2.000 đô la có đem lại sự khác biệt?
"2.000 đô la" là một thuật ngữ tượng trưng mà người viết bài tự đặt ra cho cái sự tiêu tiền vì hình ảnh cá nhân.
Gần đây, trong lúc xem bản thảo phỏng vấn một vị giám đốc chuyên bán xe hơi đắt tiền, khẳng định dòng xe ấy "nhân diện" cho người sử dụng, là sang và thanh lịch. Nó nhắc nhở đến chuyện cái độ sang qua cách tiêu tiền của người giàu.
Người giàu có và có địa vị xã hội thường muốn tiêu tiền cho hình ảnh bên ngoài, đó là khoản đầu tư chính đáng vì công việc kinh doanh, hoặc thỏa mãn niềm vui của bản thân phía sau núi công việc nặng nhọc.
Nhưng đôi khi người ta cũng quên mất chính cách tiêu tiền cũng làm nên hình ảnh, rằng người tiêu tiền rất có thể bị biến dạng từ "sang" thành "chảnh", thành "lố bịch" bất cứ lúc nào.
Bởi chữ "sang" là vô cùng, mà các loại hàng hiệu được sản xuất ra từ những công ty lừng danh hàng trăm năm vẫn chưa chắc sẽ mang lại cho người sử dụng thiếu hiểu biết đúng độ "sang trọng" mong muốn nếu như không hiểu hết giá trị của món hàng hiệu ấy!
Một lần ngồi lắng nghe người phụ nữ khoe về chiếc bút chị đang dùng có giá 2.000 đô la. Chiếc bút trông rất tao nhã, có màu vàng toát vẻ phú quý. Chị ấy kể về chiếc bút đã làm cho bao nhiêu người tấm tắc, trầm trồ về cái giá "khủng" và chiếc bút chuyên để ký hợp đồng.
Chị ấy không nói lời nào về cái nhãn bút ấy, hoặc tính năng của chiếc bút đắt tiền. Nhạc sĩ Quốc Bảo cũng là một người sưu tập bút có tên tuổi ở Sài Gòn, từng chia sẻ: "Chơi bút là phải chơi có căn cơ. Hiệu gì đắt thế nào không phải là tiêu chuẩn căn bản. Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Nhất là lại chơi một món đồ đầy giá trị lịch sử và tinh thần như bút máy".
Tinh thần chơi bút của nhạc sĩ Quốc Bảo chắc chắn là không thể chia sẻ được tinh thần của chiếc bút giá mắc tiền chuyên để ký hợp đồng, và những trải nghiệm của cuộc chơi hoàn toàn không đem lại cảm xúc giống nhau.
Cứ tiếc giá như chủ nhân chiếc bút 2.000 đô la ấy không chỉ kiểm tra kỹ những viên đá quí gắn kèm, mà tìm hiểu thêm chút đỉnh về dòng bút ấy, cho mình biết thêm về lịch sử phát triển của thương hiệu, những trải nghiệm thú vị của người biết về giá trị sử dụng của loại bút máy nổi tiếng, hình ảnh chủ nhân sẽ đổi khác, sẽ thấy họ không chỉ giàu mà còn thật sang!
Sự sang trọng, cái đẹp luôn là quá trình học hỏi dài lâu và cần nền tảng văn hóa. Nhiều lần quan sát một nữ doanh nhân ở Hội An, thật không ngớt ngạc nhiên. Chị kinh doanh nhiều loại hình du lịch liên quan đến văn hóa. Những khu bán hàng thời trang và lưu niệm mặt bằng rộng đủ tiếp vài trăm khách du lịch tàu biển.
Những cửa hàng tại chỗ cũng cùng lúc đón tiếp năm ba chục khách quốc tế đến may đo. Nữ doanh nhân dành nhiều thời gian chăm chút quy trình tiếp khách, chất lượng sản phẩm đều tỏa ra hàm lượng văn hóa đặc trưng của Hội An để khách thỏa mãn với một điểm dừng chân ấn tượng.
Nhưng gặp nữ doanh nhân này thì có thể ngạc nhiên vì vẻ bình dị bên ngoài, vẫn giữ giọng nói Quảng chay với cách phát âm nặng, lối tiếp khách niềm nở với thứ chè xanh truyền thống tạo ra sự thân mật.
Chính với không gian rất Hội An đó, chị đã tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia từ châu Âu, ASEAN, các ca sĩ, hoa hậu thế giới đến tham quan. Phong thái tao nhã tự tin và không khí cổ xưa của người phụ nữ phố Hội đã thuyết phục các khách VIP vào hạng nhất thế giới thử tài may của người thợ Hội An.
Gìn giữ những nề nếp, phong thái của tiền nhân trao lại là điều nữ doanh nhân này cố gắng thể hiện từ bản thân, lối giao tiếp, phục sức những trang sức cổ, sẵn sàng giải thích cho khách quan tâm về ý nghĩa của những bộ trang phục và trang sức chị sử dụng và điều đó đem lại cho chị sự hấp dẫn khác biệt.
Cá tính đó đã giúp chị một phần vượt qua thời điểm khó khăn nhất khi kinh tế thế giới suy thoái và dòng khách du lịch đến Hội An giảm sút. Người phụ nữ này rất tâm đắc khi nói với tôi, 2.000 đô la chưa chắc đã đem lại cho ta một sự khác biệt.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn