'13 tỷ đồng cũng không mua được Tấn Tài'
"Chúng tôi sẵn sàng mua Tấn Tài với giá 13 tỷ nhưng thương vụ không thể thành công. Tấn Tài là dạng cầu thủ không thể mua được bằng tiền, kể cả khi có rất nhiều tiền đi chăng nữa", ông Trần Tiến Đại nói.
Theo như giám đốc điều hành Trần Tiến Đại thì mùa bóng tới tuy Sài Gòn Xuân Thành sẽ không đầu tư nhiều như năm ngoái nhưng sẽ có không ít "ngôi sao" đến với đội bóng thi đấu tại V-League cũng như ở AFC Cup.
Sài Gòn Xuân Thành không thiếu tiền
- Sài Gòn Xuân Thành (SGXT) bắt đầu quá trình chuẩn bị cho mùa bóng 2013 từ khi nào thưa ông?
- Ngày 15/10 vừa qua chúng tôi đã chính thức hội quân tại trung tâm Thành Long nhưng do có quá ít cầu thủ cũng như bận giải quyết một số vấn đề nên đến sáng 16/10 các cầu thủ mới có buổi tập đầu tiên. Tính luôn cả cầu thủ trẻ thì lên đến 25, nhưng tính riêng cầu thủ của đội 1 thì chưa đến một đội hình. Chúng tôi đã chia tay 5 cầu thủ là Huỳnh Kesley, Quốc Thanh, Văn Tuấn, Đặng Văn Robert và Trọng Bình.
SGXT sẽ có một diện mạo mới ở mùa bóng 2013 |
- Huỳnh Kesley Alves ra đi vì tiền hay hết hợp đồng?
- Anh ta hết hợp đồng với chúng tôi. Dĩ nhiên, SGXT muốn giữ lại nhưng với tình hình tài chính của CLB hiện giờ chúng tôi không đủ sức đáp ứng được mức lương cũng như tiền lót tay cao chót vót như phía CLB Ninh Bình đã trả cho Kesley.
- Còn trường hợp của Nguyễn Rogerio thì sao?
- Trên danh nghĩa anh ấy vẫn là cầu thủ của SGXT nhưng gần như chắc chắn Nguyễn Rogerio sẽ ra đi. Đây là thỏa thuận giữa 2 ông chủ là anh Trường (chủ CLB Ninh Bình - pv) và anh Thụy (chủ SGXT - pv). Tiền lương của Nguyễn Rogerio từ mùa bóng tới sẽ do phía Ninh Bình chi trả.
- Để 2 ngôi sao nhập tịch mà mình đã tốn rất nhiều tiền để đưa về phải chăng SGXT đang “thiếu tiền”?
- Thiếu tiến là không đúng mà chúng tôi chỉ cân đối lại thu chi dựa trên số tiền mà mình đang có. Cả V-League đang gặp khó khăn về tài chính và SGXT cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Ngân sách cho đội bóng mùa bóng này chỉ bằng khoảng 52-53% so với mùa bóng trước.
Huỳnh Kesley và Nguyễn Rogerio ra đi giúp SGXT tiết kiệm được một khoản kinh phí đáng kể |
- Cụ thể là bao nhiêu?
- Để một đội bóng có thể hoạt động ở V-League cần khoảng 50 tỷ/mùa. Chưa kể mùa tới SGXT phải thi đấu ở AFC Cup nên kinh phí chắc chắc sẽ bị đội lên. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ kiếm nhiều nguồn thu, đặc biệt từ tiền tài trợ. Dự kiến SGXT sẽ kiếm được từ 12-15 tỷ đồng từ tiền tài trợ, bớt phụ thuộc vào tài chính của Tập đoàn Xuân Thành.
- Kinh phí không còn rủng rỉnh như mùa trước nhưng có thông tin cho rằng ông đang liên hệ để đưa 5 tuyển thủ quốc gia về SGXT mùa bóng tới?
- Tôi không nói đùa. Tiền lương cho các cầu thủ mùa tới sẽ bị giảm rất nhiều. Riêng SGXT quỹ lương sẽ giảm đến 50%. Các ngôi sao nội không còn nhiều sự lựa chọn như trước. Bên cạnh đó, việc Huỳnh Kesley và Nguyễn Rogerio ra đi cũng giúp SGXT tiết kiếm được một khoản lương đáng kể. Riêng lương cho 2 cầu thủ này mỗi tháng đã ngốn của đội bóng hơn 20.000 USD.
- Tại sao ông lại đề xuất đổi tên đội bóng từ Sài Gòn Xuân Thành thành Sài Gòn FC?
- Bóng đá đến một lúc nào đó không thể mãi phụ thuộc vào tài chính của một tập đoàn mẹ. Vì thế, chúng tôi cần tạo một chỗ đứng trong lòng người hâm mộ bóng đá Sài Gòn. Tôi nghĩ cái tên Sài Gòn FC là rất phù hợp. Như mùa bóng trước, đội bóng của chúng tôi thu hút rất đông khán giải đến sân và tôi nghĩ mùa bóng tới sẽ như thế.
- Nói như vậy mùa bóng tới bầu Thụy sẽ vẫn gắn bó với đội bóng, nhưng tại sao đến giờ đội vẫn chưa giải ngân tiền thưởng cho chức vô địch Cup quốc gia cũng như lương 2 tháng cho các cầu thủ?
- Chuyện chậm trễ là do ở bộ phận kế toán của đội bóng. Tuy nhiên, ngay khi mùa giải kết thúc các cầu thủ đều đã được tạm ứng một số tiền để về quê. Trong tuần này chúng tôi sẽ giải quyết ổn thỏa chuyện tiền nong cho các cầu thủ.
- Mùa bóng tới ông sẽ làm HLV hay làm quản lý?
- Tôi thích làm điều hành bóng đá hơn. SGXT sẽ kiếm một HLV khác về dẫn dắt, có thể là một HLV ngoại. Danh sách ứng cử viên chúng tôi đã có và đang sàng lọc. Trên băng ghế huấn luyện nhiều khả năng trợ lý Nguyễn Văn Phụng cũng sẽ ra đi do không đạt được thỏa thuận về chuyện lương bổng.
Ông Trần Tiến Đại đang ấp ủ rất nhiều kế hoạch mùa bóng tới cho SGXT |
"Tôi từng muốn mua Tấn Tài 13 tỷ nhưng không được"
- Năm nay giá cầu thủ xuống thấp, không có những khoản lót tay cao ngất ngưởng như mọi năm, ông nghĩ sao về sự thay đổi chóng mặt này?
- V-League nói chung và thị trường chuyển nhượng nói riêng đang tồn tại những điều bất hợp lý. Ở chỗ giá cầu thủ không dựa trên quy luật thị trường mà do chỗ “tùy hứng” của các ông bầu. Chính họ mới là người “kích” giá cầu thủ lên cao khác xa so với giá trị thực của họ. Như năm nay thôi, trong xu thế giá cầu thủ giảm chung mà bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai mua Oseni từ Kiên Giang rồi trả lương 12-13.000 USD/tháng thì hỏi làm sao mà giá cầu thủ không lên xuống thất bại.
- Ngày xưa ông từng làm nghề môi giới cầu thủ và có không ít đội bóng xem ông là “tác nhân” đẩy giá cầu thủ lên cao?
- Từ 3 năm nay tôi đã không làm nghề môi giới cầu thủ mà chuyển sang làm điều hành bóng đá. Nhưng xin lỗi tôi không phá giá cầu thủ, làm hại các đội bóng mà trái lại đem lại rất nhiều tiền cho các đội bóng. Chẳng hạn khi tôi còn làm giám đốc điều hành ở Ninh Bình, tôi đưa Hoàng Đảm về với giá 1 tỷ, đá giúp đội thăng hạng sau đó bán cho Navibank SG với giá 4 tỷ.
Tấn Tài được xem là cầu thủ nội hay nhất hiện giờ vì thế K-Khánh Hòa nhất quyết không bán anh |
Rồi sau đó là trường hợp của Trọng Bình. Tiền đạo Gustavo được tôi đưa về nhận lương chỉ khoảng 4.000 USD/tháng. Sau khi tôi đi lương anh ta phải lên đến 10.000 USD. Hay như Timothy, ngày xưa anh ta chỉ đòi lương chỉ 4.000 USD/tháng nhưng anh Sỹ không thích (HLV Nguyễn Văn Sỹ - pv) nên mới chuyển sang Hòa Phát với mức lương rất cao…
- Tại sao ông lại không tiếp tục làm nghề môi giới cầu thủ?
- Thị trường chuyển nhượng cầu thủ giờ không còn sôi động như xưa. Mảnh đất chuyển nhượng giờ có rất nhiều người nhảy vào. Tôi không còn hứng thú với công việc đó nữa. Cả công ty Đại Nguyên của tôi bây giờ cũng bỏ hẳn việc môi giới bóng đá mà chuyển sang phát triển thương hiệu cho bóng đá Sài Gòn. Nhưng tôi vẫn tự hào mình đã thực hiện nhiều thương vụ thành công.
- Có thương vụ nào thất bại hay không?
- Thương vụ mà tôi không thực hiện trót lọt là việc đưa Tấn Tài về SGXT. Chúng tôi sẵn sàng mua anh với giá 13 tỷ nhưng thương vụ không thể thành công. Tấn Tài là dạng cầu thủ không thể mua được bằng tiền, kể cả khi có rất nhiều tiền đi chăng nữa.
"VFF xúc phạm bóng đá"
- Mùa bóng vừa qua ông giúp SGXT đạt nhiều thành tích, bản thân ông nằm trong top 3 HLV xuất sắc nhất mùa giải, điều đó có làm ông hài lòng?
- Về cuộc bầu chọn HLV xuất sắc nhất tôi đứng hạng 3 không có gì bàn cãi bởi giải thưởng này căn cứ vào thành tích chung của đội bóng. Lê Huỳnh Đức đoạt được nó khi giúp SHB-Đà Nẵng đăng quang là xứng đáng. Cá nhân tôi chỉ làm HLV tạm quyền nên không so bì, nhưng riêng về giải thưởng fair-play hay giải cầu thủ xuất sắc nhất tôi cho không hợp lý.
- Vì sao?
- Giải fair-play trao cho SHB-Đà Nẵng trong khi họ nhiều hơn chúng tôi đến cả chục thẻ vàng. Bên cạnh đó SGXT thu hút được rất đông khán giả đến sân, chơi một thứ bóng đá đẹp mắt, giải trí nhưng lại không được công nhận. Điều đó có hợp lý không?
Về giải cầu thủ xuất sắc nhất mùa 2012, Minh Phương tuy có hay nhưng không hơn những người khác. Anh ta cũng thừa nhận mình đã được châm chước ít nhiều. Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng Minh Phương không xứng đáng hơn Thanh Hưng. Chưa kể là Tấn Tài, cầu thủ mà tôi cho rằng hay nhất V-League và nếu là ông bầu tôi sẵn sàng chi ra 10 tỷ để đưa anh về.
Quy định nâng độ tuổi được chuyển nhượng lên của VFF khiến cho các cầu thủ trẻ tài năng như Trọng Hoàng bị chôn chân ở CLB |
- Sự bất hợp lý này đến từ đâu?
- Rõ ràng là do VFF và VPF chưa xây dựng một bộ quy chuẩn rõ ràng, hợp lý cũng như đánh đồng giữa tài năng trên sân cỏ và các phạm trù khác. Tôi đơn cử như trường hợp của Văn Quyết. Anh ta là cầu thủ quá hay nhưng chỉ vì một sự cố nhỏ trong trận chung kết Cup quốc gia mà suýt chút nữa bị loại khỏi ĐTQG và không có cơ hội dự tranh các giải thưởng.
Cần phải đặt trong môi trường bóng đá và trong 1 trận đấu cụ thể để kết luận về trường hợp của Quyết. Bản thân anh ta là 1 tiền vệ công nhưng ở trận đó trong thế trận phòng ngự-phản công anh ta buộc phải lùi về sân nhà nhiều để thủ. Điều đó khiến cho Quyết ức chế và chuyện phản ứng thái quá cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không phải ai cũng nhìn ra điều đó.
- Đó liệu có phải điều không hài lòng duy nhất về VFF?
- Còn một chuyện đáng nói khác đó là việc từ năm 2013 các cầu thủ trẻ trưởng thành từ lò đào tạo của CLB phải cống hiến đến năm 25 tuổi mới được chuyển nhượng. Theo tôi đây là sự “xúc phạm” đến bóng đá. Bản thân FIFA đã tính toán độ tuổi hợp lý để các cầu thủ trẻ được quyền chuyển nhượng là 23 tuổi, cớ sao Việt Nam lại đi ngược lại?
Ở góc độ bóng đá tôi cho rằng quy định này có rất nhiều điểm sai nếu căn cứ theo cả luật lao động. Ở góc độ xã hội tôi cho rằng nó là điều “vi phạm nhân quyền” khi trói buộc các cầu thủ quá lâu trong khi quãng thời gian thi đấu đỉnh cao của họ không nhiều.
NGUYỄN ĐĂNG
Theo Infonet