Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước nắm 23% thị phần vận chuyển hành khách quốc tế và 37% nội địa. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), sau 4 năm, 19 tập đoàn, tổng công ty cơ bản hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển duy trì liên tục, ổn định.
Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn cho biết trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và tình hình bất ổn trên thế giới thời gian gần đây làm cho một số ít doanh nghiệp giảm lợi nhuận hoặc phát sinh lỗ (Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam).
Tuy nhiên, tổng thể vốn Nhà nước tại 19 doanh nghiệp này vẫn được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và thu nhập bình quân của người lao động đều tăng.
Thu hơn 1,3 triệu tỷ đồng/năm
Cụ thể, cơ quan này cho biết giai đoạn 2018-2021, đối với công ty mẹ 19 tập đoàn, tổng công ty có tổng doanh thu đạt 3.357.757 tỷ đồng (trung bình đạt 839.400 tỷ đồng/năm); tổng lợi nhuận trước thuế đạt 204.606 tỷ đồng (trung bình đạt 51.200 tỷ đồng/năm); thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách đạt 278.514 tỷ đồng (trung bình trên 69.600 tỷ đồng/năm).
Đối với kết quả hợp nhất toàn tập đoàn, tổng công ty, tổng doanh thu đạt trên 5.464.100 tỷ đồng (trung bình đạt trên 1.366.000 tỷ đồng/năm); tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 378,100 tỷ đồng (trung bình đạt 94.500 tỷ đồng/năm), thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách đạt trên 839.500 tỷ đồng (trung bình đạt 209.900 tỷ đồng/năm).
Riêng trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất của 17/19 tập đoàn, tổng công ty đạt trên 892.100 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm và bằng 127% so với cùng kỳ.
Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 1.766 tỷ đồng, bằng 5% kế hoạch năm và bằng 4% so với cùng kỳ và tổng nộp ngân sách Nhà nước 19 công ty mẹ tập đoàn, tổng công ty đạt trên 31.800 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch năm và bằng 108% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và tình hình bất ổn trên thế giới thời gian gần đây làm cho một số ít doanh nghiệp như EVN phát sinh lỗ. Ảnh: EVN. |
Tại thời điểm 31/12/2018, vốn và tài sản của 19 tập đoàn, tổng công ty mà Ủy ban tiếp nhận gồm tổng tài sản công ty mẹ là 1.646.311 tỷ đồng, chiếm 63,5% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Tổng vốn chủ sở hữu công ty mẹ là 911.350 tỷ đồng.
Đến năm 2020, tổng tài sản hợp nhất của 19 doanh nghiệp này là 2.399.149 tỷ đồng, chiếm 65,3% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước; trong đó, công ty mẹ là 1.649.655 tỷ đồng. Tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1.081.078 tỷ đồng, chiếm gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước; trong đó, công ty mẹ là 942.435 tỷ đồng.
10 dự án chậm tiến độ được tháo gỡ khó khăn
Chia sẻ về những kết quả đạt được qua từng năm, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, cho biết Ủy ban đã tiếp nhận và thực hiện đầy đủ, toàn diện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty theo quy định.
Qua 4 năm hoạt động, CMSC đã thực hiện ngày càng chuyên nghiệp hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, đạt được nhiều kết quả tích cực đối với việc phát triển nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Đơn cử, 10 dự án lớn, quan trọng, đã chậm tiến độ từ nhiều năm trước, với tổng mức đầu tư lên tới 259.000 tỷ đồng được Ủy ban tích cực phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, triển khai thực hiện.
Chẳng hạn: Dự án Thăm dò khai thác dầu khí 4 lô tại Khu tự trị Nhenhexky - LB Nga (khoảng 89.000 tỷ đồng); Dự án nhà máy điện Ô Môn IV (tổng mức đầu tư 29.944 tỷ đồng); Dự án thành phần 3 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng); Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng)...
Sau 11 năm, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - dự án có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD đã chính thức hòa lưới điện lên hệ thống điện quốc gia. Ảnh: Lê Hiếu. |
Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, trong 4 năm qua, Ủy ban đã có vai trò làm cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.
Cụ thể, trong 5 dự án, doanh nghiệp được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sử dụng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để xây dựng, triển khai phương án xử lý đã có một dự án (Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1- Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP - Vinachem) từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 1; một dự án (Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ - PVN) có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong 7 dự án, doanh nghiệp còn lại có 3 dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã duy trì được sản xuất, kinh doanh. Mặc dù, đến ngày 30/6 còn lỗ lũy kế 13.394 tỷ đồng song từ năm 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi nên kết quả sản xuất, kinh doanh của 3 dự án, doanh nghiệp có cải thiện hơn.
Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong năm nay và những năm tiếp theo, lãnh đạo Ủy ban cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh; phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc...
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh khẳng định Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.