Chia sẻ với Zing, đại diện UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tối nay (ngày 26/5), 20 tấn vải thiều sớm của huyện Tân Yên (Bắc Giang) sẽ lên máy bay sang Nhật Bản.
Lô hàng này do Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm Toàn Cầu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu và Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam thu mua và thực hiện xuất khẩu theo các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt.
Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết vải thiều sớm xuất khẩu đi Nhật được thu mua của người dân với giá 55.000 đồng/kg.
"Vải thiều sớm có chất lượng vượt trội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được trồng, chăm sóc ở vùng vải an toàn dịch bệnh, không bị tác động Covid-19", ông khẳng định.
Đây là lô vải tươi đầu tiên được phía Nhật Bản tạm thời ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch Việt Nam tự thực hiện giám sát, xử lý kiểm dịch theo đúng thông lệ quốc tế. Lô hàng được bảo quản lạnh và sẽ xuất khẩu đi Nhật Bản bằng đường hàng không.
Vải thiều xuất khẩu sang Nhật được giám sát chặt chẽ về chất lượng. Ảnh: Lê Hiếu. |
Theo ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, việc xuất khẩu chuyến vải thiều sớm đầu tiên sang thị trường Nhật Bản là một minh chứng khẳng định sự quyết tâm, nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Giang trong quá trình sản xuất, tiêu thụ vải thiều.
Đối với thị trường Nhật Bản, năm nay toàn tỉnh có 30 mã số vùng trồng vải thiều với diện tích gần 220 ha, 260 hộ dân tham gia, sản lượng xuất khẩu ước khoảng 1.800 tấn. Diện tích vải trồng xuất khẩu tập trung tại các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên. Hiện toàn bộ diện tích vải được chăm sóc đúng quy trình, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Từ năm 2020, Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu quả vải tươi của Việt Nam. Hiện Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều của tỉnh Bắc Giang.
Trước đó, ngày 23/5 lô vải đầu tiên ở Hải Dương do Công ty Sunrise Farm Nhật Bản ký kết với Công ty Cổ phẩn Ameii Việt Nam đã cập cảng hàng không tại Nhật Bản.
Năm nay, để chuẩn bị xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã chỉ đạo gia tăng diện tích vùng sản xuất vải cũng như số lượng mã số vùng trồng được phép xuất khẩu sang Nhật Bản, trong khi các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu cũng tăng cường đầu tư các chi phí xử lý, bảo quản quả vải cần thiết để đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản.
Quả vải thiều Việt Nam đã trải qua hơn 5 năm đàm phán, nỗ lực đáp ứng các quy định khắt khe mới có thể được cho phép nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Do vậy, theo thương vụ Việt Nam tại Nhật, trước tiên phía Việt Nam cần phải duy trì chất lượng quả vải sạch, đảm bảo giá thu mua, giá bán và giá xuất khẩu ổn định, đồng thời tích cực củng cố và đẩy mạnh nâng cao hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường khó tính này.
Ngoài thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đang tiếp tục chiến lược xuất khẩu vải thiều vào các thị trường lớn như: Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Canada,Thái Lan, Singapore...