Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

20.000 đồng/ly trà chanh pha sẵn vào 'giờ vàng' ở ven hồ Tây

Trà chanh pha bằng trà Lipton hoặc Nestea 20.000 đồng/ly, 15.000 - 20.000 đồng/đĩa hướng dương hoặc trà đá 10.000 - 20.000 đồng... là mức giá phổ biến của các quán cóc ven hồ Tây.

Các tuyến đường Thanh Niên, Vệ Hồ, Trích Sài từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân Hà Nội vì sự chặt chém của các quán nước vỉa hè. Thông thường, loại trà chanh Nestea, Lipton chỉ có giá khoảng 4.000 đồng/ly nhưng khi đem bán tại ven hồ Tây, giá bị đẩy lên mức 15.000 - 20.000 đồng. Nếu không cảnh giác hỏi giá trước, khách có thể bị "hét" tới 30.000 đồng/ly. Tương tự, một cốc trà đá ở nơi khác có giá từ 3.000 đến 5.000 đồng thì trà đá ven hồ lên tới 10.000 - 20.000 đồng/ly. Hướng dương bán với giá 15.000 - 20.000 đồng/đĩa, dừa tươi từ 30.000 đến 40.000 đồng/quả.

Chỉ với vài dụng cụ đơn giản, các tiểu thương đã mở một quán cóc, lấn chiếm vỉa hè, chặt chém du khách.

Chỉ với vài dụng cụ đơn giản, các tiểu thương đã mở một quán cóc, lấn chiếm vỉa hè, "chặt chém" du khách. Ảnh: T. Hường.

Thùy Dương, quê Bắc Ninh, lần đầu ra Hà Nội cho biết: “Mình không biết các quán nước ở đây chém đắt như vậy nên cứ vô tư ngồi uống, tán chuyện với bạn bè. Lúc sau đứng dậy, mình hoảng hốt khi biết dừa tươi ở đây có giá 40.000 đồng/quả, chà tranh 30.000 đồng/ly”.

Giải thích lý do nước uống ở đây có giá cao như vậy, chị Hằng, một chủ quán nước ven đường Thanh Niên cho rằng: “Bán như vậy nhưng lời lãi có là bao. Người dân hầu như toàn ngồi hết cả buổi tối mới gọi được một ly nước. Nếu cứ bán theo mức giá của các nơi khác thì lấy gì kiếm sống”. Tuy nhiên, theo quan sát của Zing.vn, chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ, từ 20h đến 22h đêm, chị Hằng đã có tới 5 khách ngồi uống nước, thu về 400.000 đồng. 

Nắng nóng, nước mía tại Hà Nội bị đẩy lên 50.000 đồng/ly

Một cốc trà đá bị “hét” 20.000 đồng, mía đá 50.000 đồng... , không ít người bị chủ quán nước vỉa hè Hà Nội “chặt chém” kinh hoàng trong thời tiết nắng nóng.

Hồ Tây khoảng 18h trở về đêm được xem là "giờ vàng" của các tiểu thương kinh doanh trà đá vỉa hè. Chỉ với vài thứ đồ uống như: nước chè, sấu, mơ, một ít hoa quả, chùm dừa tươi, vài chiếc ghế nhựa… người bán đã có thể lấn chiếm ghế đá, vỉa hè và thỏa sức chặt chém du khách không thương tiếc.Như một thỏa thuận ngầm giữa những người bán hàng, mỗi chủ quán cóc đều có một địa phận riêng. Họ mang theo vài tấm nệm, ly nước hoặc ghế nhựa ra để chiếm lấy ghế đá. Du khách nào muốn ngồi ghế hóng gió đều phải gọi đồ uống, nếu không sẽ bị nhắc khéo đi nơi khác, nếu cố tình ngồi đó, chủ quán sẽ giở trò cãi cọ, nạt nộ.

Nguyễn Thị Lý, sinh viên Đại học kinh tế kỹ thuật công nghiệp chia sẻ: “Mình đi chơi hồ Tây nhiều lần nhưng chẳng bao giờ dám ra ngồi ghế đá nghỉ chân vì biết, những chiếc ghế ấy đều đã có chủ. Mỗi khi đi cùng bạn bè, bọn mình toàn phải tìm những khe hở không có quán nước hoặc những nơi khuất gió, ít người lui tới”.

Khu vực vườn hoa Lý Tự Trọng ven hồ Tây cũng bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh.

Khu vực vườn hoa Lý Tự Trọng ven hồ Tây bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh với mức giá dịch vụ đắt hơn rất nhiều so với các điểm khác. Ảnh: T. Hường.

Nhìn các quán nước mọc lên san sát nhau, ít ai biết, để có được vị trí bán nước ven hồ Tây, người bán phải tranh giành từng chút một. Mỗi chỗ ngồi đều có một chủ riêng, nếu người lạ nhảy vào hoặc ai khác có hành vi lấn chiếm, cuộc chiến tranh giành lãnh địa bắt đầu nổ ra. Theo chị Vân Anh, một người thuê trọ tại đường Võng Thị cho hay, những cuộc cãi cọ tranh giành nơi bán hàng ở đây diễn ra thường xuyên. Họ chửi nhau bằng những câu nói rất khó nghe khiến người đi đường cũng phải phát ngượng.

Phớt lờ những quy định cấm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, các tiểu thương ở đây luôn sẵn sàng bỏ chạy khi lực lượng chức năng xuất hiện. Với những thao tác chuyên nghiệp, các chủ quán chỉ mất vài phút để thu dọn đồ đạc. Ghế nhựa được nhét vào bao tải. Hoa quả, cốc chén, đồ uống đựng vào khay nhựa. Họ vừa bưng vừa chạy, nhanh chóng lẩn khuất vào lòng đường đông người hoặc đứng nấp vào hàng quán ven đường, đợi công an đi khỏi, công việc mua bán, chặt chém, lấn chiếm lại tiếp tục tái diễn.Tình trạng này đã trở nên phổ biến từ nhiều năm nay nhưng vẫn liên tục lặp đi, lặp lại bất chấp những nỗ lực của các cơ quan chức năng và sự bức xúc của người dân thủ đô.

20.000 đồng/lần gửi xe đạp tham gia Giờ trái đất

Những tưởng chỉ trong ngày lễ, tết tình trạng "chặt chém" giá vé trông xe mới bùng phát nhưng trong ngày diễn ra sự kiện "Giờ trái đất" thì giá gửi xe lại không hề "tiết kiệm".

T.Hường

Bạn có thể quan tâm