Phần đường bộ hai bên của 6 nhịp cũ bị hỏng được thay thế bằng 34 nhịp dầm và có thêm 6 nhịp dầm thiết kế phình rộng phục vụ tránh xe trên cầu.
Cầu Long Biên. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Nguyễn Quang Long, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn giao thông Công ty Đường sắt Hà Hải, cho biết, điểm yếu nhất của cầu Long Biên hiện nay chính là các nhịp cầu cải tạo. “Sau khi Mỹ đánh phá năm 1972, chúng ta nói là sửa chữa tạm, nhưng vẫn để dùng đến tận ngày nay”, ông Long nói.
Việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên do 2 đội công nhân gần 40 người đảm nhận, ngoài ra còn một tổ bảo vệ, canh gác cầu. Kinh phí duy tu cầu được cấp hằng năm, năm 2013 xấp xỉ 7 tỷ đồng.
Ngoài sửa chữa thường xuyên, vào năm 2005, cầu được gia cố với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng để đảm bảo an toàn giao thông đến năm 2010. Từ đó đến nay, chưa có một lần gia cố lớn nào khác.
Theo ông Long, nguồn kinh phí duy tu thường xuyên chỉ đủ để cạo gỉ sắt và sơn lại những chỗ bị gỉ mọt, thay thế gia cố tà vẹt, ốc vít, quét dọn, vệ sinh cầu. “Ngay cả việc sơn, chúng tôi cũng chỉ sơn lại những chỗ bị mối mọt, gầm và thành cầu. Phần nhịp thép của Pháp để lại nhiều chỗ gỉ đen. Hai mươi năm nay, cầu chưa lần nào được sơn lại toàn bộ”, ông Long nói.
Hiện nay, tàu hỏa qua cầu bị giới hạn tốc độ ở mức 25 km/h, do các nhịp cầu được cải tạo sau năm 1972 bị võng. Đầu nhịp nhô lên, giữa nhịp võng xuống (kể cả trường hợp không tải), khiến đường sắt võng theo.
Ông Đỗ Văn Định, cán bộ kỹ thuật trực tiếp phụ trách 2 đội duy tu, sửa chữa cầu Long Biên, cho rằng, ngoại trừ 17 dầm quân dụng làm sau năm 1972 cần thay thế để tăng tốc độ chạy tàu, về cơ bản, chất thép của cầu còn tốt, kết cấu chính của cầu (dọc theo đường sắt) vẫn ổn định.
Theo ông Định, nếu có phương án sửa chữa cầu quy mô, cầu vẫn có thể “thọ” thêm hàng chục năm, kể cả khi thực hiện phương án giữ các nhịp cầu cải tạo sau 1972 để lưu lại dấu tích tàn phá của máy bay B-52 Mỹ.
Theo Công ty Đường sắt Hà Hải, trước mắt, cầu Long Biên phải đầu tư 3 hạng mục sửa chữa khẩn cấp gồm: Hai sàn tránh xe phần đường bộ và một trụ phụ chưa được bọc vật liệu chống gỉ.
Chi phí cho các hạng mục này khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng chưa được phê duyệt. Hiện nay, phần đường sắt được duy tu thường xuyên; phần đường bộ nhiều chỗ gỉ, chưa được xử lý.
Đang bị xâm phạm
Toàn bộ gầm cầu Long Biên và hành lang an toàn ở hai đầu đang bị người dân chiếm dụng. Tại khu vực đầu cầu phía quận Hoàn Kiếm, gầm cầu đoạn qua các phường Đồng Xuân, Phúc Tân bị chiếm dụng hoàn toàn.
Gầm cầu đoạn vượt qua đường Trần Quang Khải, toàn bộ vỉa hè ở đây đang là điểm trông giữ ô tô, xe máy ngày đêm. Nhân viên ở đây dựng cả lều lán túc trực 24/24h. Tại khu vực gầm cầu đoạn từ bờ đê đổ ra bãi sông Hồng, liên tiếp là các bãi trông giữ xe, điểm tập kết hoa quả, xe tải ra vào cả ngày.
Thậm chí, tại đường dẫn lên cầu từ phía bốt Hàng Đậu đi lên, thành cầu bị đục thủng nhiều khoang để làm hàng quán và kho chứa đồng nát.
Tại khu vực gầm cầu phía quận Long Biên, nhiều công trình còn được xây ngay chân cầu hoặc trên hành lang bảo vệ. Gần 100m gầm cầu đoạn qua vườn hoa Ngọc Thụy đang bị biến thành nhà ở của người lao động tự do.