Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

20 lý do khiến Mỹ chưa đánh Iran (Kỳ 2)

Đánh Iran thì Mỹ có nguy cơ bị trả đũa, bị cộng đồng quốc tế lên án... và nguy hiểm hơn là thua trận...

20 lý do khiến Mỹ chưa đánh Iran (Kỳ 2)

Đánh Iran thì Mỹ có nguy cơ bị trả đũa, bị cộng đồng quốc tế lên án... và nguy hiểm hơn là thua trận...

Có tới 20 lý do để Mỹ và Israel tránh một cuộc chiến tranh với Iran.

Thứ 11, ngân sách Mỹ hiện bị hao hụt nghiêm trọng bởi 2 cuộc chiến tranh tốn kém nhưng thất bại ở Iraq và Afghanistan. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ vẫn đang vật lộn trong cơn khủng hoảng toàn cầu.

Theo một báo cáo mới đây của Cơ quan Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), thâm hụt ngân sách của nước này năm nay sẽ tăng mạnh lên mức 1.100 tỉ USD. Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trở lại vào năm 2013.

Cơ quan này cũng cảnh báo, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ giảm khoảng 0,5% vào năm tới, đồng thời đẩy tỉ lệ thất nghiệp lên mức 9,1% vào nửa cuối năm 2013 nếu Quốc hội Mỹ đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên giảm thuế từ thời cựu Tổng thống George W. Bush và các khoản cắt giảm chi tiêu lớn bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2013.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đang  cắt giảm 487 tỷ USD chi tiêu quốc phòng; đồng thời, tiếp tục phải đối mặt với khoản cắt giảm tự động khác lên tới 500 tỷ USD trong 10 năm tới sau khi Quốc hội thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận giảm thâm hụt ngân sách.

Một cuộc chiến tranh vào thời điểm này rõ ràng là quá sức đối với cường quốc số 1 thế giới.

Thứ 12, nếu chiến tranh Iran – Mỹ - Israel nổ ra, việc lưu thông năng lượng qua eo biển chiến lược Hormuz sẽ gặp nguy hiểm bởi Iran chắc chắn sẽ phong tỏa tuyến đường trung chuyển 40% lượng dầu thế giới.

Giữa tháng 7, Tư lệnh hải quân thuộc Lực lượng vệ binh cách mạng Iran (IRGC), Ali Fadavi tuyên bố: “Kể từ cuộc chiến Iran-Iraq¸ Lực lượng hải quân của IRGC nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Eo biển Hormuz và có khả năng không cho phép thậm chí một giọt dầu đi qua”.

Kết quả là, giá dầu thế giới có thể nhảy vọt lên mức 200 USD đến 300 USD/thùng khiến nền kinh tế Mỹ cũng như phương Tây lao đao.

Nếu chiến tranh nổ ra, Iran chắc chắn sẽ phong tỏa eo biển chiến lược Hormuz.


Thứ 13, vị thế của Mỹ ở Trung Đông đang lung lay trên nhiều mặt trận. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, cường quốc số 1 thế giới đang để mất dần trật tự chính trị trong một số quốc gia Arab "thân Mỹ" như Ai Cập, Tunisia, Yemen và Lebanon. Và một cuộc tấn công vào Iran bởi Mỹ sẽ đẩy tốc độ của xu hướng này tăng. Điều này sẽ làm thay đổi cán cân ảnh hưởng và quyền lực của Mỹ cũng như Iran tại Trung Đông theo hưởng có lợi cho Tehran.

Tấn công Iran lợi bất cập hại đối với Mỹ.

Thứ 14, Iran có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên khắp Trung Đông. Đồng thời, họ cũng có không ít đồng minh khu vực cũng như trên khắp thế giới. Trong trường hợp bị tấn công, Iran chắc chắn sẽ viện đến tất cả các nguồn hỗ trợ, trong đó, có cả 2 nguồn trên. Một cuộc chiến chống Iran có thể nhanh chóng lan rộng và biến thành xung đột trong, thậm chí, ngoài khu vực.

Thứ 15, trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy quá trình rút quân khỏi vũng lầy Iraq và Afghanistan, một cuộc chiến chống lại Iran sẽ đẩy tình hình an ninh ở 2 nước này trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Thậm chí, Iran đang xúc tiến nỗ lực thế chân Mỹ, lấp khoảng trống quyền lực cường quốc số 1 thế giới để lại tại Trung Đông.

Theo hãng tin Anh, Reuters, mỗi năm Iran chi khoảng 100 triệu USD cho Afghanistan, phần lớn là chi cho truyền thông, các dự án xã hội dân sự và các trường học tôn giáo. Tất cả những việc làm này nhằm giúp Iran bành trướng ảnh hưởng và thế lực tại Iraq và Afghanistan.

Thứ 16, an ninh của Israel là vấn đề mang lợi ích sống còn đối với Mỹ. Trong trường hợp chiến tranh nổ ra, không riêng gì Iran, Israel, chắc chắn cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề, thảm khốc. Mỹ sẽ đối mặt với áp lực lớn ở trong nước đến từ các cam kết bảo vệ đồng minh cũng như các luồng ý kiến yêu cầu chính phủ không tham gia để rồi lún sâu vào một cuộc chiến mới tại Trung Đông. Sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền và quốc hội vì vấn đề này sẽ làm phức tạp thêm bối cảnh chính trị Mỹ. Từ đó, quan hệ giữa 2 đồng minh ruột có thể bị rạn nứt và an ninh của Israel sẽ bị gặp nguy hiểm.

Thứ 17, Israel hiện bị cô lập. Gây chiến với Iran sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng này. Hơn nữa, nó cũng đẩy quan hệ giữa Mỹ và Israel với các quốc gia khác trong khu vực thêm căng thẳng.

Thứ 18, trong trường hợp Israel đơn phương tấn công Iran, Mỹ sẽ vẫn bị coi là đồng lõa. Do đó, các căn cứ và lực lượng Mỹ ở Trung Đông sẽ là mục tiêu trả đũa của Iran. Không những vậy, cộng hòa Hồi giáo còn có khả năng gây ra các nguy cơ cho an ninh nội địa của Mỹ.

Iran nhiều lần tuyên bố rất rõ rằng, nếu bị tấn công bởi Israel hoặc Mỹ, họ sẽ đáp trả tương xứng. Chẳng hạn, ngày 20/3, Reuters dẫn lời Lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố: "Chúng ta không có vũ khí hạt nhân và sẽ không phát triển chúng. Nhưng trong trường hợp đối mặt với sự xâm lược của kẻ thù, dù là Mỹ hay chế độ phục quốc Do Thái, Iran cũng sẽ đáp trả tương tự như khi bị tấn công nhằm bảo vệ mình".

Ngoài ra, Phó tư lệnh quân đội Iran, Mohammad Hejazi cũng từng nhấn mạnh với hãng thông tấn Fars: “Chiến lược của chúng tôi hiện giờ là nếu cảm thấy kẻ thù muốn gây nguy hiểm cho các lợi ích quốc gia của Iran và quyết định làm như vậy, chúng tôi sẽ hành động trước mà không đợi hành động của họ”.

Iran hiện sở hữu kho tên lửa mạnh và tân tiến nhất Trung Đông.

Thứ 19, một cuộc tấn công Iran của Israel hoặc Mỹ chắc chắn làm quan hệ giữa nước này và Nga, Trung Quốc, và các quốc gia trung lập trên thế giới rạn nứt. Cả Tel Avil lẫn Washington sẽ không tránh khỏi sự chỉ trích, lên án nặng nề từ các quốc gia này.

Thậm chí, một cuộc chiến chống lại Iran cũng có thể tạo ra bất đồng trong quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng như khu vực. Điều này từng xảy ra khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh chống Iraq khiPháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Italia và nhiều quốc gia châu Âu khác đều mạnh mẽ lên tiếng phản đối can thiệp vào nước này.

Thời điểm đó, Tổng thống Pháp Jacques Chirac khẳng định, bất cứ một hành động quân sự đơn phương nào đều vi phạm luật quốc tế và mọi quyết định cần được Hội đồng Bảo an LHQ phê chuẩn. Trong khi đó, Thủ tướng Ðức Gerhard Schroeder cũng nhấn mạnh, ông cực lực phản đối một cuộc chiến chống Iraq.

Lý do cuối cùng, giới phân tích cho rằng, cơ hội giải quyết khủng hoảng hạt nhân Iran thông qua các biện pháp ngoại giao vẫn còn. Vấn đề là, để thúc đẩy nó, phương Tây và Israel phải chấp nhận thỏa hiệp thực tế hơn.

Iran tuyên bố sẵn sàng hợp tác để đạt được một thỏa thuận công bằng. Họ sẽ tiếp tục làm việc với IAEA và đồng ý làm giàu uranium dưới 5%. Đây là sự đảm bảo của Tehran trước cộng đồng quốc tế rằng, Iran không có tham vọng hạt nhân. Đổi lại, Iran yêu cầu phương Tây công nhận quyền hợp pháp để làm giàu uranium của họ, phù hợp với các điều khoản của NPT và tư cách thành viên của nước này trong hiệp ước này. Đồng thời, các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran phải được gỡ bỏ dần.

Thực tế, những yêu cầu này của Iran là chính đáng và Mỹ hoàn toàn có thể và nên đáp ứng chúng. Điều này sẽ giúp thúc đẩy một thỏa thuận, trong đó, các bên tham gia đều cùng có lợi đồng thời hạn chế Israel cũng như các phe phái chủ chiến tại Mỹ kích động chiến tranh chống lại Cộng hòa Hồi giáo.

Phương Đăng

Theo Infonet

 

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm