Trong lời nói đầu của cuốn Hơn nửa đời hư in năm 1992, học giả, nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển cho biết ông có tính ham mê đọc sách từ nhỏ. Ông gọi “sách là bạn cố tri trung thành”, đặc biệt, “khi đọc và lúc cao hứng, tôi thường ghi lại bên lề trang sách những cảm tưởng nhứt thời, không khác được tỉ tê tâm sự với một bạn cố giao bằng xương bằng thịt”, khiến ông còn say mê hơn cả vợ.
Vương Hồng Sển kể lại tình yêu với sách của mình trong nhiều tập sách, như Hơn nửa đời hư, Thú chơi sách, Cuốn sách và tôi, Dỡ mắm... |
Vương Hồng Sển (1902-1996), sinh tại Sóc Trăng, cha ông là người Hoa đã đặt tên ông là Vương Hồng Thịnh, nhưng lúc đi khai sinh bị ghi nhầm thành Sển (theo cách đọc chữ Thịnh của người Triều Châu). Ông học trường Collège Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, sau đó ra làm công chức cho chính quyền Pháp. Từ năm 1948, ông làm quản thủ Viện Bảo tàng Sài Gòn, đồng thời tham gia dạy Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Huế cho đến khi về hưu năm 1964.
Không chỉ là nhà sưu tập cổ vật danh tiếng, ông còn là nhà khảo cứu, tác giả uy tín, với nhiều tác phẩm có giá trị như Sài Gòn năm xưa, Sài Gòn Tạp pín lù, Thú chơi cổ ngoạn, Khảo về hát bội, Hơn nửa đời hư, Dỡ mắm…
Trong sách của mình, Vương Hồng Sển cho biết ông là người rất mê sách nên không bao giờ cho ai mượn sách. Ngược lại, chính ông cũng không bao giờ mượn sách của ai, lý do theo ông, “sách mượn phải đọc hối hả để mau trả, mà đọc hối hả thì mất thú”.
Về việc mua sách, ông kể: “Khi tôi lựa được một cuốn sách hay thì tôi chẳng nệ hà mắc giá, thế nào tôi cũng mua cho được và tôi cưng cuốn sách còn hơn bà xã nội gia”.
Yêu sách như vậy, nên đời sống gia đình ông đã gặp những trục trặc vì sách. Ông viết trong hồi ký: “Cũng vì tật ham đọc sách hay, đọc quên ăn, quên ngủ, thậm chí có khi quên cả phận sự buồng the, cho nên chỉ tồn đã hai phen bị giựt vợ, bị cắm sừng mà không tởn”.
Hai chuyện này đều được Vương Hồng Sển kể trong các cuốn sách của mình. Lần thứ nhất, ông ly dị người vợ đầu chỉ sau 9 tháng chung sống. “Lỗi người đàn bà theo mặt luật, mà đúng ra là lỗi về người đàn ông ham mua sách và mê đọc sách đến quên người vợ trẻ nằm kề bên”, ông kể lại.
Còn lần thứ hai, ông ly dị với người vợ hai đã chung sống 19 năm, khi bà bỏ đi theo một người bạn ông. “Cô ôm một ô xoàn, bỏ tôi với mớ đồ cổ cô cho là vô dụng, chén bát cũ và sách rách bìa xác xơ như chủ nó”. Mặc dù chia tay từ năm 1946, nhưng đến năm 1958, hai người mới chính thức ly dị. Từ năm 1947 đến cuối đời, Vương Hồng Sển đã chung sống với nghệ sĩ Năm Sa đéc (Nguyễn Kim Chung) và có với bà 3 người con, nhưng không làm hôn thú.
Về cách đọc sách, ông cho biết ông đọc chậm rãi, không tiếc thì giờ bỏ ra cho việc đọc sách. Nhưng cũng có khi ông đọc “ngấu nghiến còn hơn bồ câu ra ràng nuốt mồi không kịp đút…”, hoặc đọc “y như chó gặm xương, như mèo mới sanh được mẹ nhường mồi dạy ăn, vừa ngừ nghè sợ mất mồi, vừa gầm gừ tiếng rên nho nhỏ vì khoái trá và vì sợ miếng ngon chóng hết hoặc anh chị nào đồng lứa sắp giựt phỏng trong mồm”.
Ông Vương Hồng Sển có thú chơi sách đặc biệt. Mỗi khi có một cuốn sách mới xuất bản mà ông thích, ông đều mua 2 cuốn. Ông đánh số và ghi vào sổ bộ hẳn hoi, theo cách thức của thư viện, để dễ tra cứu. Một cuốn ông để lưu trữ, trưng bày trong hàng chục tủ sách đặc biệt có cửa kính, để giữ cho cuốn sách luôn mới. Còn cuốn thứ hai thì ông dùng để đọc.
Đây cũng là cách mà học giả Nguyễn Hiến Lê, một người bạn của Vương Hồng Sển hay làm. Mỗi khi mua sách, ông Lê đều mua 2 cuốn, một cuốn để ở nhà tại Sài Gòn, một cuốn đưa về thư viện ở Long Xuyên, nhà bà vợ hai, nơi mỗi năm ông về ở vài tháng để nghiên cứu và viết sách.
Về cách đọc sách, ông Vương Hồng Sển có thói quen nằm đọc trên võng. Ông nói, vừa đu đưa chiếc võng, vừa đọc sách, vừa nghiền ngẫm, ông cảm thấy rất thú vị.
Ông Vương lưu trữ gần đủ các ấn bản Truyện Kiều của Nguyễn Du, in ở trong nước và ở nước ngoài, kể cả các bản dịch ra tiếng ngoại quốc. Trong cuốn Thú chơi sách của ông xuất bản năm 1962, ông liệt kê có tất cả 26 ấn bản Truyện Kiều đang được lưu trữ tại “thư viện” của ông vào năm đó.
Cuốn Cuốn sách và tôi xuất bản năm 1984 thì như là một sự “tỏ bày cảm tình riêng với sách” để ông trút hết nỗi lòng, kinh nghiệm viết và đọc sách; cũng như bày tỏ những tiếc nuối cho các cuốn sách có số phận long đong.