Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

100 năm trước, nghề xuất bản đã thịnh ở Nam Kỳ

Năm 1918, Phạm Quỳnh đã đề cập đến hoạt động xuất bản sách ở Nam Kỳ khi cho rằng “nghề làm sách ở Nam Kỳ cũng thịnh lắm, có phần lại thịnh hơn nghề làm báo nhiều”.

Trụ sở Tín Đức thư xã tại số 37-38-39 đường Sabourain (nay là đường Lưu Văn Lang). Ảnh: TL.

Nửa cuối thế kỷ XIX, chủ yếu các nhà in nhà nước và tư nhân xuất bản sách. Ở Nam Kỳ, nhà in được lập sau khi người Pháp có mặt, đến đầu thế kỷ XX có khoảng 20 nhà in hoạt động như Tân Định, Phát Toán.

Sang đầu thế kỷ XX, nhà in vẫn có thế mạnh xuất bản và nhiều nhà tên tuổi như Nhà in Xưa Nay của Nguyễn Háo Vĩnh, có địa chỉ ở số 62 - 64 Đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi), Sài Gòn; Nhà in Joseph Nguyễn Văn Viết ở số 58 đường d’Ormay (nay là đường Mạc Thị Bưởi), Sài Gòn; Nhà in Thạnh Thị Mậu ở số 186 đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn), Sài Gòn…

Trong trí nhớ của Nguyễn Công Hoan trong hồi ức Nhớ gì ghi nấy, thì nhà xuất bản ở Việt Nam chỉ có sau năm 1930. Còn trước đó, tư nhân tự in sách, gửi sách bán và thu tiền. Thực ra thì thời điểm 1930 chỉ là một ước định kinh nghiệm của nhà văn xuất thân ông giáo này vì thực tế, nửa cuối những năm 1920 đã có nhà xuất bản ra đời.

Trong phần tự giới thiệu về mình được ghi ở sách Thể lệ bán sách và mục lục những sách đã in, Nhà xuất bản Á Châu thông tin:

“Á CHÂU là cơ quan xuất bản lâu năm nhất tại HANOI?

Sáng lập từ năm 1928? Vì Á CHÂU lập thành bởi sự hợp tác của bốn nhà xuất bản lớn.

1. Nhà xuất bản Phương Châu (đã từng in ra những cuốn Hang sâu - Chuông thu hồn, Má hồng phai, Bãi xa [sa] trường, Dao bay (lần in thứ I) v.v…

2. Nhà xuất bản Quốc gia Tùng thư (đã từng xuất bản những bộ: Người nấu Sác Xông Pha, Những ngày trong ngục (in lần thứ I, v.v…)

3. Nhà xuất bản Viễn Đông Công ty (đã từng xuất bản những bộ Thiên Bồng nhất kiếm nương, Phiên Phiên, Chuyến tầu đêm (lần in thứ I), v.v…)

4. Nhà xuất bản ASIATIC… (mà các bạn đã biết rõ những tác phẩm đã in ra)”.

Thời điểm những năm 1930, hệ thống các nhà xuất bản đã định hình và chiếm sóng trong hoạt động xuất bản với Tân Dân là một thế lực lớn ở ngoài Bắc Kỳ. Nhưng xuất bản sách theo lối mới, thì phải nói tới Nam Kỳ khởi xướng. Và vào đầu thế kỷ XX, cũng là nơi mà sách được xuất bản rất mạnh.

Trải nghiệm trong chuyến đi Nam Kỳ năm 1918, Phạm Quỳnh đã đề cập đến hoạt động xuất bản sách ở Nam Kỳ khi cho rằng “nghề làm sách ở Nam Kỳ cũng thịnh lắm, có phần lại thịnh hơn nghề làm báo nhiều. Tuy vài năm gần đây đã bớt đi nhiều, mà trong khoảng năm mười năm về trước, cái số những sách Quốc ngữ xuất bản ở Sài Gòn không biết bao nhiêu mà kể” (bài “Một tháng ở Nam Kỳ”, Nam Phong tạp chí số 17, tháng 11/1918).

Vẫn lời Chủ bút của Nam Phong tạp chí về xuất bản Nam Kỳ và so sánh luôn với sách vở Bắc, Trung Kỳ khi viết: “Song có một điều nên lưu ý, là báo nhiều như thế, sách nhiều như thế, mà bán được chạy, có nhiều người mua, thời cũng là một cái chứng rằng dân Nam Kỳ có tính ham đọc sách và có tiền thừa mua sách. Như vậy mà nếu có những báo thiệt tốt, sách thiệt hay cho mà đọc thì ích lợi biết bao nhiêu.

Chẳng bù với dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ, trăm người chưa được một người đọc thông chữ Quốc ngữ, mười người đọc thông chữ Quốc ngữ chưa được một người thích xem văn Quốc ngữ, lại thêm dân nghèo, bỏ ra mấy đồng bạc mua báo một năm đã lấy làm một món tiền nặng; đến những bậc sĩ phu thì phần nhiều những quẩn quanh trong vòng danh lợi mà sao nhãng những việc văn chương; nghề làm sách làm báo thật không được đủ điều tiện lợi như Nam Kỳ”.

Tuy vậy, lưu ý rằng, nhận định này của Phạm Quỳnh, ở thời điểm 1918 thôi. Về sau, xuất bản Bắc và Trung Kỳ không lặng im như vậy.

Trần Đình Ba / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY