Những tòa chung cư tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Theo IPE, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới và bao gồm nhiều nền kinh tế cũng như khu vực địa lý. Trong đó, nổi bật là hai quốc gia có tăng trưởng lớn và khác biệt so với phần còn lại của thế giới: Trung Quốc và Ấn Độ.
Một APAC đầy hấp dẫn
Các nhà đầu tư tại châu Âu và Bắc Mỹ đang đặt mục tiêu đa dạng hóa danh mục đầu tư bất động sản của họ. Tuy nhiên, đây vẫn là một bài toán khó trong suốt thập kỷ qua. Đã có thời điểm, nhiều đơn vị vẫn chưa thực sự hiểu và đặt trọn niềm tin vào các thị trường trong khu vực APAC.
Đại dịch Covid-19 và các lệnh phong tỏa đã tạo ra một thách thức mới vào năm 2020. Kể từ đó, những mối lo ngại xoay quanh Trung Quốc đã khiến thị trường bất động sản APAC giảm khả năng thu hút dòng vốn lớn.
Tuy nhiên, gió đã đảo chiều trong khoảng thời gian gần đây. Trong cuộc khảo sát ý định đầu tư trong năm 2023 của các hiệp hội bất động sản khu vực, bao gồm ANREV, INREV và PREA, 53% doanh nghiệp và quỹ trên thế giới dự kiến tăng cường phân bổ vốn đầu tư tại APAC trong hai năm tới.
Con số này cao hơn so với châu Âu (39%), Mỹ (51%) và châu Mỹ (23%). Đặc biệt, 61% nhà đầu tư châu Âu dự kiến rót tiền vào thị trường APAC nhiều hơn. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Bắc Mỹ chỉ là 42%.
Một công trình phức hợp đang được xây dựng tại bang Maharashtra, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg. |
“2022 là một năm đầy thách thức đối với hoạt động đầu tư bất động sản thương mại ở APAC. Tuy nhiên, một số dấu hiệu khởi sắc đã bắt đầu xuất hiện trong năm 2023, bao gồm Trung Quốc mở cửa trở lại, tỷ lệ lạm phát giảm ở một số quốc gia và thị trường chứng khoán dần phục hồi”, công ty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield cho biết.
Bà Catherine Chen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường vốn tại APAC của Cushman & Wakefield, nhận định thị trường vốn đã suy yếu trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, vị này vẫn kỳ vọng hoạt động đầu tư sẽ tăng lên trong năm nay.
"Việc Trung Quốc mở cửa sớm hơn dự kiến và đưa ra các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ góp phần khiến thị trường bất động sản tại quốc gia này cũng như khu vực APAC trở nên sôi động hơn”, bà Catherine Chen chia sẻ.
Sức hút từ hai quốc gia tỷ dân
Ông Simon Treacy, CEO của CapitaLand Investment, cho rằng 2023 là một năm bản lề của bất động sản châu Á khi dòng vốn sẽ quay trở lại khu vực này sau 3 năm trầm lắng vì Covid-19.
Các doanh nghiệp địa ốc lớn ở châu Âu đang ngày càng đa dạng hóa khu vực đầu tư. Ví dụ tiêu biểu là quỹ Bayerische Versorgungskammer (BVK).
Việc đầu tư bất động sản tại Trung Quốc đã trở nên dễ dàng hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Bloomberg. |
Năm ngoái, ông Rainer Komenda, người đứng đầu bộ phận quản lý đầu tư bất động sản của quỹ BVK, tuyên bố đơn vị này sẽ chuyển sự chú ý sang châu Á và châu Mỹ. Vào thời điểm đó, các khoản đầu tư vào APAC chiếm 11% danh mục đầu tư bất động sản của BVK.
“Các khoản đầu tư tại châu Âu sẽ trở nên khó khăn hơn trong tương lai. Thay vào đó, chúng tôi sẽ nâng ngưỡng phân bổ vốn đầu tư tại APAC”, ông Simon Treacy bình luận.
Về tính minh bạch, luật cho thuê nhà của Trung Quốc không khác gì Mỹ, Nhật, Australia, Anh. Mọi người thường nghĩ các thông tin không minh bạch. Tuy nhiên, thực tế lại khác hoàn toàn.
Ông Simon Treacy, CEO CapitaLand Investment
Ông Treacy cho biết hiện danh mục đầu tư bất động sản của các doanh nghiệp tại APAC có thể chiếm khoảng 8-15%. Tuy nhiên, chuyên gia này khẳng định tỷ trọng sẽ tăng lên mức 25-30% trong 10 năm tới.
Kể từ năm 2003, thị trường địa ốc Trung Quốc đã tăng tính minh bạch và cởi mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài.
“Về tính minh bạch, luật cho thuê nhà của Trung Quốc không khác gì Mỹ, Nhật, Australia, Anh. Mọi người thường nghĩ các thông tin không minh bạch. Tuy nhiên, thực tế lại khác hoàn toàn”, ông Treacy chia sẻ.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng là một thị trường tiềm năng cũng như điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư vẫn còn e ngại Trung Quốc. Chính phủ Ấn Độ đã đơn giản hóa các quy định và đưa ra những chính sách hấp dẫn dành cho nhà đầu tư ngoại quốc.
Đặc biệt, sự phát triển của lĩnh vực công nghệ tại quốc gia này đã làm gia tăng nhu cầu thuê văn phòng và khu kinh doanh.
“Mọi người nghĩ để có được giấy cấp phép xây dựng một tòa nhà, đặc biệt là đối với một trung tâm dữ liệu, sẽ mất nhiều năm và thủ tục rất phức tạp. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mất 14 ngày để được phê duyệt cho một dự án trung tâm dữ liệu ở Hyderabad, nơi được coi như Thung lũng Silicon của Ấn Độ”, ông Treacy bình luận.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.