôi nỗi mong nhớ con. Dự tính của chị Mỹ Linh (mẹ của nạn nhân), trong ngày 20/1, gia đình sẽ lo tang sự và tiến hành chôn cất cậu con trai tại khoảnh đất cạnh nhà.
Có mặt tại nhà Hạo Nam, ông Đoàn Tấn Bửu chia sẻ nỗi mất mát với gia đình nạn nhân. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chính quyền đã hỗ trợ nhiều khoản cho gia đình nạn nhân, cả theo chế độ lẫn hiện kim, đồng thời nhiều nhà hảo tâm cũng giúp đỡ cha mẹ Hạo Nam trong thời gian qua. Còn về đề xuất "địa phương tạo công ăn việc làm ổn định cho cha mẹ bé trai", lãnh đạo tỉnh vẫn chưa tiến hành, tuy nhiên sẽ xem xét thêm trong thời gian tới.
Anh Thái Văn Tấn Tài (cha Hạo Nam) thẫn thờ khi cuối cùng thi thể con đã về bên gia đình. Ảnh: CTV. |
Sau khi làm xong những bước thủ tục bàn giao thi thể Hạo Nam cho gia đình, ông Đào Tấn Bửu cho biết sẽ xem xét đến trách nhiệm cơ quan chuyên môn liên quan đến sự cố công trình, tiến hành giải quyết cho phù hợp với quy định của luật pháp.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định khi để xảy ra tai nạn của bé Hạo Nam, trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công.
Trong thời gian nhóm bé Hạo Nam vào công trình, đơn vị thi công có tiến hành che chắn, căng rào, gắn cảnh báo, đồng thời cử người quan sát. Tuy nhiên, theo ông Bửu, "đây là trường hợp hy hữu, bé Nam đi vào thời điểm có khe kẽ trong công trình, không ai phát hiện được".
Trong trường hợp công trình cầu Rọc Sen thi công trở lại, tỉnh Đồng Tháp cam kết sẽ đảm bảo khâu an toàn trong suốt quá trình.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.