Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

10 phóng sự ảnh nổi bật trên Zing năm 2021

Lễ tang lặng lẽ trong đêm, đón Quốc khánh đặc biệt tại nhà, phận người trong đại dịch Covid-19... là những phóng sự ảnh ấn tượng, được độc giả đánh giá cao năm 2021.

10 PHÓNG SỰ ẢNH ẤN TƯỢNG TRÊN ZING NĂM 2021

Lễ tang lặng lẽ trong đêm, đón Quốc khánh đặc biệt tại nhà, phận người trong đại dịch Covid-19... là những phóng sự ảnh ấn tượng, được độc giả đánh giá cao năm 2021.

Như thường lệ vào dịp cuối năm, Zing chọn ra 10 trong số gần 70 bài Lens để giới thiệu với độc giả sơ lược chuyện hậu trường tác nghiệp. Ở bất cứ phóng sự ảnh nào, phóng viên Zing đều phải đeo bám, có khi rất dài ngày, sự việc hoặc nhân vật để mang đến hình ảnh đặc sắc, câu chuyện chân thực nhất.

Những lễ tang lặng lẽ giữa dịch Covid-19 ở TP.HCM

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 1

Duy Hiệu là một trong những tay máy trẻ triển vọng trong lĩnh vực ảnh báo chí. Năm 2021, anh có khoảng thời gian dài tác nghiệp cùng các y, bác sĩ trong bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng Covid-19.

Cảm giác đáng sợ nhất không phải nhìn thấy người chết vì Covid-19 mà là chứng kiến giọt nước mắt của những người ở lại. Lễ tang bệnh nhân qua đời vì Covid-19 là phóng sự mà tôi bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều. Hiện, khi TP.HCM đã trở lại nhịp sống bình thường, tôi vẫn cảm nhận đâu đó trong những ngõ hẻm, nhiều cuộc chia lìa vẫn diễn ra hàng ngày.

Cuối tháng 8/2021, giai đoạn đỉnh điểm dịch Covid-19 tại TP.HCM, tôi dành khoảng một tuần theo chân đội mai táng thiện nguyện, họ chạy khắp thành phố. Đó cũng là thời điểm nhiều địa phương trên cả nước bước vào giai đoạn chống dịch khốc liệt nhất. Bản thân biết phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng tôi tự dặn mình vẫn phải ghi lại những khoảnh khắc này để truyền tải tới độc giả.

Mỗi ngày tôi đến 3-5 gia đình có người mất vì Covid-19 ở TP.HCM. Tôi sợ khi lần đầu tiên nhìn thấy thi thể người chết, sợ phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 và có cả nỗi sợ bản năng về tâm linh khi thấy người đã khuất.

Vài ngày đầu, tôi không chụp gì nhiều, tôi chỉ cố gắng cân bằng cảm xúc với những gì mình phải chứng kiến. Một phần vì không dám lại gần thi thể người chết, một phần vì không đủ can đảm để hướng ống kính vào những người đang khóc ngất trong nỗi đau mất người thân. Tiếng loạc xoạc của bao đựng thi thể cho đến giờ này vẫn ám ảnh tôi.

Những ngày sau, mọi thứ nhẹ nhàng hơn, tôi như một người thân đến viếng người mất, chia sẻ và động viên họ. Tôi đứng một góc quan sát, lặng lẽ chụp lại gương mặt, cử chỉ vĩnh biệt của người thân dành cho người đã khuất. Lúc này, tôi không còn nặng nề cảm xúc nữa. Hình ảnh, câu chuyện tự nhiên cứ chảy vào đầu và tôi bắt đầu nhớ lại và viết, viết rồi ghi nhận...

Có đồng nghiệp đã nói với tôi rằng, suốt quãng đời làm báo của tôi thì đây là những ký ức đau thương đáng quên nhưng tôi chắc là sẽ nhớ mãi. (Duy Hiệu).

NHỮNG TANG LỄ LẶNG LẼ GIỮA DỊCH COVID-19

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 2
chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 7

Bắt cá, cào ốc ở rừng ngập mặn giữa Phan Thiết

Một mình lần mò trong khu rừng ngập mặn không một bóng người là cảm giác vừa sợ và thích thú trong những ngày thực hiện đề tài về khu rừng ngập mặn giữa lòng TP Phan Thiết.

Khi làm phóng sự này tôi cảm thấy mình như một “nhà thám hiểm”. Thông tin về khu rừng khá ít, do vậy muốn biết có gì bên trong hay không thì tôi phải tự trải nghiệm. Tôi tìm cách chụp hình toàn cảnh từ trên cao, đồng thời quan sát lối vào rừng. Để vào được khu nước ngập bên trong, tôi buộc phải đi thuyền thúng xuôi theo những con kênh với chiều rộng chỉ khoảng 1 m.

Đây cũng là lần tiên tôi trải nghiệm cảm giác ngồi im hàng giờ đồng hồ chờ những chú chim đậu xuống để chụp. Ngoài ra, trong một lần lội kênh chụp ảnh người cào ốc đinh, do cố hạ máy sát mặt nước để lấy góc ấn tượng tôi bị rơi, hỏng ống kính.

Cái khó khác khi thực hiện phóng sự là không ai sinh sống bên trong khu rừng. Tôi phải tìm những nhân vật hàng ngày ra vào thả lưới bắt cá, ốc, có như vậy câu chuyện mới trở nên sinh động. Tôi “phục kích” ngoài bìa rừng để chờ ai đó. Vào ngày chờ thứ ba, tôi thật sự vui mừng khi bắt gặp ông Trần Văn Phương đang chèo thuyền thúng, thả lưới ở một con kênh bao quanh.

Tối đó, tôi và ông Phương chờ nước lên để vào rừng. Khoảng 1h, cả hai xuất phát, ngồi trên chiếc thuyền thúng tròng trành, chầm chậm đi vào bên trong khu rừng tối mịt. Ông Phương trong bộ quần áo mưa, vừa để tránh rét vừa để tránh muỗi, còn tôi bị muỗi đốt đỏ hai bắp chân dù đã có nhang muỗi đốt nghi ngút. (Duy Hiệu).

BẮT CÁ, CÀO ỐC Ở RỪNG NGẬP MẶN GIỮA TP PHAN THIẾT

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 8
chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 11

Cô gái 25 tuổi trở thành lính mũ nồi xanh tại Nam Sudan

Thực hiện phóng sự ảnh về lực lượng quân y mũ nồi xanh là dự định được tôi ấp ủ gần 2 năm qua. Trước đây, tôi rất ấn tượng với hình ảnh lực lượng gìn giữ hòa bình trên một số trang báo quốc tế và cả... trên phim ảnh.

Tôi cùng đồng nghiệp liên hệ từ 2 tháng trước ngày Bệnh viện dã chiến 2.3 xuất quân để có thể kể lại hành trình đặc biệt này một cách thật chi tiết.

Tình cờ gặp Lê Na trong buổi tiêm vaccine Covid-19. Cô gái siêu “ngầu” trong bộ quân phục rằn ri của lực lượng gìn giữ hòa bình nhưng khuôn mặt lại trẻ măng, có phần ngây thơ. Lúc đó cô là em út của cả đoàn công tác.

Do cùng lứa tuổi với Lê Na nên chúng tôi chụp hình và tâm sự với nhau khá thoải mái. Dõi theo một tháng trước ngày đi của cô, chúng tôi thấy rõ sự thay đổi trong cảm xúc của cô gái. Lúc đầu là một sự quyết tâm những ngày luyện tập, háo hức khi chuẩn bị đồ đạc và cuối cùng là bịn rịn, xúc động ngày xuất quân. Tôi nhớ rõ ánh mắt của Lê Na khi dáo dác tìm ba mẹ giữa phi trường.

Chúng tôi cũng có một cuộc hẹn với Lê Na, đó sẽ là ngày cô bước xuống máy bay, trở về từ Nam Sudan sau khi hoàn thành nhiệm vụ. (Duy Hiệu).

CÔ GÁI 25 TUỔI TRỞ THÀNH LÍNH MŨ NỒI XANH TẠI NAM SUDAN

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 12

Hướng dẫn viên du lịch về chăn vịt, bán bún riêu cua

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 17

Thạch Thảo là một trong số ít tay máy nữ lăn lộn với các vấn đề thời sự nóng hổi, đeo bám nhân vật dài ngày. Năm 2021, Thảo có thời gian dài sống ở tâm dịch Covid-19 ở Hải Dương, Bắc Ninh.

Đây là đề tài tôi nhận được từ sự sắp xếp từ "sếp" của mình. Thời điểm này, Hà Nội bước vào đợt dịch căng thẳng. Chỉ ít ngày sau khi tôi hoàn thành, thành phố thực hiện khoanh vùng và giãn cách theo Chỉ thị 16.

Cả 3 nhân vật trong bài đều là nam giới, tôi nghĩ sẽ gặp khó một chút trong việc để họ bộc bạch được những cảm xúc. Vậy nên tôi chọn cách chụp ít một để dễ “thân” với nhân vật hơn, dành thời gian để trò chuyện cùng họ. Mất khoảng gần một tuần, ngày nào tôi cũng đi lại trong khoảng 30-40 km vì các hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp đều ở vùng ven Hà Nội.

Một buổi chiều, tôi theo chân anh Vũ đến nơi làm thêm. Công việc giúp anh kiếm sống trong thời điểm khó khăn này là bốc dỡ hàng hóa. Anh Vũ cũng kể, nhiều người hỏi anh với kinh nghiệm và vốn ngoại ngữ phong phú, tại sao anh lại chọn công việc vất vả này. Anh nói: “Với anh thì thời buổi này việc nào cũng quý”. Câu nói ấy giống hệt với những chia sẻ của anh Phan Sơn - một nhân vật trong bài nói với tôi.

Thông thường, với đề tài tiếp cận đến câu chuyện nhân vật, tôi không quá ép mình để đem về những bức ảnh đặc sắc. Thay vào đó tôi đề cao câu chuyện của họ hơn. Và điều tôi có được sau bộ ảnh này là việc được nghe chia sẻ của từng nhân vật. Câu chuyện của họ khác nhau, góc nhìn cũng khác nhau, nhưng sau cùng đều là quan điểm tích cực về một ngày khi dịch bệnh qua đi, họ sẽ quay lại với nghề. (Thạch Thảo).

HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH VỀ CHĂN VỊT, BÁN BÚN RIÊU CUA

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 18

Những người hùng 'dép tổ ong' ở tâm dịch Bắc Ninh

Tôi thực hiện chuyến công tác tại Bắc Ninh trong những ngày tỉnh này và Bắc Giang trở thành một trong hai tâm dịch lớn nhất cả nước hồi tháng 6/2021. Những ngày hè nắng gắt, rất nhiều nhân viên y tế mất nước, kiệt sức trong bộ đồ bảo hộ mà tôi từng được xem trên mạng xã hội.

Tôi liên lạc và tìm đến trạm y tế của phường Khắc Niệm - điểm nóng nhất của tâm dịch Bắc Ninh lúc đó. Hình ảnh đầu tiên tôi chụp là lúc nhìn thấy các nhân viên y tế của trạm trực ăn mì tôm. Họ chỉ ăn mì gói sau gần 24 giờ làm việc liên tục. Khi ấy tôi bàng hoàng, trong đầu chỉ nghĩ được “kể, nhất định mình phải kể lại những vất vả này”. Bữa ăn đó trở thành đoạn mở đầu trong tác phẩm của tôi.

Liên tiếp những ngày sau, tôi theo chân họ vừa đi lấy mẫu, đón F0 rồi lại ngồi tại trạm để gọi điện truy vết. Cũng bịt kín trong bộ đồ bảo hộ, cũng đứng cùng họ dưới trời nắng nóng đỉnh điểm. Có những lúc mồ hôi túa nhòe cả mắt, đuối sức, tôi ngồi bệt xuống đất. Lúc nghỉ, mở thùng nước người dân gửi tặng, một nhân viên y tế lấy ra túi mía đá lạnh, nhường cho tôi đầu tiên. Khi ấy chị vừa cởi bỏ bảo hộ, trán vẫn in vệt hằn và mái tóc thì ướt nhẹp mồ hôi. Đêm đó tôi biên tập bài đến 3h rồi mới đi ngủ.

Không nhiều phóng viên các báo khác vào sâu trong tâm dịch, tôi vẫn phải đảm bảo cả về tốc độ và chất lượng cho sản phẩm của mình. Một đồng nghiệp ở tòa soạn từng hỏi tôi “Sao em có thể viết và dựng một bài Lens này nhanh thế?”. Bởi vì đó là những điều tôi chứng kiến, cảm nhận và trân trọng. Tôi chỉ đơn thuần kể lại cảm xúc nên câu chữ tự ùa ra. (Thạch Thảo).

ĐỘI QUÂN DÉP TỔ ONG VÀ TÚI NYLON GIỮA TÂM DỊCH BẮC NINH

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 21

Đón Quốc khánh đặc biệt

Dịp Quốc khánh như mọi năm, các khu vui chơi mua sắm đều đông đúc, có gia đình còn làm cơm tụ họp đầm ấm nhưng năm nay, Hà Nội khác hẳn. Đường phố chằng chéo rào chắn, dây chăng, vắng vẻ vì dịch Covid-19.

Tôi đã tính từ bỏ đề tài vì nghĩ không có gì nhiều để thực hiện nhưng rồi nghĩ lại, có lẽ đây lại là một dịp Quốc khánh đặc biệt, để lại nhiều suy tư trong lòng mỗi người. Vậy là tôi lên ý tưởng việc chụp về ngày 2/9 của một gia đình. Thoạt đầu tôi lo lắng vì trong tình hình dịch bệnh, do yếu tố an toàn nên sẽ khó để tìm kiếm nhân vật, đặc biệt là vào nhà của họ.

Tôi đến anh Hiếu, chị Nga sau lời đồng ý qua điện thoại. Tôi cũng lo rằng mọi người sẽ rụt rè và “ngại” máy ảnh. Thế nhưng Dế - cậu con út trong nhà đã phá vỡ lo lắng của tôi với nụ cười và câu chào đầu tiên: “Con chào cô, con đợi cô từ sáng để được cô chụp cho nhiều ảnh đẹp”. Rất nhanh sau đó, tôi hòa chung với trò chơi của đám trẻ và những sinh hoạt trong một ngày của gia đình. Khi nhân vật không còn “đề phòng” với chiếc máy ảnh và sự xuất hiện của phóng viên thì việc tác nghiệp lại trở nên rất dễ dàng và nhanh chóng.

Ngoài phần nội dung về nhân vật, tôi bổ sung thêm các hình ảnh về Hà Nội trong những ngày giãn cách. Khi cần đến ảnh tư liệu như vậy, tôi thường không suy tính quá nhiều về việc sẽ chụp gì. Tôi chọn đeo tai nghe nhạc, rong ruổi quanh vài con phố để thả lỏng quan sát và chụp. Bài của tôi còn có anh Việt Linh cùng tham gia thực hiện. (Thạch Thảo).

ĐÓN QUỐC KHÁNH ĐẶC BIỆT

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 26

Sự khác biệt giữa tàu điện, xe buýt trên cung đường nối quận Hà Đông

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 31

Việt Linh là một trong những tay máy triển vọng. Anh tác nghiệp ở nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao và kinh tế và đoạt nhiều giải thưởng về ảnh báo chí.

Đề tài này là sản phẩm tôi kết hợp với các đồng nghiệp trong báo. Cá nhân tôi thấy đây là một đề tài có cái nhìn rất bao quát. Ngay từ lúc nhận "nhiệm vụ", chúng tôi đã bàn bạc và được phân công rõ ràng để đẩy nhanh tốc độ tác nghiệp.

Phóng sự thực hiện theo luồng đề tài sự kiện tàu điện Cát Linh - Hà Đông vận hành. Nhờ cái duyên đeo bám nhân vật, tôi được phân công tìm người để theo chân ghi nhận thực tế. Lúc đầu tôi nghĩ mọi người thường đi từ Hà Đông về nội thành làm việc nhưng nhân vật của tôi lại đi ngược lại. Sau một hồi suy nghĩ, tôi vẫn quyết định theo chân cô gái ấy, nhưng để hợp lý và phản ánh khách quan hơn, tôi đi vài vòng. Gần hết quãng đường tôi mới biết nữ nhân viên này không sử dụng phương tiện cá nhân và suốt gần chục năm sinh sống ở Hà Nội, cô đã gắn bó với cả 3 loại phương tiện mà chúng tôi so sánh trong bài là xe buýt thường, buýt BRT và tàu điện.

Ngoài ghi nhận về tàu điện, tôi còn chụp ảnh thêm về tuyến buýt nhanh. Đi dọc trục BRT hai lần vào giờ cao điểm vẫn chưa đạt kết quả như ý. Buổi tối hôm trước tôi chụp bức ảnh nhà chờ vắng khách nhưng do trời tối không thể hiện được rõ. Với những phần ảnh không thiên về cảm xúc nhân vật, tôi thường có xu hướng cầu toàn. Sáng hôm sau tôi tiếp tục quay lại chụp nhưng không phải giờ cao điểm nên về nhà rồi lại cảm thấy chưa đủ và vòng ra thêm lần nữa.

Mục đích chính là làm sao nêu bật được sự khác biệt của tình hình giao thông ở lộ trình từ điểm nóng kẹt xe Ngã Tư Sở, Nguyễn Trãi tới quận Hà Đông và ngược lại, làm sao để thấy sự đối lập hoặc tương đồng giữa ba loại hình phương tiện vận tải công cộng của Hà Nội khi tàu điện "ra đời". Tuy đã làm rất kỹ nhưng tôi vẫn thấy lấn cấn điều gì đó, một cảm giác chưa được mãn nguyện. (Thạch Thảo).

Là phóng viên chủ yếu tác nghiệp trong lĩnh vực thời sự, tôi đã có nhiều năm chụp ảnh dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ những ngày đầu tiên khi các mố cầu được xây dựng, công tác lao dầm qua ngã 4 Thanh Xuân, sông Tô Lịch, những đoàn tàu đầu tiên được vận chuyển về Hà Nội…

Ngày đoàn tàu điện trên cao chính thức lăn bánh, tôi có mặt từ rất sớm để theo dõi sự kiện, ghi nhận công tác vận hành, cảm xúc của người dân. Đối với cá nhân tôi, sự kiện này đánh dấu sự kết thúc một chương cũ kéo dài 10 năm đằng đẵng của dự án giao thông quan trọng mà cũng mang nhiều tai tiếng và mở ra chương mới cho bộ mặt giao thông công cộng của thủ đô. (Việt Linh).

KHÁC BIỆT CỦA TÀU ĐIỆN, XE BUÝT TRÊN CUNG ĐƯỜNG NỐI QUẬN HÀ ĐÔNG

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 32

Sản phụ thở oxy trên bàn sinh mổ

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 37

Phạm Ngôn đảm nhiệm việc phát triển đề tài tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Anh cùng các đồng nghiệp tại Zing đoạt giải Báo chí Quốc gia năm 2020 với đề tài về chống dịch Covid-19.

Cao điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM, mỗi ngày Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận hàng chục có khi lên đến hàng trăm ca sản phụ F0. Tôi được phân công vào bệnh viện ghi nhận câu chuyện đời sống, quá trình vượt cạn đón con chào đời của những bà mẹ không may mắc Covid-19.

Sau nhiều lần liên hệ, cuối cùng tôi được đồng ý vào khu vực phòng sinh nở tác nghiệp. Để đảm bảo an toàn, tôi phải tuân thủ việc dùng đồ bảo hộ cấp 4 (loại dành cho bác sĩ điều trị F0). Trong quá trình chụp ảnh, tôi được yêu cầu không dùng đèn flash và hạn chế tối thiểu tiếng ồn dù là tiếng màn trập máy ảnh.

Sau hơn một giờ ở trong phòng sinh mổ, lớp kín bảo hộ của tôi bắt đầu mù hơi nước. Lúc này tôi không thể nhìn vào kính ngắm hay màn hình máy ảnh mà chụp ảnh theo dạng “hình dung” bố cục, “phán đoán” khoảnh khắc theo kinh nghiệm cá nhân.

Vài giờ sau, mọi thứ khó khăn hơn. Ngoài hạn chế tầm nhìn, tôi bắt đầu cảm thấy sức nóng từ bộ trang phục bảo hộ. Nhiều thời điểm, mồ hôi chảy ra thành dòng.

Phòng sinh mổ có nhiều sản phụ F0 suy hô hấp. Họ được nhân viên y tế tiếp oxy bằng hệ thống chuyên dụng. Vừa tác nghiệp, tim tôi vừa đập thình thịch, mong cho ca mổ sớm thành công. Thật may là tất cả ca mổ hôm đó đều như ý. Sản phụ được hồi sức tích cực, không có tình huống xấu. Tình trạng sức khỏe trẻ sơ sinh khá bình thường.

Giờ phút căng thẳng trôi qua, các sản phụ F0 dần tỉnh lại. Họ được nhìn thấy con một lần trong điều kiện che chắn để hạn chế đường lây nhiễm của Covid-19. Nhiều người trong số họ đã mỉm cười khi con trẻ khóc thét thể hiện sự an toàn, khỏe mạnh.

Cũng trong lúc tác nghiệp trong phòng sinh, tôi gặp đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng một vài cộng sự. Đó là thời điểm nước rút để các anh hoàn thành bộ phim tài liệu “Ranh giới” nói về sự khốc liệt trong cuộc chiến chống Covid-19 của sản phụ F0. (Phạm Ngôn).

SẢN PHỤ THỞ OXY TRÊN BÀN SINH MỔ

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 38

Cuộc di dời của những lao động nghèo ở TP.HCM

Chuỗi thời gian tác nghiệp tại Khách sạn công đoàn Thanh Đa, tôi nhớ có ngày ngành y tế ghi nhận 5 ca mắc Covid-19, một con số đáng lo ngại, chứng tỏ dịch bệnh diễn biến khó lường ở bất cứ ngõ ngách hay ngôi nhà nào. Đó cũng là ngày thứ 3 liên tiếp tôi loanh quanh chốn này. Rất có thể mình đã nhiễm...

Ngay lập tức tôi liên hệ với ban quản lý khu ở để kiểm tra liệu những F0 đó có phải là nhân vật tôi từng phỏng vấn và chụp ảnh. Thật may là không. Dù vậy, khả năng lây nhiễm chéo tại nơi ở này là khá cao vì không gian sống không quá rộng.

Ngày thứ tư, tôi thấy bài vẫn chưa vừa ý và quyết định trở lại đây thêm một lần nữa.

Mọi người thường hỏi vì sao nhiều ngày tiếp xúc với nơi nguy cơ lây nhiễm cao mà sao tôi vẫn an toàn. Thực ra, giống như lực lượng y bác sĩ nơi tuyến đầu, phóng viên chúng tôi khi đi tác nghiệp trong hoàn cảnh nào vẫn phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Lần này ngoài dùng trang phục bảo hộ, tôi có đeo thêm kính chắn giọt bắn để hạn chế tiếp xúc với mọi người lúc phỏng vấn. Ra về, tôi cởi bỏ trang phục bảo hộ theo đúng quy trình để mặt ngoài của đồ bảo hộ không tiếp xúc với mình.

Chiếc máy ảnh của tôi cũng được xịt khử khuẩn nhiều lần trước khi ra về. Vậy là để hoàn thành bài này, tôi đã đến Khách sạn công đoàn Thanh Đa 4 ngày liên tục. Mỗi ngày như vậy tôi thường ở đến tối muộn. Vừa chụp ảnh, vừa viết không hề đơn giản, được khoảnh khắc có thể phải bỏ qua nhiều câu chuyện hay của nhân vật khác. Và ngược lại, khi mải mê phỏng vấn, tiếp xúc, nói chuyện tôi có thể bỏ lỡ những shot hình "độc" diễn ra xung quanh. (Phạm Ngôn).

CUỘC DI DỜI CỦA NHỮNG LAO ĐỘNG NGHÈO

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 47

Một Việt Hương khác biệt trong những ngày dịch Covid-19

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 48

Phương Lâm - trái với vẻ bề ngoài, nữ phóng viên ảnh này không ngại khó, sẵn sàng dấn thân ở nhiều môi trường khác nhau. Hiện, cô đảm nhiệm lĩnh vực ảnh về đời sống, văn hóa, giải trí.

Thay vì khoác lên mình bộ cánh lộng lẫy trên sân khấu hàng nghìn khán giả, thời gian qua nhiều nghệ sĩ tại TP.HCM mặc đồ bảo hộ, chung tay góp sức cùng thành phố chống dịch Covid-19.

Được phân công đảm nhiệm mảng ảnh giải trí, những ngày dịch Covid-19 hoành hành TP.HCM, tôi đã ghi nhận nhiều hình ảnh hoa hậu, ca sĩ, diễn viên đi chợ hộ dân, hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng, nấu bếp ăn từ thiện, biểu diễn ca nhạc tại khu cách ly…

Riêng hành trình theo chân nghệ sĩ Việt Hương, tôi may mắn được chị đồng ý. Đây cũng là phóng sự có quá trình tác nghiệp để lại trong tôi nhiều ám ảnh nhất, kể cả hiện tại.

Tôi hẹn nữ danh hài vào ngày chị mua chiếc xe thứ 3 để tặng nhóm mai táng 0 đồng. Vừa tới nơi, tôi liền phải chứng kiến cảnh xe cứu thương dừng ở ngõ bên cạnh, đưa một thi thể nạn nhân mất vì Covid-19 ra ngoài. Khi ấy, cả tôi và gia đình chị chỉ mới tiêm một mũi vaccine Covid-19.

Việc tình nguyện ở thời điểm cao điểm dịch bệnh tháng 8 không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn là sự đánh đổi sức khỏe, tính mạng. Nữ nghệ sĩ tự bỏ tiền túi, không kêu gọi bất kỳ khoản đóng góp nào khi trao hàng nghìn phần quà thực phẩm, thuốc thang đến bà con và lực lượng tuyến đầu.

Tôi rong ruổi cùng chị trên chuyến xe chở gạo, chở rau và cả xe chở hòm. Còn nhớ những dãy trọ nghèo xe không vào được, mọi người đành cùng nhau cuốc bộ đến hàng rào dây nhợ chằng chịt, rồi cố luồn lách qua kẽ hở tiếp gạo, tiếp sữa. Có lúc tôi không thở nổi, tim đập nhanh, tay run lên khi thấy 30 chiếc hòm trống. Đau xót! Việt Hương cùng chồng chẳng ngại ngần bốc chúng lên 3 chiếc xe tải để tạm gửi về kho của chùa, bởi chị có tâm nguyện giúp bà con chẳng may xấu số một chặng đường cuối thanh thản. (Phương Lâm).

MỘT VIỆT HƯƠNG KHÁC BIỆT TRONG NHỮNG NGÀY DỊCH

chuyen tac nghiep cua phong vien anh anh 49

Zing Photo

Bạn có thể quan tâm