Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 quyết định tệ hại nhất trong lịch sử kinh doanh

Đánh giá thiếu chính xác, thiếu tầm nhìn khiến nhiều công ty như Motorola, Western Union, 20th Century Fox... đưa ra những quyết định sai lầm tệ hại nhất trong giới kinh doanh.

1. Hãng điện thoại Motorola

Motorola đã từng thống lĩnh thị trường điện thoại di động trước khi những chiếc smartphone trở nên phổ biến. Tuy nhiên, do sự chậm chễ trong việc gia nhập thị trường điện thoại thông minh, Motorola đã để iPhone và BlackBerry lấy đi ngôi vị này.

Motorola chú trọng vào những yếu tố như kiểu dáng chiếc điện thoại hơn là trải nghiệm của khách hàng. Doanh thu trong thời hoàng kim của hãng này lên đến 43,7 tỷ USD. Khi dòng máy Razr thời trang và kiểu cách của hãng còn thống lĩnh thị trường, Motorola nắm khoảng 22% thị phần trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do thiếu sáng kiến nên công ty này phải gánh chịu nhiều tổn thất. Cổ phiếu giảm tới 90%, từ 107 USD xuống còn 13 USD/cổ phiếu tính từ tháng 10/2006 đến tháng 3/2009.

Công cụ tìm kiếm khổng lồ Google, ông chủ hiện tại của Motorola, đang tìm cách vực dậy hãng điện thoại này.

2. Quaker Oats mua lại Snapple

Quyết định mua lại thương hiệu Snapple của công ty thực phẩm Quaker Oats rõ ràng là  một thảm họa. Bởi hãng nước ngọt này gần như ở trong trạng thái “ rơi tự do”kể từ khi được mua lại bởi Quaker Oats với giá 1,7 tỷ USD, nhiều hơn giá trị thực của Snapple khoảng 1 tỷ USD.

Quaker gần như ngay lập tức “hủy hoại” thương hiệu nước ngọt này. Nhận thấy các nhà phân phối nước ngọt của Snapple thu lợi nhuận 33%, cao gấp đôi mức bình thường, Quaker nhanh chóng tìm cách chấm dứt những hợp đồng phân phối lớn. Trong số đó, nhiều hợp đồng là vô thời hạn. Quaker hướng sự chú ý của các nhà phân phối vào sản phẩm khác là Gatorade (sản phẩm đang được ưa chuộng tại thời điểm đó của Snapple, khiến Quaker quyết định mua lại hãng này). Theo đó, các nhà phân phối sẽ buộc phải kinh doanh nước uống thể thao Gatorate trong siêu thị và các chuỗi cửa hàng. Đây là những địa điểm mà giới chuyên gia phân tích sau này cho là không phù hợp, bởi Gatorade trước đó thường được bán ở các trạm xăng và cửa hàng nhỏ.

Thêm vào đó, Quaker còn sa thải tất cả nhân viên còn sót lại của Snapple. Các nhà tài trợ cũng dần rút lui, quảng cáo thì kém hiệu quả. Đến năm 1996, việc phát miễn phí nước ngọt Snapple trên khắp các nẻo đường cũng không làm kinh doanh khấm khá hơn. Tình hình tồi tệ khiến Quaker phải “giương cờ trắng” và bán lại Snapple cho Triarc với 300 triệu USD, bằng 1/5 giá hãng này phải trả để mua lại Snapple 28 tháng trước đó.

3. Western Union: Chúng tôi không cần điện thoại

Vào năm 1877, Alexander Graham Bell đề nghị chuyển nhượng bằng sáng chế điện thoại cho tập đoàn tài chính Western Union với giá 100.000 USD. Tuy nhiên, chủ tịch William Orten của tập đoàn lúc bấy giờ đã từ chối. Ông cho rằng, việc sở hữu độc quyền máy điện tín đã là quá đủ. Trong một bức thư gửi Bell, ông viết rằng thứ “đồ chơi điện” ấy dường như chẳng có tí giá trị nào với tập đoàn tài chính của ông. Việc William từ chối một phát minh tuyệt vời của nhân loại hẳn là không thể tệ hại hơn.

4. Công thức mới của Coca Cola

Để kỷ niệm ngày thành lập thương hiệu năm 1985, Coca Cola cho ra mắt sản phẩm mới New Coke với một chút thay đổi trong hương vị, nhưng phần lớn công thức vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, quyết định này không được báo trước với khách hàng và kết quả là doanh thu của hãng giảm 20%. Điều này khiến công ty không khỏi ngỡ ngàng và nhanh chóng quay lại với công thức Coke trước đây.

5. Fox chỉ quan tâm lợi nhuận trước mắt, không cần biết tương lai ra sao

Một điều chắc chắn là đến thời điểm này, các thành viên hội đồng quản trị hãng phim 20th Century Fox vẫn chưa thể yên giấc hằng đêm. Khi đạo diễn George Lucas quyết định sẽ trả 20.000 USD (một phần trong khoản tiền mà ông được nhận khi làm phim Cuộc chiến giữa các vì sao) để có được đặc quyền kinh doanh bộ phim này, Fox đã ngay lập tức đồng ý. Kể từ đó, Fox thu về hơn 4 tỷ USD nhờ kinh doanh DVD và băng VHS, trong khi đó George Lucas thu về 12 tỷ USD. Rõ ràng quyết định vội vàng của Fox trước lời đề nghị 20.000 USD từ đạo diễn Star Wars khiến Fox chịu nhiều tổn thất.

6. Hãng Decca Record

Trước khi The Beatles trở thành ban nhạc của mọi thời đại, họ đã từng bị từ chối rất nhiều lần. Trong một dịp biểu diễn thử cho hãng Decca Records, The Beatles đã khá thất vọng khi nhận được những phản hồi từ hãng này. Giám đốc phụ trách tìm kiếm tài năng của Decca nói với nhóm trưởng ban nhạc rằng, ông ta không có hứng thú với giọng ca của các chàng trai trong nhóm, thêm nữa là cái thời mà các nhóm nhạc nam biểu diễn với đàn ghi ta đã qua lâu rồi. Nhưng, điều xảy ra sau đó đã làm nên lịch sử, ban nhạc bán được hơn 2 tỷ album trên toàn thế giới và vẫn duy trì phong độ cho đến tận ngày nay.

7. Kodak

Liệu có nơi nào trên trái đất mà các bạn thanh thiếu niên nằng nặc đòi bố mẹ mình mua cho một chiếc smartphone của Kodak thay vì iPhone? Viễn cảnh nói trên cũng có thể xảy ra nếu như Kodak có tầm nhìn hơn chút nữa, đưa ra được những sáng kiến khi còn đang dẫn đầu về công nghệ chụp ảnh kỹ thuật số.

Từ những năm 1975, Kodak được biết đến là công ty đầu tiên nhận bằng sáng chế về lĩnh vực này. Tuy nhiên với tư tưởng “bước tiến vững nhất là không tiến bước nào”, Kodak đã “giậm chân cố thủ” cho đến khi nhận ra thì đã quá muộn. Công ty này chính thức phá sản tháng 1/2012.

8. Chúng tôi không đời nào mua Google với giá 750.000 USD

Năm 1999, công ty Excite đã bỏ qua cơ hội mua lại Google với giá 750.000 USD. Nhà sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin đã có lần đề cập về việc nhượng lại công ty cho Excite với giá 1 triệu USD. Thật may mắn cho họ khi CEO George bell của Excite từ chối lời đề nghị và cương quyết không mua kể cả khi giá là 750.000 USD. Google, công cụ tìm kiếm khổng lồ mà một thời bị cho là 750.000 USD cũng không đáng, hiện nay trị giá khoảng 170 tỷ USD.

9. Blockbluster từ chối thương vụ 50 triệu USD với Netflix

Năm 2000, nhà đồng sáng lập Netflix (công ty cung cấp dịch vụ truyền hình qua Internet) Reed Hastings đã đề nghị công ty giải trí Blockbluster quảng bá cho Netflix tại các cửa hàng của họ, đổi lại, Netflix sẽ giúp Blockbluster bán hàng trực tuyến. Các giám đốc điều hành của Blockbluster chẳng cần suy nghĩ gì nhiều đã từ chối lời đề nghị này.

Bỏ lỡ mối làm ăn béo bở với Netflix, Blockbluster phải tuyên bố phá sản vào năm 2010. Các nhà điều hành chắc chắn không thể lường trước được rằng quyết định sai lầm ngày nào cắn họ một phát đau như vậy.

10 Ross Perrot từ chối Microsoft

Năm 1979, khi Bill Gates trở thành tỷ phú khi mới 23 tuổi, Ross Perrot đã từ chối lời đề nghị mua lại Microsoft với giá 40 triệu USD. Vì ông cho rằng 40 triệu là cái giá quá đắt, đặc biệt là với một công ty còn chưa đạt được đến đỉnh điểm của sự phát triển như Microsoft. Theo tạp chí Forbes, giá thị trường của Microsoft hiện tại là 343 tỷ USD.

Doanh nhân Henry Ross Perot nổi tiếng từng là ứng viên tổng thống Mỹ năm 1992 và 1996. Năm 1962, Perot thành lập công ty Electronic Data Systems và bán cho General Motors vào năm 1984. Ông thành lập Perot Systems năm 1988.

http://www.oddee.com/item_98994.aspx

Hoài Thu

Oddee

Bạn có thể quan tâm