Dưới đây là 10 vụ tấn công mạng tồi tệ nhất của các hãng nổi tiếng do trang CNN đưa ra.
1. Sony Pictures
Trường hợp của Sony Pictures có lẽ là vụ tấn công tồi tệ nhất trong lịch sử. Một nhóm tin tặc đã tiết lộ hàng loạt bản ghi nhớ với nội dung nhạy cảm, dữ liệu nhân viên và bí mật công ty của Sony Pictures. Tất cả những hành động này của nhóm hacker được cho là có liên quan tới Triều Tiên, nhằm buộc Sony dừng công chiếu bộ phim The Interview. Bộ phim của đạo diễn Seth Rogen nói về việc ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un.
Vài tháng sau vụ tấn công này, Sony Pictures vẫn chịu ảnh hưởng với các máy tính bị đánh sập và thư điện tử liên tục bị đóng băng. Mới đây, vài tuần sau vụ tấn công nghiêm trọng, đồng chủ tịch Sony Pictures Entertainment Amy Pascal tuyên bố từ chức.
2. Spamhaus
Nhóm tin tặc đã sử dụng gần 100.000 máy chủ để gửi đi 300 gigabit dữ liệu mỗi giây. Con số này lớn gấp 3 lần lượng máy chủ nhóm tin tặc của Iran sử dụng trong vụ tấn công hồi tháng 9/2012. Vụ tấn công này khiến website của các ngân hàng Mỹ không thể truy cập được trong nhiều ngày.
3. Heartland
Đây là vụ tấn công thẻ tín dụng lớn nhất trong lịch sử. 130 triệu số thẻ và thông tin tài khoản bị đánh cắp từ hệ thống thanh toán Heartland.
Là hệ thống thực hiện các giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng, Heartland trở thành đối tượng nhắm đến của giới tin tặc. Sau đó, Heartland phải trả hơn 110 triệu USD cho Visa, MasterCard, American Express và các công ty thẻ khác để xử lý những khiếu nại liên quan tới vụ tấn công.
4. Conficker
Năm 2009, sâu máy tính nguy hiểm nhất trong lịch sử đã lây nhiễm cho hàng chục triệu máy tính sử dụng hệ điều hành Windows tại hơn 200 quốc gia. Trong đó, các máy tính của chính phủ Anh bị ảnh hưởng nặng nề. Việc ngăn chặn sâu Conficker vô cùng khó khăn bởi nó có thể lây nhiễm và tự động truyền cho máy khác cùng kết nối mạng.
Conficker phá hủy máy tính bị lây nhiễm, vô hiệu hóa các dịch vụ hệ thống và phần mềm bảo vệ quan trọng, tự động tải dữ liệu và không cho người dùng truy cập vào các trang web để tải cập nhật phần mềm bảo vệ.
5. Target
Cuối năm 2013, hãng bán lẻ Target cho biết 110 triệu tài khoản của khách hàng bị tấn công, đúng với thời điểm mua sắm cao điểm cuối năm. Nhóm tin tặc đã thâm nhập vào hệ thống thanh toán của Target bằng cách ăn cắp thông tin đăng nhập từ máy tính của một công ty khi đó đang thực hiện dịch vụ sưởi ấm và điều hòa cho thương hiệu này. Tin tặc đã đánh cắp 40 triệu số thẻ tín dụng và thông tin cá nhân của 70 triệu tài khoản trực tuyến.
6. Anthem
Đầu năm 2015, một nhóm tin tặc đã ăn cắp thông tin của hàng chục triệu khách hàng của hãng bảo hiểm Anthem. Các thông tin bị ăn cắp gồm tên, ngày sinh, hồ sơ y tế, số bảo hiểm xã hội, địa chỉ nhà, địa chỉ email, thông tin việc làm bao gồm dữ liệu về thu nhập.
Số hồ sơ khách hàng bị đánh cắp của hãng bảo hiểm khổng lồ lên tới 80 triệu. CEO Joseph Swedish của Anthem cho biết thông tin cá nhân của chính ông cũng bị đánh cắp trong vụ tấn công này. Thông tin này không hề khiến ai cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
7. TJX
Năm 2005, một nhóm tin tặc đã tấn công vào hệ thống thanh toán của TJX, công ty sở hữu các hãng bán lẻ T.J. Maxx, Home Goods và Marshalls. Trong vài tháng, chúng đã ăn cắp thông tin thẻ tín dụng của 94 triệu khách hàng. Cuối cùng, tin tặc chủ mưu Albert Gonzalez trú tại Miami bị bắt và nhận mức án 20 năm tù.
8. Sony PlayStation
Mùa xuân năm 2011 là thời điểm đen tối đối với Sony khi nhiều bộ phận của công ty này bị tin tặc tấn công và ăn cắp thông tin thẻ tín dụng của 77 triệu khách hàng. Bộ phận bị thiệt hại nặng nhất là PlayStation Network.
Sony cho biết vào tháng 4/2011, hệ thống của công ty bị “thâm nhập từ bên ngoài”, ảnh hưởng tới PlayStation Network và dịch vụ Qriocity. Sony đã dừng cả hai dịch vụ này trong vài ngày để đánh giá mức độ của vụ tấn công.
9. JPMorgan Chase
Tháng 10/2014, một nhóm tin tặc đã tấn công và đánh cắp thống tin liên hệ của 76 triệu khách hàng của Chase và 7 triệu doanh nghiệp nhỏ.
Thông tin khách hàng của JPMorgan Chase gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email bị tiết lộ. Ngân hàng này cho biết tin tặc không lấy được thông tin tài khoản, gồm số tài khoản, tên đăng nhập, ngày sinh và số bảo hiểm xã hội của người dùng.
10. Experian
Công ty dịch vụ thông tin toàn cầu Experian đã vô tình để lộ thông tin cá nhân của hàng triệu người Mỹ cho một kẻ lừa đảo. Kẻ này sau đó bán lại thông tin cho các nhóm tội phạm trên toàn cầu. Những thông tin này được giới tội phạm truy cập tới 3,1 triệu lần.
Hacker người Việt Ngô Minh Hiếu giả danh là một thám tử tư tại Singapore cần thông tin cá nhân cho hoạt động điều tra để lừa truy cập vào hệ thống thông tin khổng lồ của Experian, thông qua chi nhánh Court Ventures. Các thông tin bị đánh cắp gồm tên, địa chỉ, số bảo hiểm xã hội, ngày sinh, lịch sử việc làm, số bằng lái xe, địa chỉ email và thông tin ngân hàng. Cuối tháng 10/2013, hacker này bị bắt tại Mỹ và đối mặt với mức án nhiều năm tù.
Đến nay, Experian vẫn giữ im lặng trước vụ việc, vì vậy không thể biết được chính xác bao nhiêu người đã bị ảnh hưởng do vụ tấn công. Tuy nhiên, các chuyên gia bảo mật cho rằng đây có thể là một trong những vụ tấn công mạng lớn nhất trong lịch sử.