Theo Guardian, kể từ khi George Floyd thiệt mạng dưới tay cảnh sát ở Minneapolis hôm 25/5, làn sóng biểu tình phản đối đã diễn ra ở 140 thành phố trên khắp 50 bang của Mỹ.
Hơn 10.000 người đã bị bắt giữ trong đợt bất ổn dân sự này, và cảnh sát thường xuyên sử dụng hơi cay, đạn cao su và dùi cui đối với người biểu tình, phóng viên và thậm chí cả người đứng xem. Một số thành phố lớn ở Mỹ đã phải áp đặt lệnh giới nghiêm trong nỗ lực kiềm chế bạo lực và cướp phá.
Jarah Gibson bị bắt khi tuần hành ôn hoà ở Atlanta, bang Georgia hôm 1/6.
"Cảnh sát xuất hiện từ đầu và tháp tùng chúng tôi trong toàn bộ cuộc tuần hành", cô Gibson chia sẻ.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại Philadelphia hôm 30/5. Ảnh: AP. |
Vào lúc 19h30, khi sắp tới thời gian giới nghiêm (bắt đầu từ 21h ở Atlanta), cảnh sát bắt đầu quây những người biểu tình lại. Mặc dù nhiều người đã rời đi, Gibson đã cố gắng dùng điện thoại quay cảnh một người đi xe đạp bị xe cảnh sát đâm và sau đó người này bị bắt giữ. Sau đó cô Gibson cũng bị bắt với cáo buộc "từ chối hợp tác khi được yêu cầu rời đi".
"Cảnh sát khiến mọi thứ bắt đầu và giờ đây thì họ hình sự hoá chúng tôi. Bây giờ tôi đã được chụp ảnh, lấy dấu vân tay và dấu mắt. Tôi là tội phạm vì một vụ bắt giữ bất hợp pháp. Tôi chỉ muốn được lắng nghe và được cảnh sát tôn trọng như một con người", cô Gibson nói.
Một người biểu tình ở Los Angeles, bang California chia sẻ về việc khi cô đang trở về căn hộ của mình trước giờ giới nghiêm thì cảnh sát quây người biểu tình lại và chặn các lối thoát.
"Tôi bị bắt cách căn hộ của mình chỉ 2 dãy phố, trong khi đồng hồ mới điểm 18h", cô chia sẻ và nói thêm rằng khi việc bắt giữ xảy ra, mọi người ngoài cuộc đều phản đối từ ban công các toà nhà, trong khi cảnh sát nhắm đạn cao su, vòi rồng và hơi cay về phía họ.
"Cảnh sát gài bẫy để bắt giữ chúng tôi. Họ đóng cửa các tuyến phố buộc chúng tôi phải đi lên cầu Margaret Hunt Hill. Khi chúng tôi đang ở trên cầu, cảnh sát chặn 2 đầu", một người biểu tình ở Dallas, Texas, chia sẻ.