Trong những tháng gần đây, các nhà lập pháp ở Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng cường nỗ lực hạn chế quyền truy cập vào TikTok - ứng dụng phổ biến thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, viện dẫn các mối đe dọa bảo mật.
Vào ngày 4/4, chính phủ Australia cho biết sẽ xóa TikTok khỏi tất cả thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ liên bang. Đây là quốc gia mới nhất gia nhập danh sách các nước ban lệnh cấm với ứng dụng này.
Tính đến nay, 13 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức đã ban lệnh cấm Tiktok trên thiết bị của nhân viên - gồm Đan Mạch, Bỉ, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, Na Uy, Hà Lan, Anh, Pháp và Ủy ban châu Âu (EC).
3 quốc gia ban lệnh cấm hoàn toàn gồm Jordan, Ấn Độ và Afghanistan. Ngoài ra, Indonesia và Pakistan cũng từng nhiều lần áp đặt lệnh cấm tạm thời với nền tảng này.
Hạ nghị sĩ Kat Cammack phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Hàng loạt lệnh cấm
Ngày 29/12/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua đạo luật cấm TikTok trên 4 triệu thiết bị chính phủ. Đến đầu tháng 3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ bỏ phiếu ủng hộ dự luật trao cho Tổng thống Biden quyền cấm TikTok trên toàn quốc - hạn chế sâu rộng nhất của Mỹ đối với một ứng dụng truyền thông xã hội.
Theo Business Insider, một số trường học tại Mỹ cũng chặn truy cập ứng dụng bằng mạng Wi-Fi trong trường.
Ở quốc gia láng giềng Canada, chính phủ Thủ tướng Justin Trudeau cũng cấm sử dụng Tiktok trên các thiết bị do chính phủ cấp. Thủ tướng Trudeau cho biết ông hy vọng người Canada, từ doanh nghiệp đến cá nhân, sẽ “suy nghĩ về tính bảo mật với dữ liệu của chính họ và đưa ra lựa chọn”.
Đan Mạch, Bỉ, Đài Loan, Pháp, Vương quốc Anh, Hà Lan và một số tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) như Nghị viện châu Âu (EC) cũng thực hiện các bước đi tương tự, theo Al Jazeera.
Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã cấm nhân viên cài đặt TikTok trên điện thoại, đồng thời yêu cầu những nhân viên đã cài đặt xóa ứng dụng khỏi thiết bị càng sớm càng tốt. Cơ quan này viện dẫn “những cân nhắc nghiêm trọng về an ninh” cũng như “nhu cầu sử dụng rất hạn chế trong công việc”.
Mỹ cấm nhân viên chính phủ sử dụng TikTok. Ảnh: Reuters. |
Theo Politico, mối lo ngại với TikTok lan rộng ở châu Âu khi các vấn đề an toàn của trẻ em chưa được đảm bảo, đồng thời có cáo buộc cho rằng ứng dụng này đã theo dõi các nhà báo dựa trên IP.
Một trong những nhà lãnh đạo lớn tiếng phê bình nhất ở châu Âu là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông từng chỉ trích TikTok “giả vờ vô tội” và là “cơn nghiện” với người dùng. Bình luận này kéo theo làn sóng tin tức về mối nguy hiểm của nền tảng này.
Đến ngày 24/3, Pháp đã công bố lệnh cấm nhân viên chính phủ sử dụng TikTok, Twitter, Instagram và các ứng dụng khác trên điện thoại vì vấn đề bảo mật.
Trong khi đó, một số quốc gia thực hiện biện pháp quyết liệt hơn. Ấn Độ đã áp lệnh cấm trên toàn quốc với TikTok và hàng chục ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat, vào năm 2020. Theo đó, 150 triệu người dùng của Ấn Độ buộc phải ngừng sử dụng ứng dụng, theo Forbes.
Lệnh cấm được đưa ra ngay sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Jordan cũng đã cấm TikTok từ tháng 12/2022 vì ứng dụng này không xóa những bài đăng “kích động bạo lực và hỗn loạn” sau các cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng cao ở nước này.
Chính quyền Taliban ở Afghanistan cũng cấm TikTok và trò chơi PUBG vào năm 2022 với lý do ngăn những người trẻ “lầm đường lạc lối”.
Indonesia từng cấm TikTok vào tháng 7/2018 do có nội dung khiêu dâm, tuy nhiên lệnh cấm được bãi bỏ sau 6 ngày khi nền tảng đồng ý kiểm duyệt một số nội dung.
Pakistan cũng nhiều lần chặn TikTok do chứa nội dung không phù hợp nhưng gỡ bỏ ngay sau đó. Một số lệnh cấm chỉ có hiệu lực trong vài giờ, theo Washington Post.
Nhiều cuộc điều tra
Ngoài các lệnh cấm, ứng dụng của tập đoàn ByteDance cũng bị điều tra tại nhiều quốc gia. Vào tháng 2, bốn cơ quan quản lý quyền riêng tư của Canada - gồm cơ quan thuộc chính phủ liên bang và các tỉnh Quebec, Alberta và British Columbia - đã mở cuộc điều tra việc thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân của TikTok.
“Các cuộc điều tra sẽ tập trung vào chính sách riêng tư của Tiktok liên quan đến người dùng nhỏ tuổi, bao gồm việc liệu ứng dụng có nhận được sự đồng ý hợp pháp từ những người dùng này để thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân của họ hay không”, các quan chức cho biết.
CEO TikTok Shou Zi Chew làm chứng trước phiên điều trần của Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ. Ảnh: Evelyn Hockstein/Reuters. |
Vào tháng 12/2022, chính quyền Đài Loan mở cuộc điều tra với nền tảng truyền thông xã hội của ByteDance vì nghi ngờ điều hành bất hợp pháp một công ty con trên hòn đảo.
Tờ Liberty Times đưa tin ByteDance đã thành lập một công ty con trên đảo để mở rộng kinh doanh, trái với quy định rằng các nền tảng mạng xã hội từ Trung Quốc đại lục không được phép hoạt động thương mại trên đảo. TikTok đã phủ nhận cáo buộc.
Đáng chú ý, hôm 23/3, CEO TikTok Shou Chew đã trình diện trước giới chức Mỹ để giải trình về nền tảng và đưa ra lý do không nên cấm TikTok. Trước đó, chính phủ Mỹ đã yêu cầu công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc thoái vốn cổ phần. Nếu không, ứng dụng này có nguy cơ bị cấm hoạt động tại Mỹ.
Trước yêu cầu này, CEO Shou Chew khẳng định rằng TikTok hoạt động hoàn toàn độc lập với ByteDance.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.