10 tập đoàn xăng dầu lớn nhất thế giới
Không một ngành công nghiệp nào có sức ảnh hưởng lớn như xăng dầu bởi nó có thể giúp vận hành bộ máy kinh tế của cả thế giới. Dưới đây là 10 công ty xăng dầu lớn nhất thế giới tính theo sản lượng mỗi ngày.
10. Kuwait Petroleum Corp (KPC): 3,2 triệu thùng
Kuwait Petroleum Corp được British Petroleum và Chevron hợp tác thành lập vào 1934 nhưng đến năm 1975, các nhà điều hành Kuwait quyết định quốc hữu hóa công ty. KPC đã biến Kuwait trở thành một quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới. Người dân nước này hiện cũng đứng ở hàng giàu có nhất hành tinh.
Năm 1990, đất nước và công ty phải đối mặt với nhiều thử thách khi Iraq tấn công xâm lược và lực lượng quân đội của Saddam Hussein đốt cháy các mỏ dầu của Kuwait. Tuy nhiên, công ty vẫn vượt lên và phục hồi, hiện đã trở thành một trong những tập đoàn dầu mỏ lớn nhất trên thế giới.
9. Chevron: 3,5 triệu thùng
Chevron được coi là một trong 6 công ty dầu khí đại chúng siêu khủng cùng với những cái tên như Royal Dutch Shell, BP, Exxon Mobil, Total và ConocoPhillips Company. Đây là công ty đại chúng lớn thứ 3 của Mỹ và thứ 16 trên thế giới.
Hiện Chevron có mặt tại hơn 180 quốc gia trên khắp thế giới. Năm 2010, hãng này mua lại Atlas Petroleum để tiếp cận các mỏ đá phiến tại Marcellus và Utica.
8. Pemex: 3,6 triệu thùng
Pemex là công ty dầu khí của Mexico. Mặc dù mới đây phải trải qua thời kỳ suy thoái khi sản lượng tại mỏ dầu lớn nhất cả nước - Cantarell lao dốc từ mức 2 triệu thùng mỗi ngày xuống còn 600.000 thùng. Công ty đã phải làm việc gấp đôi thời gian để bù vào phần thiếu hụt đó bằng việc tăng sản xuất các mỏ dầu khác thậm chí là thám hiểm thêm mỏ mới. Công ty cũng đang tính đến giải pháp tìm kiếm sự giúp đỡ của các nhà đầu tư nước ngoài.
7. Royal Dutch Shell: 3,9 triệu thùng
Royal Dutch Shell là một công ty dầu mỏ của Anh và Hà Lan, đặt tại Hague, Hà Lan. Hiện công ty xuất hiện tại hơn 90 quốc gia trên thế giới vơi 44.000 điểm dịch vụ. Royal Dutch Shell đảm nhiệm thực hiện toàn bộ quá trình, từ thám hiểm, sản xuất, lọc dầu cho đến phân phối và quảng bá.
Công ty cũng tham gia lĩnh vực hóa dầu, thương mại và năng lượng tái tạo. Họ đang tiến hành khoan dầu tại biển Chuckchi, gần Alaska.
6. BP: 4,1 triệu thùng
Mới đầu, BP tập trung vào khu vực Trung Đông. Năm 1959, họ thực hiện chiến lược mở rộng và trở thành công ty đầu tiên phát hiện ra dầu tại biển Bắc vào năm 1965. Tuy nhiên, gần đây BP có liên quan tới một số thảm họa tràn dầu vô cùng tốn kém.
5. PetroChina: 4,4 triệu thùng
Trung Quốc có ba công ty dầu mỏ nhà nước. Trong số đó, PetroChina là lớn nhất. Công ty này cũng sở hữu mức vốn hóa thị trường cao nhất so với các gã khổng lồ khác trong ngành trên thị trường chứng khoán.
Các chuyên gia tin rằng PetroChina sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa với sự trợ giúp của chính phủ, đồng thời lượng đá phiến khủng do Trung Quốc sở hữu cũng là một động lực lớn.
4. Exxon Mobil: 5,3 triệu thùng
Exxon Mobil Corporation ra đời sau vụ sáp nhập của Exxon và Mobil năm 1999. Sở hữu 37 nhà máy lọc dầu tại 21 quốc gia, công ty đứng đầu ngành dầu mỏ thế giới về doanh thu.
3. National Iranian Oil Co: 6,4 triệu USD
National Iranian Oil Co thuộc quyền sở hữu của chính phủ Iran và được thành lập vào năm 1948. Nhiệm vụ của công ty là thám hiểm, chiết xuất, vận chuyển và xuất khẩu dầu thô cho đất nước. Hãng cũng bán khí đốt tự nhiên và khí đốt hóa lỏng.
2. Gazprom - 9,7 triệu thùng
Gazprom có trụ sở tại Nga là cũng là nhà sản xuất khí gas tự nhiên lớn nhất trên thế giới. Nó cũng là hãng độc quyền phân phối khí đốt tại châu Âu. Điều này biến nước Nga trở thành người chơi đầy quyền lực trong khu vực. Chính phủ nắm giữ quyền kiểm soát chủ yếu công ty.
1. Saudi Aramco: 12,5 triệu thùng
Saudi Aramco có trụ sở tại Ả Rập Xê Út và là công ty “khỏe” nhất thế giới. Mỏ dầu lớn nhất của họ, Ghawar có thể sản xuất 5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Công ty được biết đến với thành tích tạo ra khoản lợi nhuận hơn 1 tỷ USD mỗi ngày.
Theo Vietnamnet