Chiều 15/3, hai đoàn du lịch (tour) của Trung Quốc đã đến Việt Nam và nhập cảnh qua cửa khẩu Hữu Nghị tại tỉnh Lạng Sơn. Tổng số khách là 124 người.
Theo đơn vị dẫn tour, những khách du lịch này đến từ tỉnh Quảng Tây, dự kiến tham quan các địa danh tại Hà Nội và Hạ Long (Quảng Ninh) trong 3 ngày.
2 đoàn khách Trung Quốc sang Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: Ngọc Tân. |
Các khách du lịch đã được lãnh đạo Tổng cục Du lịch và chính quyền địa phương tiếp đón nhiệt tình tại cửa khẩu. Thủ tục nhập cảnh diễn ra nhanh chóng, không yêu cầu xét nghiệm nCoV.
Hai đoàn khách nhập cảnh Việt Nam vào đúng ngày 15/3 - ngày Trung Quốc bắt đầu cho phép các công ty lữ hành dẫn khách du lịch theo đoàn sang Việt Nam và một số nước. Đây cũng là lần đầu tiên họ đi du lịch theo tour đến Việt Nam sau 3 năm dịch bệnh. Các du khách hò reo, tươi cười ngay khi bước qua ranh giới cửa khẩu.
Chia sẻ với Zing, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết năm 2022 Việt Nam đặt mục tiêu 5 triệu khách quốc tế nhưng thực tế chỉ đón 3,5 triệu lượt. Năm 2023 đặt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế và trong 2 tháng đầu năm đã đón được 1,8 triệu lượt, đây là con số khả quan.
"Hôm nay 15/3, thị trường khách Trung Quốc đã mở lại hoàn toàn, gồm cả các chương trình du lịch trọn gói qua Việt Nam. Với sự kiện này, tôi cho rằng mục tiêu 8 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 là rất khả quan, kỳ vọng có thể vượt", ông Siêu chia sẻ.
Theo thống kê, khách Trung Quốc sang bằng đường hàng không vẫn chiếm đa số. Tổng cục Du lịch đang định hướng đa dạng luồng khách, phát triển cả khách đường biển và đường bộ, hướng tới phục vụ các nhóm khách theo nhu cầu khác nhau như khách trải nghiệm văn hóa, khám phá, nghỉ dưỡng, chơi golf...
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.