Nguy cơ người di cư và người tị nạn bị đắm tàu ở Địa Trung Hải và chết trên biển đang ở mức cao nhất từ trước đến nay do thiếu tàu cứu hộ của các tổ chức phi chính phủ. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo cuộc xung đột ở Libya đang ở mức đáng báo động.
"Nếu chúng ta không can thiệp sớm, sẽ có một biển máu ở đấy (Địa Trung Hải)", bà Carlotta Sami, phát ngôn viên của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), cho biết.
Theo Guardian, thời tiết trên biển đang ở trong điều kiện thuận lợi khiến hàng nghìn người lên kế hoạch rời khỏi Libya, đất nước Bắc Phi đang chìm trong chiến tranh và cả thiên tai. Tuy nhiên, do không có thuyền cứu hộ, thương vong do đắm tàu có nguy cơ tăng lên đáng kể.
Theo các nhóm viện trợ, gần 700 người đã rời khỏi bờ biển Libya trong những ngày gần đây, chỉ 5% trong số này bị lực lượng bảo vệ bờ biển Libya chặn lại và đưa đến các trung tâm giam giữ. 40% người tị nạn đã đến Malta và 11% có mặt ở Italy. Những người còn lại chưa rõ đã gặp chuyện gì.
Chỉ một trong số 10 thuyền cứu hộ của các tổ chức phi chính phủ vẫn còn hoạt động trên Địa Trung Hải. Ảnh: AP. |
Mặc dù số người tị nạn chết đã giảm trong năm 2018, nhưng số người chết đuối vì cố đến châu Âu từ Libya đã tăng mạnh trong năm nay.
Theo số liệu của UNHCR và Tổ chức Di cư Quốc tế, từ đầu năm 2019 đã có 1.940 người đến Italy từ Bắc Phi, trong đó gần 350 người đã chết trên đường đi. Tỷ lệ tử vong của những người vượt biên lên tới hơn 15%.
Theo nghiên cứu của một chuyên gia Italy thuộc Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế (ISPI), một trong 8 người cố gắng vượt biên từ Libya đã chết trên đường đi trong giai đoạn từ giữa tháng 1 đến tháng 4.
Bà Sami cho biết: "Hiện tại chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của người vượt biên. Rõ ràng là người di cư sẽ không nói họ vượt biên khi nào và bằng cách nào. Những kẻ buôn người đưa ra quyết định đó cho họ. Chúng không quan tâm người tị nạn sống hay chết. Những ngày gần đây, ngày càng có nhiều tàu chở đầy người. Ai sẽ cứu họ nếu tàu của họ bị đắm?".
Trong số 10 thuyền cứu hộ của các tổ chức phi chính phủ ở Địa Trung Hải, chỉ có một chiếc do tổ chức SeaWatch của Đức điều hành đến nay còn hoạt động.
Ba tuần trước, tàu SeaWatch 3 đã bị chính quyền bắt giữ vì chở 47 người. Chiếc thuyền đã cập cảng ở Licata, Sicily, và sẽ trở về Libya trong một vài ngày.
Suốt nhiều năm, các thuyền cứu hộ các tổ chức phi chính phủ đã bị chỉ trích là động lực thúc đẩy người di cư và người tị nạn cố gắng vượt biển. Cho đến nay, có khoảng 85 người cố gắng vượt Địa Trung Hải mỗi ngày để đến châu Âu trong tình trạng không có tàu cứu hộ.