Liên minh ngày - tên đầy đủ là Liên minh liên Nghị viện về Trung Quốc (Ipac) - được lập ra nhằm đối đầu với sức mạnh địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc. Sự chỉ trích đối với Bắc Kinh cũng gia tăng bối cảnh nhiều nước phản đối quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hong Kong và chỉ trích sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong đại dịch Covid -19.
Ipac có 18 nhà lập pháp cấp cao, trong đó có Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Robert Menendez, Đại biểu nghị viện châu Âu Reardard Bütikofer và Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo của đảng Bảo thủ Anh, theo South China Morning Post.
“Cách chúng ta phản ứng với nỗ lực định hình lại toàn cầu của Trung Quốc sẽ làm nên chính sách đối ngoại của thời đại này”, ông Rubio nói.
Đại biểu nghị viện châu Âu Reardard Bütikofer là một thành viên của Ipac. Ảnh: AFP. |
Ông Rubio và Menendez là hai nghị sĩ thường xuyên tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc. Hai ông từng thúc đẩy nhiều hoạt động đối đầu với Trung Quốc trong Quốc hội Mỹ về các vấn đề, từ cách đối xử với các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Trung Quốc đến sự xói mòn quyền tự trị của Hong Kong.
Ông Michael Brand, người phát ngôn về nhân quyền của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, cũng là thành viên của liên minh này. Trước đây, ông Brand đã lên tiếng phản đối việc Đức “khấu đầu” trước Trung Quốc.
Ông Bütikofer chỉ trích “Trung Quốc đã kết hợp các hành vi vi phạm nhân quyền có hệ thống trong nước với những nỗ lực định hình lại trật tự quốc tế theo tham vọng bá quyền của mình. Một bài học mà thập kỷ trước đã dạy chúng ta là không một quốc gia nào có thể bảo vệ sự toàn vẹn của trật tự quốc tế”.
Ipac cho biết sẽ tập trung vào năm lĩnh vực hoạch định chính sách liên quan đến Trung Quốc: bảo vệ trật tự quốc tế; giữ vững quyền con người; thúc đẩy công bằng thương mại; xây dựng chiến lược bảo mật bổ sung; và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn quốc gia.