Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 thương vụ thâu tóm đình đám nhất trong lịch sử Google

Đa số những sản phẩm thiết yếu và nổi tiếng nhất của Google như Android, YouTube, Nest... đều được công ty này bỏ tiền mua về.

Google, được thành lập bởi LarryPage và SergeyBrin vào năm 1998, là một công cụ tìm kiếm được thiết kế công phu. Hiện nay, Google phát triển thành một tập đoàn đa quốc gia chuyên về Internet và các sản phẩm liên quan. Họ thâm nhập thị trường điện thoại di động, phần mềm định vị GPS,... và trở thành một trong những tập đoàn hùng mạnh có sức ảnh hưởng nhất hành tinh.

Tuy nhiên, hầu hết những sản phẩm thiết yếu với cuộc sống con người của Google không xuất phát từ chính công ty này, mà từ các đối thủ cạnh tranh. Dưới đây là 10 thương vụ thâu tóm đình đám nhất trong lịch sử phát triển của Google.

10. Where 2 Technologies

Ít người biết chính xác số tiền Google  đã bỏ ra để mua lại Where2 Technologies – một công ty cung cấp dịch vụ bản đồ số vào năm 2013. Where 2 Technologies, được thành lập bởi 2 anh em người Đan Mạch: Lars và Jens Rasmussen, chính là nền tảng để sáng tạo ra Google maps – dịch vụ được nhiều người yêu thích của Google.

Khi giao dịch hoàn tất cũng là lúc anh em nhà Rasmussen chính thức trở thành nhân viên của Google, với rất nhiều đăc quyền. Họ cùng với đội ngũ nhân viên Google trau chuốt lại dịch vụ bản đồ của mình và kết quả đạt được chính là Google Maps hiện nay.

9. Applied Semantics – 102 triệu USD

Việc thâu tóm Applied Semantics có lẽ là một trong những quyết định quan trọng nhất trong lịch sử của Google. Với 102 triệu USD – con số khủng nhất trong tất cả các thâu tóm năm 2003, Google đã mua lại Applied Semantics – tiền thân của chương trình Google AdSense (chương trình quảng cáo của Google).

Bạn có lẽ quá quen thuộc với Adwords - những dòng chữ quảng cáo hiện ra phía trên hoặc bên dưới các kết quả tìm kiếm. Adwords cùng với AdSense đã và đang đem lại doanh thu hàng tỷ USD cho Google. Mặc dù có nhiều sản phẩm khác như Google Glass, nhưng doanh thu chính của Google vẫn đến từ quảng cáo. Bởi vậy, nếu không mua lại Applied Semantics, có lẽ Google đã trở thành một công ty với diện mạo tương đối khác.

8. Wavii – 30 triệu USD

Ứng dụng đọc tin Wavii mới được Google mua lại vào tháng 4/2013. Ứng dụng này cho phép người dùng cập nhật tin tức theo chủ đề như về các đội bóng, thông tin chứng khoán, tin đồn xoay quanh cuộc sống người nổi tiếng. Ứng dụng Wavii sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiên tiến để tóm lược tin tức một cách ngắn gọn nhất theo chủ đề mà người dùng quan tâm.

Kể từ khi mua lại Wavii, Google không tiếp tục kinh doanh dịch vụ này một cách đơn lập, mà lồng ghép nó vào với các dịch vụ của mình. Dịch vụ Google Now hiện có chức năng khá giống Wavii.

7. Bump – 30 triệu USD

Bump là dịch vụ chia sẻ tệp tin, tập trung vào mảng truyền dữ liệu giữa các điện thoại di động, tuy nhiên, theo một phương thức độc nhất vô nhị. Thay vì sử dụng công nghệ NFC để tương tác giữa các thiết bị, Bump chia sẻ tệp tin qua “đám mây”. Với dịch vụ này, dữ liệu có thể được chia sẻ chỉ sau một “cú chạm”.

Cụ thể, nếu muốn chia sẻ tệp tin từ điện thoại mình với một điện thoại khác, bạn chỉ cần chọn tệp, sau đó cho 2 thiết bị chạm vào nhau, khi đó tệp tin vừa chọn sẽ được gửi lên “đám mây”. Bằng một số thuật toán và cảm biến trên smartphone, Bump sẽ phát hiện thiết bị nào vừa tiếp xúc với điện thoại của bạn, để rồi ngay lập tức gửi tệp tin đến máy đó.

Sau khi thâu tóm Bump, Google không duy trì kinh doanh dịch vụ này một cách riêng biệt mà lồng vào trong các sản phẩm của mình.

6. Waze – 966 triệu USD

Waze là dịch vụ  định vị GPS Google mua lại vào năm 2013. Được thành lập bởi các kỹ sư phần mềm người Israel vào năm 2008, Waze có cách tiếp cận độc đáo với dịch vụ bản đồ, liên kết chặt chẽ với những dữ liệu được người dùng cập nhật. Điều này đem lại cho người dùng nhiều điểm mới lạ so với phần lớn các dịch vụ khác, chẳng hạn như có thể xác định được các vị trí có ùn tắc giao thông hay chốt cảnh sát.

Google rõ ràng đã nhìn ra giá trị đích thực của dịch vụ này nên không ngần ngại bỏ gần một tỷ USD để mua lại. Mặc dù thuộc sở hữu của Google, nhưng Waze vẫn hoạt động như một dịch vụ độc lập chứ không bị lồng ghép vào trong các sản phẩm của Google.

5. Skybox Imaging – 500 triệu USD

Việc mua lại Skybox Imaging là một minh chứng khác cho khả năng nhìn xa trông rộng của Google. Skybox Imaging là công ty mới thành lập có trụ sở tại tiểu bang California, chuyên cung cấp các dịch vụ hình ảnh với độ nét cao phục vụ mục đích phân tích. Nhờ vào những máy quay phim chất lượng cao trong không gian, Skybox Imaging có thể thu lại những video HD từ bất cứ vị trí nào trên bề mặt trái đất. Một điểm đắt giá nữa là Skybox Imaging có khả năng cung cấp những phân tích về quản lý chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng giao thông. Đây là dịch vụ hứa hẹn mang lại cuộc cách mạng trong nhiều ngành công nghiệp. Google rõ ràng đã nhìn thấy tiềm năng này, nên chỉ vài tuần trước đã quyết định bỏ ra 500 triệu USD để nắm toàn quyền kiểm soát công ty này. Với nguồn vốn dồi dào từ Google, mục tiêu của Skybox dần trở thành hiện thực, hướng đến một tương lai mà ở đó ta có thể chụp ảnh HD mọi thứ trên trái đất.

4. Boston Dynamics – 500 triệu USD

Một trong những thử nghiệm robot của Boston Dynamics (nay thuộc Google)

Cũng giống như Skyboxing Imaging, việc mua lại Boston Dynamics là một minh chứng khác thể hiện bước tiến của Google hướng đến công nghệ lấy cảm hứng từ khoa học viễn tưởng. Là công ty sản xuất robot khá nổi tiếng trên mạng Internet, Boston Dynamics thường tải lên YouTube những video về mẫu robot cho cả thế giới chiêm ngưỡng.

Bạn có thể thấy thú vị, những cũng có thể cảm thấy sợ hãi. Điều đó tùy thuộc việc bạn có tin tưởng vào một tương lai mà ở đó robot đóng vai trò hết sức quan trọng hay không. Sản phẩm của công ty này bao gồm robot biết đi lại, nhảy như người, và robot có kích thước như những chú chó có thể chạy với tốc độ nhanh hơn người bình thường.

3. Nest – 3,2 tỷ USD


Nhà thông minh với bộ điều chỉnh nhiệt tự động của Nest (nay thuộc Google)

Sự kiện Google bỏ ra 3,2 tỷ USD để mua lại Nest gây chấn động thế giới công nghệ. Google nắm trong tay những thống kê về các thao tác tìm kiếm và thói quen di động của người dùng. Nhưng khi họ nghỉ ngơi thư giãn ở nhà thì sao? Nest là một công ty chú trọng vào việc kiến tạo những ngôi nhà thông minh – smart home. Họ chuyên phát minh ra những sản phẩm có thể liên kết với nhau để tạo ra ngôi nhà tự động cho tương lai.

Đến nay, Nest đã chế tạo thành công máy điều chỉnh nhiệt tự động và máy phát hiện khí CO, những sản phẩm có thể giúp phân tích thói quen của người dùng. Quan trọng hơn cả là Nest có tầm nhìn về ngôi nhà trong tương lai. Google tin tưởng vào khả năng nhìn nhận ấy, và đã quyết mua lại công ty này.

2. YouTube – 1,65 tỷ USD

Nhìn lại năm 2006, việc Google mua lại YouTube với giá 1,65 tỷ USD có lẽ là một món hời. Trong khi Facebook mất tới 17 tỷ USD để mua WhatsApp thì Google chỉ mất 1/10 số tiền ấy đã có được YouTube - kênh chia sẻ video lớn nhất hành tinh. Kể từ khi được Google mua lại, YouTube ngày càng trở nên phổ biến. Mỗi phút, tổng dung lượng những clip được đăng tải lên máy chủ YouTube là khoảng 100h.

1. Android – 50 triệu USD

Nếu việc mua lại YouTube với giá 1,65 tỷ  USD của Google được ví như một vụ trộm thì thâu tóm hệ điều hành Android chỉ với 50 triệu USD đích thực là vụ cướp giữa ban ngày. Hệ điều hành dùng cho di động này không phải do Google sáng tạo ra, mà được mua lại vào năm 2005. Khi đó, nhiều người dự đoán Google sẽ dùng Android để ra nhập ngành công nghiệp điện thoại di động.

Năm 2007, Google công khai hệ điều hành Android, và thông báo với thế giới rằng đây sẽ là một nguồn “mở”. Điều này có nghĩa là bất cứ ai cũng có quyền phát triển hoặc thay đổi mã nguồn Android mà không cần phải qua các thủ tục cầu kỳ để xin phép. Quyết định này đã làm nên cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp điện thoại di động.

Ngày nay, Android nắm giữ phần lớn thị trường hệ điều hành di động, với doanh số bán hàng vượt trội hơn cả iOS và Windows Phone cộng lại. Có đến 71% nhà sản xuất điện thoại tạo ra sản phẩm để dùng với hệ điều hành Android. Như vậy, chỉ với 50 triệu USD, Google đã thống lĩnh thị trường smartphone toàn cầu.

http://www.therichest.com/business/companies-business/googles-10-best-acquisitions/10/

Hoài Thu

The Richest

Bạn có thể quan tâm