Ngày 14/3, trước khi rời Trung tâm bồi dưỡng quốc phòng an ninh (Trung đoàn Bộ binh 971, Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng), Phạm Thị Hảo (19 tuổi, quê Tuyên Quang) đã tặng lại cuốn nhật ký bằng ký họa cho đại úy Võ Mai Bình (42 tuổi, Trung đoàn Bộ binh 971, Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng).
Phạm Thị Hảo. Ảnh: FBNV. |
Hảo là nữ du học sinh ở Seoul (Hàn Quốc). Cuối tháng 2, khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước này, cũng như bao công dân Việt Nam khác, cô gái 19 tuổi được các cơ quan ngoại giao đưa về nước để tránh bị lây bệnh.
Ngày 28/2, khi lên máy bay, cô rất hồi hộp và có đôi chút lo lắng. Bởi lần trở về này, cô gái quê Tuyên Quang không được đoàn tụ với gia đình mà phải cách ly 14 ngày theo quy định phòng dịch nhóm A của Bộ Y tế.
"Từ khi nhận được tin từ Bộ Ngoại giao và suốt cuộc hành trình, em luôn thấp thỏm lo âu. Em có đôi chút lo sợ bị nhiễm bệnh, một chút bồi hồi vì được trở về quê hương", Hảo tâm sự.
Mở đầu cuốn nhật ký bằng ký họa, Hảo kể 5h sáng mỗi ngày, cô và gần 200 người cách ly tại đây lại nghe thấy tiếng kẻng báo thức, tiếng radio vang khắp khu cách ly.
Lúc bình minh, những du học sinh lại cùng nhau đoán xem bữa sáng, trưa, tối được ăn gì.
Đại úy Bình cho biết anh rất vui khi được Hảo tặng lại cuốn nhật ký. Ảnh: Nam Hải. |
Những ngày mới về nước, Hảo liên tục nhận được điện thoại của bạn bè và người thân hỏi về điều kiện ăn uống sinh hoạt trong khu cách ly. "Mọi người cứ hỏi cơm có ăn được không, có khó ăn không? Mọi người không cần lo đâu vì con đang sướng lắm", Hảo tâm sự với người thân.
Nữ du học sinh nói bình thường rất sợ ăn cá. Nhưng từ khi về Đà Nẵng, cô đã quen dần với món ăn này. "Cơm ngon và đầy ắp. Nhiều bữa nhiều đồ ăn quá nên phải nhường bớt cho người khác, chẳng dám bỏ đi vì tôn trọng người nấu", Hảo chia sẻ trong nhật ký.
Theo Hảo, ở khu cách ly này được trang bị Wi-Fi, mọi người thoải mái vào Internet đọc báo, xem phim, trao đổi với người thân qua Zalo.
Cái bất tiện duy nhất là Hảo và nhiều người khác nói chuyện, chơi đùa với nhau chẳng biết mặt nhau. "Chúng tớ giao tiếp với nhau khi đeo khẩu trang", cô gái 19 tuổi kể.
Cũng tại khu cách ly này, cô gái quê Tuyên Quang có dịp được tiếp xúc với nhiều người xứ Quảng. "Chẳng ai ngờ được chúng ta sẽ gặp nhau trong hoàn cảnh này. Tự nhiên thấy yêu cái cách nói chuyện chân chất ở đây", Hảo tâm sự.
"Đà Nẵng trong tim tớ - đẹp, nhẹ nhàng và chân thành biết bao", cô gái 19 tuổi nhận xét và cảm ơn tập thể cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 971, lãnh đạo Đà Nẵng đã tận tình chăm sóc cô suốt hơn 2 tuần.
"Đối với tớ, cách ly ở Đà Nẵng là 14 ngày yên bình nhất từ trước đến giờ", cô chốt lại.
Kể về Hảo, đại úy Bình nhận xét đây là một cô bé rất đặc biệt. "Cô bé rất thông minh, nhanh nhẹn và hòa đồng nên ai cũng quý mến", anh Bình chia sẻ.
Trong nhật ký, ngoài những lời kế về những cảm nhận của mình, cô gái còn ký họa lại chân dung các y bác sĩ, những chiến sĩ bộ đội và thậm chí là chiếc bánh mỳ, gói mỳ tôm... một cách sinh động. Tất cả những nhân vật cụ thể, việc làm cụ thể được Hảo phác họa chân thực theo cảm nhận của một công dân trở về từ vùng dịch và đang phải cách ly.