Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

113 ngày đi bộ xuyên Việt chỉ với 100.000 đồng trong túi

Đi bộ xuyên Việt, Nhật Hà gặp nhiều nghi ngờ, thậm chí bị bạn bè coi là “tâm thần”, song cậu vẫn mỉm cười bước đi để thấy thế giới này rộng lớn và lòng người nhân ái biết bao.

Tháng 10/2017, Hồ Nhật Hà (sinh năm 1987, sống tại TP.HCM) bắt đầu chuyến đi xuyên Việt với cây đàn guitar và 100.000 đồng trong túi. Xuất phát điểm từ dinh Độc Lập, trong 113 ngày, Nhật Hà đã đi qua 23 tỉnh thành, trải nghiệm biết bao điều mới lạ và tình người nồng ấm trên dải đất hình chữ S. Hành trình ấy được Hồ Nhật Hà kể trong cuốn sách Đi bộ xuyên Việt với cây đàn guitar mới xuất bản.

Tại sao cứ chờ có tiền mới thực hiện ước mơ

- Nếu muốn đi xuyên Việt, có rất nhiều phương tiện giúp ta đỡ mệt và nhanh chóng hoàn thành hành trình, tại sao Nhật Hà chọn phương pháp đi bộ?

- Mỗi phương tiện sẽ có một điều thú vị riêng.

Tôi chọn đi bộ để có thể sống chậm lại và khi đó mình sẽ quan sát mọi thứ một cách rõ ràng hơn. Và khi quan sát rõ ràng, mình sẽ hiểu rõ cuộc sống hơn.

Chuyến đi của tôi là hành trình trải nghiệm cả về phong cảnh lẫn con người nên tôi muốn cảm nhận cuộc sống theo cách gần gũi nhất.

Chang trai di bo xuyen Viet anh 1
Hồ Nhật Hà trên đường xuyên Việt. Ảnh: NVCC

- Vì sao bạn mạo hiểm đi xuyên Việt mà chỉ mang theo 100.000 đồng? Với số tiền ít ỏi ấy, làm sao để bạn có thể sống sót mà thực hiện hành trình?

- Tôi muốn kiểm chứng xem nếu một người trẻ có ước mơ, liệu có thể thực hiện được ước mơ của mình mà không bị rào cản bởi vấn đề tiền bạc hay không. Tôi đã gặp nhiều bạn có dự định, mơ ước nhưng khi hỏi lúc nào bạn làm điều đó thì đa số nói là khi nào có tiền. Và tôi muốn thay đổi suy nghĩ này.

Để có thể đi bộ xuyên Việt với 100.000 đồng thì tôi có một người bạn có thể giúp mình những lúc khó khăn. Đó là cây đàn guitar. Tôi có thể sáng tác những bài hát mới trong thời gian tầm 20phút. Trên hành trình, tôi hay đàn, hát, sáng tác tặng bà con cô bác và tôi dùng cách ấy để có thêm chi phí duy trì hành trình.

Thêm một điều nữa là nếu đã chấp nhận đi thì phải chấp nhận sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Trong hành trình, tôi ngủ ở khá nhiều nơi như trong rừng, nhà hoang, cây xăng, chợ, công trình xây dựng...

Và một điều may mắn là tôi được khá nhiều bà con cô bác giúp đỡ.

- Để vượt qua 113 ngày đi bộ liên tục mà không dùng đến tiền, người trẻ cần chuẩn bị những gì?

- Thứ nhất là bạn phải có một lý do đủ lớn xuất phát từ bên trong bạn. Thứ hai bạn cần có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng. Thứ ba là bạn cần dự phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra và phương án để xử lý tình huống ấy. Thứ tư là bạn cần rèn luyện những kỹ năng quan trọng và cần thiết cho hành trình. Thứ năm, bạn cần biết cười, đó chính là tinh thần lạc quan không ngại khó khăn thử thách.

- Trên đường đi, những khó khăn, trở ngại nào đến với Nhật Hà, bạn đã vượt qua chúng ra sao?

- Mỗi ngày với tôi thực sự là một thử thách khi bước đến vùng đất mới, con người mới.

Tôi đã trải qua nhiều kiểu thời tiết khắc nghiệt khác nhau. Nhớ mãi cái “nắng như Phan gió như Rang” của vùng đất Ninh Thuận, những cơn mưa dai dẳng, âm ỉ của miền Trung, cái lạnh thấu xương của vùng núi vùng cực Bắc…

Để có thể vượt qua được nhiều kiểu thời tiết khác nhau như vậy, bạn phải tập cho cơ thể khả năng thích nghi. Điều quan trọng nhất là quan sát cảm nhận bên trong cơ thể xem có biểu hiện nào bất thường hay không. Nếu có, bạn phải dừng hành trình lại ngay và giúp cơ thể hồi phục.

Chang trai di bo xuyen Viet anh 2
Cuốn sách Đi bộ xuyên Việt với cây đàn guitar.

Điều thứ hai là ta phải tập làm bạn với thời tiết. Khi thấy lạnh quá, tôi đã tạo một giai điệu để biến cái lạnh thành sức mạnh. Một phương pháp về tâm lí nhưng thực sự có hiệu quả với tôi. Bài hát của tôi có câu: "Mùa đông là mùa của ta, cái lạnh giúp ta khỏe mạnh" và tôi hát đi hát lại đoạn nhạc ấy trên đường. Nó giúp tôi cảm thấy thật sự hòa hợp được với thời tiết. Thế nhưng cũng cần phải biết cách để giữ ấm cơ thể nữa.

Cả hành trình, tôi không phải dùng đến một viên thuốc Tây nào và còn tăng 2,5 kg.

Khó khăn lớn tiếp theo là sự nghi ngờ từ những người xung quanh về hành trình của mình.

Những người bạn học còn nghĩ rằng tôi bị tâm thần. Và trên đường tôi gặp không biết bao nhiêu người phán xét, mỉa mai. Tôi tự biết mình đang làm gì nên gặp những tình huống như thế ban đầu hơi khó chịu. Sau này học được cách chấp nhận hoàn toàn, tôi mỉm cười và vượt qua.

Khi mình thật sự nhận biết được con đường mình đang đi và ý nghĩa của nó, sự phán xét của những người xung quanh không còn quan trọng.

Bỏ smartphone xuống và đi khám phá, bạn sẽ thấy cuộc sống tốt đẹp

- Cũng trên hành trình ấy, bên cạnh khó khăn, khắc nghiệt, hẳn bạn cũng gặp được những câu chuyện đáng nhớ?

- Câu chuyện ấy tôi đã kể trong cuốn Đi bộ xuyên Việt với cây đàn guitar. Có lần tôi thấy bên đường một chiếc xe tải lớn, nhiều người đang bốc những bao hàng xuống. Những người bốc xếp toàn là phụ nữ. Tôi mỉm cười chào, các cô cũng chào lại, dù không biết tôi là ai. Một cô thấy tôi có đàn nên đề nghị: Hát một bài nào cháu gì ơi!

“Rồi bây giờ các cô sẽ hát bài gì nào?”, tôi hỏi. Sau câu hỏi của tôi là cảnh tượng lôi kéo nhau lên trình diễn: “Em Hoa lên hát đi. Em hát hay nè”; “Dạ thôi chị ơi, em ngại lắm”;“Vậy chị Lụa đi”; “Ôi thôi xin”. Vừa nói các cô vừa kéo tay, đẩy vai người này người kia làm tôi cười nắc nẻ.

Thấy tình hình có vẻ “căng” nên tôi quyết định sẽ hát chung với mọi người. Chúng tôi cất cao các bài hát ngợi ca tinh thần lao động cùng các bài hát thời xưa mà các cô biết... Các cô hết sức dễ thương và yêu đời. Chúng tôi hát cùng nhau với chiếc đàn guitar bé bỏng ngay trên đường quốc lộ.

Nhiều anh tài xế chạy ngang qua cứ nhíu mày nhìn không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Tôi cảm thấy thật sự tự do, hạnh phúc khi tham dự liveshow đường phố có một không hai này. Những ca sĩ nổi tiếng chắc gì đã được trải nghiệm giống như tôi lúc này. Miệng tôi cười rộng hết cỡ.

Chang trai di bo xuyen Viet anh 3
Phút nghỉ ngơi trên đường xuyên Việt của Nhật Hà. Ảnh: NVCC

- Lời giới thiệu của sách có nói Hà đi để thấy “Người Việt có thật sự xấu xí và vô cảm như trong những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội vẫn đưa lên hay không?”. Vậy, câu trả lời sau chuyến đi là gì?

- Kết quả hoàn toàn ngược lại, 90% người Việt tôi gặp là những người tốt. Bản chất người Việt bao lâu nay tôi cảm nhận vẫn giống như thế. Những hình ảnh xấu xí mọi người hay chia sẻ trên mạng chỉ là một góc nhìn. Và chỉ khi bạn dời khỏi chiếc smartphone, tách khỏi mạng xã hội đi khám phá cuộc sống, bạn sẽ thấy cuộc sống đẹp và nhiều người tốt như thế nào.

Những người tốt tôi gặp nhiều nhất thường ở nơi nông thôn, nơi mọi người sống gần gũi với thiên nhiên. Vì vậy tôi nghĩ rằng cách để giúp mọi người cân bằng là tìm kiếm về những vùng quê có thiên nhiên và nơi có những con người chân chất. Đó cũng là cái nôi của mỗi chúng ta. Nơi tìm thấy những giá trị nhân văn nguyên bản.

- Sau chuyến đi, điều ý nghĩa nhất Nhật Hà thu nhận về là gì, và bạn thể hiện điều đó ra sao trong cuốn sách “Đi bộ xuyên Việt với cây đàn guitar”?

- Đó là niềm tin mạnh mẽ hơn vào tình người Việt Nam và sự kỳ diệu của cuộc sống này. Những trải nghiệm và thử thách trên hành trình đã dạy cho tôi bài học về cuộc sống mà tôi không thể tìm kiếm được trong bất cứ quyển sách nào trước đây. Những bài học đó chỉ có thể nhận được khi bản thân mỗi chúng ta trải nghiệm và khám phá.

Qua cuốn sách, tôi muốn nói với bạn trẻ rằng: Hãy thử một lần rời khỏi vòng an toàn ,dám thực hiện những mơ ước mà bạn ấp ủ bấy lâu và hãy sống một cuộc sống thực sự trọn vẹn ý nghĩa. Đi nhiều hơn và yêu thương nhiều hơn!

Cô gái Việt từ bỏ công việc ổn định để trải nghiệm miền đất thiêng

“Tôi thà làm cánh chim hoang dã nhưng tự do còn hơn một con sơn ca bị nhốt trong lồng gỗ quý", Hasu Trần viết về lựa chọn của mình trong cuốn "Mumbai và những chuyến tàu đêm".



Tần Tần

Bạn có thể quan tâm