1. Olympic Munich 1972 Thế vận hội mùa hè 1972 diễn ra tại Munich (Đức) chứng kiến một trong những vụ tấn công tồi tệ nhất lịch sử thể thao thế giới. Ngày 5/9/1972, nhóm khủng bố người Palestine, “Black September” bất ngờ đột nhập vào làng Olympic, bắt cóc 11 vận động viên (VĐV) của đoàn thể thao Israel và ra yêu sách đòi thả 234 tù nhân Palestine đang bị giam giữ tại Israel. Do không được đáp ứng yêu cầu, nhóm khủng bố đoạt mạng 2 VĐV. Cuộc đọ súng sau đó tại sân bay Munich khiến 9 VĐV còn lại và 5 trong 8 phần tử khủng bố thiệt mạng. Cảnh sát nước chủ nhà sau đó phải nhận rất nhiều chỉ trích do không đảm bảo công tác an ninh ở sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. |
2. Giải marathon Boston Ngày 15/4/2013, hai quả bom phát nổ gần vạch đích tại giải marathon nổi tiếng Boston (Mỹ) khiến 3 người thiệt mạng và 282 người khác bị thương. Dựa vào camera an ninh, cảnh sát xác định kẻ tình nghi là hai anh em Tamerlan (26 tuổi) và Dzhokhar Tsarnaev (19 tuổi), di cư từ vùng Bắc Kavkaz (Nga) sang Mỹ từ năm 2002 và đều theo đạo Hồi. Sau nhiều cuộc vây ráp, truy lùng, Tamerlan bị cảnh sát bắn gục rạng sáng 19/4, trong khi Dzhohkhar cũng bị bắt vào buổi chiều cùng ngày. |
3. Bán kết Champions League 2001/2002 Ngay trước thềm trận bán kết lượt về Champions League 2001/2002 giữa Real Madrid và Barcelona, cảnh sát Tây Ban Nha kịp thời phá kíp thành công quả bom được đặt gần sân vận động Bernabeu. Một chiếc xe chở bom khác cũng phát nổ khiến 17 người bị thương. Dù đối mặt với nguy cơ khủng bố, trận siêu kinh điển vẫn diễn ra. Cảnh sát sau đó đã bắt giữ 11 người tham gia vụ tấn công này, tất cả đều thuộc nhóm ly khai xứ Basque, ETA. |
4. CAN 2010 Ngày 8/1/2010, chiếc xe bus chở đội tuyển Togo khi đang trên đường di chuyển sang Angola tham dự Vòng chung kết cúp các quốc gia châu Phi (CAN) bất ngờ bị các tay súng đội mũ che mặt tấn công. Kết quả, lái xe, trợ lý huấn luyện viên Abalo Amelete, người phụ trách truyền thông Stanislas Ocloo thiệt mạng, trong khi 9 người khác bị thương, bao gồm cả thủ môn Kodjovi Obilale và hậu vệ Serge Akakpo. Nhóm phiến quân ly khai thuộc Mặt trận giải phóng Cabinda (FLEC) được cho đứng sau vụ khủng bố trên. |
5. Olympic Atlanta 1996 Rạng sáng ngày 26/7/1996, ba quả bom tự chế được giấu trong một ba lô quân dụng phát nổ gần công viên Olympic Centennial khiến 2 người thiệt mạng và 111 nạn nhân khác bị thương. Vụ tấn công đã thực sự làm rung chuyển kỳ thế vận hội trên đất Mỹ. Phải mất tới 7 năm, cảnh sát mới tóm được thủ phạm Eric Robert Rudolph. Động cơ gây án của cựu chuyên gia chất nổ từng làm việc trong quân đội chỉ do muốn làm nước Mỹ bẽ mặt trước thế giới. Rudolph sau đó bị kết án tù chung thân. |
6. Thảm sát đội bóng Colombia Tháng 10/2009, 10 cầu thủ thuộc đội bóng nghiệp dư Los Maniceros (Colombia) bị giết gần biên giới giữa Colombia và Venezuela. Theo giới truyền thông hai nước, vụ thảm sát được thực hiện bởi nhóm chiến binh du kích người Colombia sau khi không đòi được tiền chuộc. |
7. Đội tuyển taekwondo Iraq Ngày 17/5/2006, 15 thành viên của đội tuyển quốc gia taekwondo Iraq bị bắt cóc trên đường cao tốc khi trên đường đến Jordan tham dự một giải đấu. Nhóm phần tử hồi giáo cực đoan bản địa được cho đã thực hiện vụ tấn công trên. Bất chấp những nỗ lực tìm kiếm, các nạn nhân không bao giờ được trở về đoàn tụ với gia đình. |
8. Giải marathon Sri Lanka 2008 Cuộc thi marathon mừng năm mới diễn ra ngày 6/4/2008 tại Sri Lanka bỗng chốc biến thành thảm họa tang thương khi một kẻ liều chết kích nổ quả bom y mang trong người. Vụ tấn công khiến 15 người thiệt mạng, trong đó có cả một vị bộ trưởng của Sri Lanka, và hơn 100 người khác bị thương. Tổ chức vũ trang “Những con hổ giải phóng Tamil” không lâu sau đó đã đứng ra nhận trách nhiệm. |
9. Đội tuyển Cricket Sri Lanka Một năm sau đó, thể thao Sri Lanka tiếp tục phải đón nhận thêm một tội ác kinh hoàng. Ngày 3/3/2009, chiếc xe bus chở các thành viên đội tuyển cricket nước này bị hơn chục tay súng thuộc nhóm khủng bố Lashkar-e-Jhangvi tấn công khiến 14 người thiệt mạng, trong đó có 6 thành viên đội tuyển quốc gia Sri Lanka, 6 cảnh sát Pakistan và 2 thường dân. |
10. Trận đấu cricket Pakistan - New Zealand Ngày 8/5/2002, tổng cộng 14 người, gồm: 11 chuyên gia hải quân Pháp, 2 người Pakistan và chuyên gia vật lý trị liệu của nước chủ nhà, thiệt mạng sau vụ đánh bom tự sát bên ngoài khách sạn đóng quân của đội tuyển cricket New Zealand tại thành phố Karachi (Pakistan). |