Khi số người được tiêm chủng ở TP.HCM tăng lên, tình trạng chưa cập nhật mũi tiêm trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử đã xuất hiện. Nguyên nhân khách quan được cho là nằm ở khâu nhập liệu. Những dữ liệu này được các các bộ y tế, tình nguyện viên ở các điểm tiêm chủng đưa lên hệ thống, từ đó mới hiển thị lên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử.
2.000 học sinh, sinh viên tình nguyện đang hỗ trợ việc nhập liệu tại TP.HCM
Trả lời Zing, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó ban Mặt trận - An ninh Quốc phòng - Địa bàn Dân cư Thành Đoàn TP.HCM cho biết từ những ngày đầu chống dịch, đơn vị này đã xây dựng "đội hình nhập liệu" để hỗ trợ việc ghi nhận thông tin tiêm chủng.
“Trong các đội hình chống dịch, nhóm nhập liệu ngay từ đầu đã được xây dựng. Lúc cao điểm, đội hình này duy trì hơn 2.000 tình nguyện viên với đa dạng ngành nghề. Trong đó, đa phần tình nguyện viên là sinh viên, học sinh”, ông Bảo cho biết.
Điểm tiêm chủng tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong khi đó, những F0 đã khỏi bệnh sẽ được mời đến hỗ trợ tại các bệnh viện thu dung của thành phố bởi các tình nguyện viên này có khả năng lây nhiễm thấp.
Theo ông Bảo, công việc của các tình nguyện viên là đến các điểm tiêm chủng để cập nhật dữ liệu cho người dân. “Trong những lúc cao điểm tổ chức tiêm chủng, tình trạng quá tải có xảy ra. Khó khăn nhất là khâu tập huấn nhập liệu”, ông Bảo nói thêm.
Hiện, đội hình nhập liệu được tập huấn bởi quy trình của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, HCDC sẽ đảm nhận điều phối nhân lực đến các điểm tiêm chủng. “Cơ bản công việc nhập dữ liệu tiêm chủng hiện nay đã đi vào guồng”, ông Bảo chia sẻ.
Chưa có phương án để ghi nhận cho F0 khỏi bệnh vào hệ thống
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ cuối tháng 8, HCDC đã triển khai kênh tiếp nhận thông tin tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của người dân TP.HCM để thực hiện điều chỉnh trên Sổ Sức khỏe điện tử. Tính đến hết ngày 10/9, hơn 350.000 lượt gửi thông tin điều chỉnh.
Tuy nhiên, với những F0 khỏi bệnh chưa có chứng nhận hoặc thiếu thông tin tiêm chủng tính đến 11/9, họ đối mặt với nỗi lo không kịp có "thẻ xanh" khi TP.HCM mở cửa trở lại.
Về việc nhập dữ liệu các F0 đã khỏi bệnh, đủ điều kiện cấp thẻ đi lại sau ngày 15/9, ông Bảo cho biết chưa được triển khai. “Hiện chưa có văn bản hướng dẫn điều hành cụ thể các bước tiếp theo của việc nhập liệu F0 đã khỏi bệnh”, ông Bảo nói.
Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ cập nhật danh sách tiêm chủng trước ngày 15/9. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trao đổi với Zing chiều 11/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đơn vị này đã tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân về việc chưa có dữ liệu tiêm chủng.
"Các thông tin về dữ liệu tiêm chủng, Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan liên quan đang bổ sung, điều chỉnh và cập nhật. Do đó, người dân đừng hoang mang, lo lắng. Chúng tôi đang cập nhật, sẽ điều chỉnh trong thời gian sớm nhất, cố gắng trước ngày 15/9", ông Nam nói.
Về việc người dân đã có giấy chứng nhận nhưng chưa có thông tin hoặc đã tiêm nhưng chưa có giấy chứng nhận, thành phố sẽ có hướng dẫn cụ thể và đôn đốc cơ sở tiêm chủng nhập đầy đủ dữ liệu của người tiêm lên hệ thống.
Tại họp báo cung cấp thông tin dịch Covid-19 chiều 11/9, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết thời gian qua, các đơn vị tiêm chủng đã vừa tổ chức tiêm, đồng thời cập nhật dữ liệu qua hệ thống tiêm chủng vaccine Quốc gia.
Tuy nhiên, thực tế có trường hợp người dân đã tiêm nhưng chưa được cập nhật kết quả hoặc thông tin bị sai. Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế TP.HCM đã huy động lực lượng để phối hợp xử lý các phản ánh.
HCDC thông báo thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin điều chỉnh trên Sổ Sức khỏe điện tử. Cụ thể, kênh tiếp nhận của HCDC sẽ đóng. Thông tin điều chỉnh được thực hiện thông qua Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.
Để gửi yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, thực hiện các bước như sau:
- Bước 1: Truy cập đường dẫn tiemchungcovid19.gov.vn, chọn mục “Phản ánh thông tin” (màu cam, phía bên phải giao diện website) hoặc truy cập đường dẫn tiemchungcovid19.gov.vn/portal/portal-report.
- Bước 2: Điền đầy đủ các thông tin cần thiết bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, điện thoại, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân (CMND/CCCD), tỉnh/thành phố..., và lựa chọn loại phản ánh phù hợp.
- Bước 3: Điền thông tin mũi tiêm và tải hình ảnh/file “Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19”.
- Bước 4: Nhập mã xác nhận và bấm “Gửi phản hồi”.
- Bước 5: Nhập mã OTP nhận được từ số điện thoại cung cấp tại bước 2 vào phần “Xác thực OTP” và bấm “Xác nhận” để kết thúc phản ánh.
Lưu ý: Những mục có dấu sao (*) màu đỏ bắt buộc phải điền thông tin, không được bỏ trống.