Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố, do Ban Tuyên giáo Trung ương và NXB Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện từ năm 2009.

Chiều 28/12, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 - 2023).

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 2009, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Thông qua những ấn phẩm sách, mục tiêu của Đề án là nhằm bồi dưỡng, rèn luyện kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn trong sạch, vững mạnh, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Sach co so anh 1

Bà Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Sau 3 năm đầu thực hiện thí điểm thành công ở 16 tỉnh, thành phố (2009-2011), từ năm 2012 đến nay, Đề án tiếp tục được nhân rộng trên 63 tỉnh, thành phố. Trong 15 năm triển khai Đề án (2009 - 2023), với sự phối hợp, vào cuộc của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, Đề án được triển khai thiết thực, đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng hiệu quả nhu cầu học tập, nghiên cứu của cán bộ, nhân dân ở cơ sở.

600 đầu sách trang bị cho xã, phường, thị trấn

Bà Nguyễn Hoài Anh, Phó Ggiám đốc - Phó tổng Bbiên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, cho biết trong 15 năm qua, với vai trò là cơ quan thường trực của Đề án, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tích cực tổ chức hội nghị cộng tác viên là các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín, nhà xuất bản có chức năng phù hợp nhằm thống nhất về đề tài, nội dung, hình thức trình bày, phương pháp tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành sách dành cho cơ sở xã, phường, thị trấn.

Việc điều tra, khảo sát tình hình quản lý sách tại các cơ sở xã, phường, thị trấn, nắm bắt nhu cầu đọc của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó có sự điều chỉnh về số lượng đề tài, nội dung, phương thức biên soạn phù hợp với các đối tượng bạn đọc ở cơ sở được tiến hành đồng bộ, bài bản trước khi thực hiện các giai đoạn cũng như các kỳ sơ kết, tổng kết của Đề án.

Trong cả giai đoạn 2009-2023, Đề án đã trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước gần 600 đầu sách (gồm sách giấy, sách điện tử như đĩa CD-ROM và CD Audio), với tổng số 14.408.340 bản in.

Sách của Đề án phong phú, đa dạng với 8 nhóm đề tài: Sách học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Sách về công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; Sách chính trị - pháp luật; Sách kiến thức phổ thông; Sách kỹ năng lãnh đạo, quản lý; Sách phổ biến kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp; Sách trang bị cho vùng đồng bào dân tộc; sách xây dựng nông thôn mới; Sách dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng.

Nhà xuất bản đã tích cực phối hợp với các đài truyền hình đăng, phát những tin, bài tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của sách lý luận, chính trị, pháp luật đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; xây dựng phóng sự truyền hình tuyên truyền về mục đích, yêu cầu của Đề án, về một số mô hình sử dụng sách có hiệu quả ở các địa phương.

Hàng năm, Nhà xuất bản tổ chức thông tin đến bạn đọc những ấn phẩm mới của Đề án và tiến hành công tác số hóa, xuất bản sách điện tử trên trang Thư viện điện tử.

Sach co so anh 2

600 đầu sách trang bị cho xã, phường, thị trấn.

Theo bà Nguyễn Hoài Anh, đối tượng trang bị sách của Đề án là cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở xã, phường, thị trấn, số lượng phát hành lớn, do vậy, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã thực hiện xuất bản sách theo một quy trình chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng nội dung, hình thức. Đặc biệt nhấn mạnh “sứ mệnh” phục vụ bạn đọc ở cơ sở, với các yêu cầu chủ yếu sau:

Thứ nhất, nội dung của sách phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, tiện tra cứu, phù hợp với đối tượng người đọc là cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Trong quá trình thực hiện Đề án phải chú ý đặc điểm cụ thể của từng đối tượng để có cách thức cấp phát phù hợp, tránh lãng phí.

Thứ hai, các tri thức được đề cập trong sách bao quát ở nhiều vấn đề: từ những kiến thức lý luận chính trị phổ thông, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống áp dụng trong sinh hoạt, sản xuất, công tác cụ thể... đòi hỏi nội dung sách phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, khoa học, liên tục cập nhật thông tin mới nhất.

Thứ ba, sách của Đề án được trang bị cho cấp cơ sở ở 63 tỉnh/thành, do đó việc tổ chức xuất bản và bàn giao cho cơ sở phải nhanh chóng, đồng bộ để phát huy giá trị của các ấn phẩm.

Mở rộng đề tài sách mới thiết thực với cơ sở, đa dạng các loại hình xuất bản

Trong 15 năm (2009-2023), số lượng đầu sách và bản sách cấp cho các cơ sở xã, phường, thị trấn cơ bản hợp lý và chất lượng sách đã đáp ứng được nhu cầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.

Tuy nhiên, theo Phó giám đốc - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, số lượng bộ sách của Đề án gửi cho xã, phường, thị trấn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Với xã có nhiều thôn, bản (ví dụ có từ 6 đến 10 thôn, bản), đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhân dân rất khó tiếp cận được sách của Đề án.

Đặc biệt, còn thiếu nhiều đề tài sách về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, kiến thức về văn hóa, lịch sử, truyền thống, phong tục tập quán, di sản văn hóa các vùng miền, xây dựng nông thôn mới và các đề tài sách song ngữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung và hình thức sách chưa đa dạng, có đầu sách chưa phù hợp với đối tượng độc giả địa phương… Ở một số nơi chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, sử dụng sách của Đề án.

Đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tác động rất lớn đến toàn bộ đời sống con người và xã hội, chuyển đổi số trở thành một xu thế tất yếu, bên cạnh nhu cầu sử dụng ấn phẩm truyền thống (sách giấy), cán bộ và nhân dân ở cơ sở còn có nhu cầu tiếp cận ngày càng lớn những sản phẩm của xuất bản số như sách điện tử CD-ROM, Audio.

“Để đáp ứng những yêu cầu cấp bách đó, đòi hỏi công tác xuất bản sách của Đề án cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức. Tăng cường xuất bản sách điện tử và phổ biến nội dung sách trên mạng Internet, trên các ứng dụng phần mềm. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực tiễn triển khai Đề án tại các tỉnh, thành phố và khảo sát nhu cầu thiết thực của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở đối với Đề án sách", bà Hoài Anh chia sẻ.

https://vietnamnet.vn/nhin-lai-15-nam-thuc-hien-de-an-trang-bi-sach-cho-co-so-xa-phuong-thi-tran-2232117.html

Tình Lê/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm