“Bi kịch tồi tệ nhất trên Địa Trung Hải vừa xảy ra”, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn Filippo Grandi nói.
Hai thuyền chở khoảng 300 di dân bị lật cách thủ đô Tripoli của Libya 120 km về phía đông, người phát ngôn của tuần duyên Libya Ayoub Gassim nói với hãng tin AP.
Khoảng 137 người được cứu và đưa trở lại Libya, và lực lượng tuần duyên mới chỉ tìm được một thi thể. Trong khi đó, cơ quan người tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết số người được cứu lên là 147 người.
“Chúng tôi ước tính 150 di dân có thể đang mất tích và thiệt mạng trên biển”, đại diện tuần duyên Libya nói. “Trong đó có phụ nữ và trẻ em”.
Di dân ngồi trên bãi biển cách Tripoli, Libya khoảng 100 km về phía đông, ngày 25/7. Ảnh: AP. |
Vào tháng một, khoảng 117 người thiệt mạng hoặc mất tích ngoài khơi Libya. Tháng năm, khoảng 65 người chết đuối sau khi thuyền của họ bị lật ngoài khơi Tunisia.
Ông Grandi kêu gọi các nước châu Âu nối lại chương trình tìm kiếm cứu nạn trên Địa Trung Hải, bị đã Liên minh châu Âu gác lại, đồng thời kêu gọi ngưng giam giữ di dân ở Libya.
Sau cuộc nổi dậy lật đổ độc tài Moammar Gadhafi năm 2011, Libya trở thành nơi nhiều di dân châu Phi đi qua trên đường đến châu Âu tìm kiếm cuộc sống mới.
Những kẻ buôn người và nhóm vũ trang đang lộng hành trong sự hỗn loạn tại Libya kể từ khi Gadhafi bị tiêu diệt. Chúng bị cáo buộc lạm dụng di dân, tra tấn, bắt cóc tống tiền họ.
Ít nhất 2.500 di dân còn đang bị giam giữ trong các trại giam quanh Tripoli, nơi các lực lượng trung thành với tướng Khalifa Hifter đang giao tranh với một loạt nhóm vũ trang liên minh với chính phủ do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn kể từ tháng tư.
Cơ quan người tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết 164 di dân đã chết trên đường từ Libya đến châu Âu trong năm nay (chưa tính những người mới mất tích), ít hơn các năm trước, nhưng với tỷ lệ cao hơn (bốn người đi, một người chết).