Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

19 năm sống 'treo' bên con rạch đầy rác, hôi thối giữa TP.HCM

19 năm mòn mỏi chờ đợi, dự án đội vốn 75 lần vẫn chưa rõ ngày khởi công, hơn 2.000 hộ dân ven rạch Xuyên Tâm không còn mặn mà với "chiếc bánh vẽ" gần 2 thập kỷ của TP.

19 năm mòn mỏi chờ đợi, dự án đội vốn hơn 75 lần vẫn chưa rõ ngày khởi công, hơn 2.000 hộ dân ven rạch Xuyên Tâm không còn mặn mà với "chiếc bánh vẽ" gần 2 thập kỷ.

Năm 1998, TP.HCM tràn đầy sinh khí của một giai đoạn phát triển mới khi đồ án Quy hoạch chung TP.HCM đến 2020 được cố Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt. Trong đó, di chuyển nhà ở ven kênh rạch là một mục tiêu được Chính phủ đặt ra nhằm cải tạo kiến trúc và cảnh quan đô thị thành phố.

Nắm bắt tầm nhìn ấy, bà Lê Thị Thanh (65 tuổi) cùng cả gia đình tay xách nách mang lên tàu rời quê hương Thanh Hóa vào TP.HCM, hòa vào làn sóng nhập cư, tìm kiếm cơ hội ở một vùng đất mới với nhiều hứa hẹn về tiềm năng phát triển. Bà dùng toàn bộ gia tài lúc đó, gần 8 cây vàng, mua một căn nhà trong hẻm trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), bên một nhánh của rạch Xuyên Tâm. Khi ấy, bà Thanh cùng gần 2.000 hộ dân sống ven con rạch không biết nơi này vừa được tái quy hoạch.

Năm 2002, thực hiện chỉ thị của Chính phủ, UBND TP.HCM phê duyệt dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm (dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm) có chiều dài 6,21 km và ba tuyến nhánh dài 1,94 km (gồm nhánh Cầu Sơn, Bình Triệu, Bình Lợi) nối kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với sông Vàm Thuật. Nhiệm vụ đầu tiên của dự án là di dời toàn bộ dân cư ven rạch.

rach Xuyen Tam anh 1

Gần 2 năm trước, bà Thanh quyết định sửa nhà. Chuyện vốn dĩ bình thường lại trở nên bất thường với những hộ dân sống ven con rạch dài hơn 6 km. Bởi lẽ, gần 20 năm nay, hàng nghìn căn nhà nơi đây đều chịu chung số phận "treo" theo dự án cải tạo con rạch. Người dân buộc phải chấp nhận một tương lai bấp bênh, thích nghi với cuộc sống ô nhiễm bằng những giải pháp tạm bợ, chờ đợi ngày bản quy hoạch thực sự đi ra từ trang giấy.

Sau quyết định của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, năm 2001, với quyết tâm mang lại bộ mặt mới cho mạng lưới đường thủy, cảng và bến thuyền, UBND TP.HCM đặt nhiệm vụ đến năm 2005 phải hoàn thành di dời, giải tỏa toàn bộ dân cư ven kênh rạch Xuyên Tâm. Theo đà này, năm 2002, UBND TP.HCM chính thức phê duyệt dự án cải tạo con rạch bằng ngân sách Nhà nước với kinh phí dự kiến khoảng 123,5 tỷ đồng.

rach Xuyen Tam anh 2

Dồn dập từng đoàn khảo sát đến đo đạc, các lãnh đạo từ phường đến thành phố đưa ra những cột mốc đầy triển vọng. Suốt nhiều năm sau đó, dù căn nhà sàn ngày càng lụp xụp, xuống cấp, gia đình bà Thanh không dám sửa sang nhiều do vẫn phấp phỏng chờ ngày giải tỏa. Nhưng tất thảy đều im ắng.

Khi đó, bà Thanh cùng các hộ dân sống ven con rạch không biết rằng đề xuất dự án cải tạo của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM trình UBND TP đã bị hủy do những bất đồng trong việc đền bù giải tỏa. Dự án không thể hoàn thành năm 2005 như dự định.

Một thập kỷ trôi qua, vẫn không có tin tức gì về dự án. Người phụ nữ quyết định dành dụm tiền, mua trả góp một căn nhà nhỏ khác tại quận Thủ Đức cũ (TP Thủ Đức hiện tại) cho các con chuyển về sống. Còn bà vẫn quyết bám trụ ở căn nhà hiện tại, chờ ngày dự án thực sự khởi công.

Năm 2019, bà Thanh đành phải tiến hành cuộc đại tu căn nhà, chắp vá những phần bị thủng và dột, thay những tấm ván đã mục ruỗng vì nhiều năm chờ đợi. Bà cố gắng làm căn nhà kiên cố hơn, đủ sức chống chọi đến ngày giải tỏa để có tiền trả góp nốt số nợ khi mua căn nhà ở Thủ Đức.

Không phải ai cũng có điều kiện để mua một căn nhà mới như bà Thanh. Đa số hộ dân ở đây vướng vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi không được phép bán nhà hay sửa nhà do thuộc diện giải tỏa. Họ đành bám trụ bên con rạch này chờ chính sách di dời của thành phố.

Ngồi trong nhà nhìn ra con rạch, chốc chốc, bà Nguyễn Thị Tâm (63 tuổi) lại thoa ít dầu gió vào hai bên cánh mũi để giảm bớt mùi hôi bốc lên từ dòng rác trôi dưới nhà. Đây là giải pháp tạm thời của cả 6 người trong gia đình để chung sống cùng bầu không khí ô nhiễm. Chỉ có điều, hạ sách tạm thời này kéo dài suốt 19 năm nay.

Vừa đảo mắt trông các cháu, bà Tâm vừa lấy một vài tấm băng rôn mới lượm được ngoài đường, che tạm những chỗ sàn nhà bị nứt hoặc thủng do mục ruỗng hoặc tác động mạnh. Căn nhà sàn hơn 20 năm tuổi đã phải chắp vá quá nhiều để chống chọi với sự tàn phá của thời gian. Cả gia đình đều muốn dỡ hẳn để xây lại nhưng không được cấp phép do thuộc diện giải tỏa.

“Kế hoạch làm sạch con rạch này tôi nghe phong thanh từ 20 năm trước rồi. Mấy năm sau đó mới chính thức có dự án nhưng mãi chưa thấy triển khai. Cả thành phố biết dự án này treo nên chúng tôi ở lại thì khổ vì ô nhiễm, nhưng cũng không thể bán nhà để đi đâu được”, bà Tâm sốt ruột chia sẻ.

Thông tin khu vực này thuộc diện giải tỏa đã được báo chí viết đi viết lại mười mấy năm nay nên ai cũng biết. Cư dân ở đây không thể bán nhà để có tiền chuyển đến sống nơi tốt hơn. Họ đành chắp vá căn nhà, cam chịu cuộc sống tạm bợ trên dòng sông rác, bất lực chờ ngày dự án thực sự được triển khai.

Gắn bó cả cuộc đời với rạch Xuyên Tâm, người phụ nữ 63 tuổi chứng kiến đời sống của cả thành phố đi lên, riêng gần 2.000 hộ dân sống ven 6 km rạch này là đi xuống do tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng.

"Bây giờ, dù thành phố chính thức kêu gọi di dời cũng còn lâu mới đi được. Còn phải thảo luận đủ thứ từ đền bù ra sao, tái định cư thế nào. Nếu không cho tái định cư tại chỗ thì tôi không đi đâu hết. Nhưng có khi đến lúc cháu tôi lớn, thành phố cũng chưa động đậy gì", bà Tâm dự đoán.

rach Xuyen Tam anh 3

Năm 2010, thành phố tái khởi động dự án bằng hình thức kêu gọi xã hội hóa. Cùng lúc này, Công ty cổ phần Hà Nội Ngàn Năm đề xuất nghiên cứu dự án.

Thế nhưng, dự án sau đó vẫn im lìm trên giấy.

Năm 2012, vấn đề ngập nước lan rộng ở thành phố với con đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) dần trở thành "rốn ngập", đòi hỏi hướng giải quyết ngay lập tức để khai thông dòng chảy ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Thành phố quyết định cấp lại kinh phí cho hoạt động vớt rác trên kênh rạch do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM quản lý.

Từ đó, đẩy rác trở thành hoạt động thường ngày của hầu hết 2.000 hộ dân sống ven con rạch này. Cả thành phố và người dân đều loay hoay xoay xở giải quyết vấn đề ngập rác trước mắt trong khi chờ lời giải cho bài toán kinh phí của dự án.

Như mọi ngày, 7h sáng, ông Nguyễn Thanh Đức (53 tuổi) đứng trên hiên nhà, dùng gậy đẩy từng đụn rác ra giữa dòng. Anh đã dần quen với khung cảnh đủ loại rác thải trôi nổi trên mặt nước quanh năm suốt tháng. Ruồi, bọ, côn trùng vào từng bữa ăn, giấc ngủ.

Theo lời anh Đức, các hộ dân ven rạch không chỉ vứt rác mà còn trực tiếp xả chất thải sinh hoạt xuống dòng nước gây ô nhiễm nghiêm trọng. Những căn nhà sàn càng lấn chiếm ra ngoài, anh càng không thể nhận ra được hình thù của dòng nước chảy. Cả con rạch ngập trong rác.

Đó không chỉ là ý kiến của anh Đức, theo kết quả điều tra, khảo sát tháng 6/2010 của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, các hộ dân sống dọc hai bên bờ rạch Xuyên Tâm và gần khu vực đều xả thẳng nước thải, rác thải sinh hoạt ra rạch. Việc này dẫn đến tắc nghẽn dòng chảy, gây hiện tượng ngập mỗi khi có triều cường hay mưa lớn, lan rộng tại nhiều khu vực.

Theo thống kê của quận Bình Thạnh từ năm 2014, hệ thống rạch này phải tải nước thải của 40% dân cư của quận, với lượng nước thải chưa qua xử lý khoảng 40.000 m3/ngày.

Với những hộ dân không thể đẩy rác ra kênh như anh Đức, cách duy nhất là chịu đựng mùi hôi thối và chờ cơn mưa lớn hoặc triều cường mỗi tháng rút xuống, mang theo dòng rác từ con rạch đổ ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ở đó, những công nhân cần mẫn dành gần 10 giờ mỗi ngày để gìn giữ màu xanh cho TP.

rach Xuyen Tam anh 6

Cách nhà anh Đức chưa đầy 1 km, ghe vớt rác của đội công nhân vệ sinh môi trường vừa đi qua gầm cầu Bùi Hữu Nghĩa, tới một nhánh của rạch Xuyên Tâm. Anh Nguyễn Văn Hải, công nhân vệ sinh môi trường, kể chạy ghe trên con rạch này rất khó khăn bởi chân vịt liên tục bị vướng túi nylon chứa rác. Có lần anh còn bị người dân trên bờ ném túi rác trúng người khi đang đi vớt rác trên rạch.

“Ở con rạch này ngoài tụi tôi, chẳng bao giờ thấy ai nhặt rác, kể cả người dân. Chỉ thấy họ đẩy rác ra cho chúng tôi vớt thôi. Không làm nhanh, đến lúc triều cường lên, rác lại đùn về các rạch nhỏ, ghe không vô đó để vớt được”, anh Hải nói.

Một trong những mong mỏi lớn nhất của những công nhân như anh Hải là dự án nạo vét, cải tạo môi trường kênh, rạch khắp TP.HCM sớm đi vào thực tế. Nếu dự án hoàn thành, có thể đội vớt rác sẽ lại phải ngừng hoạt động bởi đây chỉ là giải pháp tạm thời để chống ngập cho thành phố. Nhưng với những người mang sứ mệnh giữ gìn màu xanh đô thị, ngày con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không rác thải cũng là ngày họ hoàn thành nhiệm vụ.

“5 tấn rác chúng tôi vớt được mỗi ngày chỉ là một nửa thôi. Còn một nửa thật ra đã chìm xuống lòng kênh, rạch rồi. Nếu không mau chóng nạo vét, để quá lâu, có khi không cứu nổi những con kênh, rạch này nữa”, anh Hải bày tỏ nỗi lo lắng, nhìn xuống dòng nước xanh trên chiếc ghe đầy rác.

rach Xuyen Tam anh 11

Thấu hiểu sự chờ đợi của người dân, năm 2016, UBND TP phê duyệt đề xuất triển khai dự án rạch Xuyên Tâm theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.100 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng gần 1.100 tỷ đồng. Đối với bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), Công ty Hà Nội Ngàn Năm sẽ tự tổ chức xây dựng nhà tái định cư tại chỗ. Đổi lại, TP thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất dọc hai bên tuyến rạch để bố trí tái định cư và thực hiện dự án khác.

Tháng 8 năm đó, TP.HCM một lần nữa thể hiện quyết tâm rất lớn trong công cuộc chỉnh trang đô thị. Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM khi ấy đội mũ tai bèo, lội sình đi thị sát rạch Xuyên Tâm, tận tai lắng nghe nguyện vọng người dân.

Trong cuộc làm việc với UBND quận Bình Thạnh chiều cùng ngày, nguyên lãnh đạo Thành ủy giao chính quyền quận gấp rút thực hiện công tác BTGPMB trước năm 2018. Khi đó, dự án BTGPMB có quy mô ảnh hưởng 1.620 căn với chi phí bồi thường 1.098,5 tỷ đồng, được quận Bình Thạnh thực hiện từ nguồn vốn ngân sách, sử dụng quỹ nhà tái định cư hiện có.

Theo chỉ thị của vị nguyên Bí thư, quận Bình Thạnh ráo riết triển khai đo đạc, lắng nghe ý kiến người dân. Mọi thứ được tiến hành như vũ bão. Bà Thanh, bà Tâm, ông Đức cũng như nhiều người dân tiếp tục đặt hy vọng vào dự án.

Một năm sau, UBND quận Bình Thạnh bất ngờ thông báo ranh dự án theo đề xuất của Công ty Hà Nội Ngàn Năm không trùng với ranh dự án được xác định theo đồ án quy hoạch 1/2.000 của quận. Sau khi tính toán lại, quận thấy rằng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án rạch Xuyên Tâm lên tới 3.751 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư dự án từ 123,5 tỷ lên 8.658 tỷ đồng.

Bất chấp quyết tâm của cả hệ thống chính trị TP, dự án một lần nữa phải trễ hẹn với người dân để giải bài toán ngân sách.

rach Xuyen Tam anh 12

Tháng 6/2019, UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư của dự án. Đến tháng 8/2019, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo thống nhất chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất rạch Xuyên Tâm từ ngân sách TP.

Gần 2 năm sau, ngày 5/3/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư mới tiến hành hoàn tất thủ tục để trình HĐND TP.HCM duyệt chủ trương đầu tư dự án này. Lần này, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM.

Theo đó, tổng mức đầu tư dự án là hơn 9.300 tỷ đồng, tiếp tục tăng hơn 700 tỷ đồng và gấp 75 lần dự toán ban đầu. Trong đó, phần bồi thường của quận Bình Thạnh là 4.859 tỷ đồng và phần bồi thường của quận Gò Vấp là 468,9 tỷ đồng; vốn xây lắp là 4.492 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Dù TP đang ráo riết triển khai thực hiện, người dân nơi đây vẫn chưa nhận được thêm bất cứ thông tin chính thức nào từ chính quyền địa phương. Ngày dự án thực sự khởi công vẫn còn là dấu hỏi.

Mấy năm nay, con cái bà Tâm đi làm quần quật nhằm kiếm tiền mua căn nhà mới để mấy đứa trẻ được sống những ngày tháng trong lành. Nhìn các con cặm cụi sáng đi sớm tối về khuya, bà Tâm lại thấy xót xa. Người mẹ già chỉ ước bán được căn nhà tạm bợ này để góp một phần nhỏ giúp các con có nơi định cư mới, nhưng không thể.

"Trước đây, mỗi lần gặp bà tổ trưởng, tôi lại hỏi bao giờ giải tỏa. Giờ chán rồi, không hỏi nữa. Kiểu gì bà ấy cũng lắc đầu thôi", bà Tâm nói trong khi dùng cây gậy treo sẵn bên hông nhà, khều từng đụn rác ùn phía dưới, đẩy ra giữa rạch để rác theo dòng nước trôi đi.

rach Xuyen Tam anh 13

Con rạch ngập rác, hôi thối giữa lòng TP.HCM

Môi trường sống dọc rạch Xuyên Tâm (TP.HCM) ô nhiễm nghiêm trọng, rác đầy ắp, thối tận óc.

Dự án đội vốn từ 123 lên 9.300 tỷ ở TP.HCM

Được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2002, dự án rạch Xuyên Tâm trải qua 19 năm với 4 lần thay đổi tổng vốn đầu tư từ 123 tỷ lên 9.300 tỷ đồng.

Chủ tịch TP.HCM: Mặt bằng là vướng mắc lớn của dự án cầu Thủ Thiêm 2

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết nếu tháo gỡ được vướng mắc về mặt bằng, dự án cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hoàn thành để vận hành trước ngày 30/4/2022.

Thu Hằng - Quang Huy

Đồ họa: Minh Hồng

Bình luận

Bạn có thể quan tâm