Hãng thông tấn Nga Interfax cũng cho biết 2.298 người biểu tình bị bắt giữ tính đến ngày 6/1.
Các cuộc biểu tình tại Kazakhstan bắt đầu khi chính phủ nước này dừng kiểm soát giá khí hóa lỏng, khiến giá mặt hàng này gia tăng. Khởi đầu từ miền Tây Kazakhstan, biểu tình nhanh chóng lan rộng ra toàn quốc, cũng như trở thành xung đột và bạo loạn.
Một xe cảnh sát Kazakhstan bị người biểu tình đốt cháy. Ảnh: Reuters. |
Tâm điểm bạo động là thành phố Almaty, thủ đô cũ của quốc gia Trung Á này. Người biểu tình chiếm sân bay và đốt phá các tòa nhà chính phủ trong thành phố. Một số phương tiện của cảnh sát cũng bị đốt cháy.
Hàng chục người đã thiệt mạng, bao gồm cả lực lượng an ninh và người biểu tình. Trong số đó có ít nhất hai nhân viên an ninh bị chặt đầu, truyền hình nhà nước Kazakhstan cho biết.
Để đối phó với các cuộc biểu tình, chính quyền trung ương Kazakhstan đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc và điều lực lượng an ninh và quân đội tới trấn áp. Thủ tướng Askar Mamin và toàn thể nội các nước này cũng đã phải từ chức để xoa dịu tình hình.
Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cũng lên tiếng kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - liên minh quân sự gồm Kazakhstan và Nga, Armenia, Belarus, Kyrgyzstan và Tajikistan - giúp đỡ. Trong ngày 6/1, những binh sĩ đầu tiên của lực lượng lính dù Nga và các nước thành viên khác đã tới Kazakhstan.