10 thành phố bị ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới
Ahvaz (Iran) là thành phố có không khí ô nhiễm nhất thế giới, với hàm lượng bụi lên gấp gần 20 lần so với mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.
>>10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Cuối tháng 9 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố kết quả khảo sát về mức độ ô nhiễm không khí trên toàn thế giới.
Để đánh giá mức độ ô nhiễm của bầu không khí, các nhà khảo sát dựa vào hàm lượng bụi có trong không khí, gọi tắt là PM10, có nghĩa là loại bụi có kích thước nhỏ hơn 10 micromet. Đối tượng điều tra lần này là hơn 1.100 thành phố của nhiều nước trên toàn cầu. Cũng theo WHO, nếu hàm lượng bụi này vượt quá 20 microgram/m3, sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng, cụ thể là gây nên các bệnh về đường hô hấp như ung thu phổi, nhiễm trùng đường hô hấp…
Trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới này, chiếm số đông là các thành phố ở Ấn Độ, Pakistan, Iran.
10. Lahore (Pakistan) có hàm lượng bụi trong không khí là 200 microgram/m3. Đây là thành phố lớn thứ 2 ở Pakistan và là trung tâm kinh tế của nước này. Nơi đây nổi tiếng với hệ thống giao thông cả công cộng và tư nhân chạy suốt 24giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Chính lưu lượng giao thông lớn là một phần nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường ở thành phố này. |
9. Kanpur (Ấn Độ) có hàm lượng bụi trong không khí là 209 microgram/m3. Thành phố này tập trung khoảng 5 triệu dân, với ngành kinh tế chính là sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may, đồ da. Khói bụi từ các nhà máy cộng với số dân đông chính là những nguyên nhân góp phần làm ô nhiễm môi trường nơi đây. |
8. Yasouj (Iran) có hàm lượng bụi là 215 microgram/m3. Thành phố Yasouj là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất đường, điện, than, cung cấp điện cho toàn thành phố. Hiện tại, thành phố này đang tiếp tục xây dựng nhà máy lọc dầu tư nhân. Đó chính là những tác nhân dẫn tới ô nhiễm môi trường ở thành phố này. |
7. Gaborone (Botswana) có hàm lượng bụi trong không khí là 216 microgram/m3. Goborone là thủ đô, đồng thời là thành phố lớn nhất ở Botswana. Với tốc độ phát triển vào bậc nhanh nhất ở châu Phi, cộng với mùa thu khô hanh và ô nhiễm thải ra từ các phương tiện giao thông đã cũ góp phần lớn khiến Gaborone rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay. |
6. Peshawar (Pakistan) có hàm lượng bụi trong không khí là 219 microgram/m3. Nguyên nhân chính là do lượng công nhân từ các thành phố lớn đến đây làm việc ngày càng tăng, khiến tình trạng mở rộng đô thị liên tục diễn ra. |
5. Kermanshah (Iran) có hàm lượng bụi trong không khí là 229 microgram/m3. Kermanshah là thành phố nằm ở phía tây của Iran, tập trung nhiều nhà máy sản xuất và lọc dầu. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến không khí nơi đây bị ô nhiễm. |
4. Xếp đồng hạng 4 trong bảng xếp hạng của WHO là hai thành phố Ludhiana (Ấn Độ) và Quetta (Pakistan), với hàm lượng bụi trong không khí là 251 microgram/m3. Ludhiana là thành phố lớn nhất bang Punjab và là một trong những thành phố giàu nhất ở Ấn Độ. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm, bụi bẩn trong không khí là do nơi đây sản xuất tới 50% xe đạp cho cả nước, 60% các loại máy kéo cho vùng. Còn Quetta của Pakistan rất đa dạng về sinh thái nhưng lại là rốn giao thông, đặc biệt là về đường sắt và đường hàng không. |
3. Sanandaj (Iran) chứa hàm lượng bụi trong không khí là 254 microgram/m2. Đây là thành phố có rất nhiều ngành công nghiệp như sản xuất cotton, sản phẩm gỗ, thảm... Tuy bên ngoài thành phố phong cảnh núi non rất đẹp nhưng vào trong thành phố, mức độ ô nhiễm rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. |
2. Ulaan Baatar (Mông Cổ) chứa hàm lượng chất ô nhiễm trong không khí là 279 microgram/m3. Ulaan Baatar không chỉ là thủ đô mà còn là trung tâm kinh tế, trung tâm giao thông của Mông Cổ. Nguyên nhân ô nhiễm là do nơi đây tập trung rất nhiều ngành sản xuất như dệt may, xi măng, thực phẩm... |
1. Ahvaz (Iran) là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với hàm lượng bụi 372 microgram/m3, cao gấp gần 20 lần mức cho phép của WHO. Nguyên nhân chính là do đây là trung tâm dầu mỏ, rốn giao thông và trung tâm kinh tế của cả nước. Các ngành sản xuất chính ở thành phố này là lụa, đường... |
đỗ quyên
Theo Bưu Điện Việt Nam