Phát biểu với các doanh nghiệp, bộ ngành tại Hội nghị ngày 29/4,
Thủ tướng nhấn mạnh phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất để doanh nghiệp thuận lợi đầu tư, ổn định sản xuất kinh doanh. Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để DN yên tâm bỏ vốn đầu tư, “không sớm nắng chiều mưa về chính sách”. "Một đất nước anh hùng, dân tộc anh hùng mà môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta chỉ hơn Lào, Campuchia là sao hả các đồng chí", Thủ tướng trăn trở. |
Nhưng Thủ tướng lưu ý DN phải xây dựng được chiến lược hội nhập của mình, xây dựng văn hóa hội nhập, văn hóa doanh nhân, gìn giữ liêm chính trong phát triển, phải chủ động, sáng tạo. DN "phải tự cứu mình trước khi trời cứu". |
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập, tạo nên niềm tự hào “Made in Việt Nam”. |
Kết luận Hội nghị, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc thanh kiểm tra cần hướng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, thủ tướng yêu cầu không phải chỉ cứ nhằm nhằm vào sai phạm. “Đừng nghĩ là Thủ tướng không biết, cưa đôi chúng tôi cũng biết", Thủ tướng nói. |
Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quản lý cán bộ cấp dưới, không để xảy ra những chuyện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN. "Tôi biết Bí thư, Chủ tịch tỉnh thì tốt, nhưng các ông chủ tịch huyện, xã, phường... thì có thể không. Các ông ấy rất phức tạp", Thủ tướng nhấn mạnh. |
Cùng tham dự buổi gặp gỡ, chia sẻ với những trăn trở của doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi các bộ, ngành, DN đồng hành, sát vai, cam kết cùng Chính phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế. “Điều quan trọng nhất, chúng tôi muốn các bộ ngành, cấp chính quyền cam kết thực hiện, đề nghị DN đồng hành, không chỉ là ‘đi cùng nhau’ mà phải ‘cùng nhau tháo gỡ’. Phó thủ tướng yêu cầu: Doanh nghiệp không chỉ "kêu" mà cần kiến nghị giải pháp, nghiên cứu pháp luật, có tình lý. |
Cam kết xem lại những chính sách về thuế được cho là "ăn hết lợi nhuận DN, cải cách các thủ tục hành chính, minh bạch các thủ tục tạo thuận lợi cho DN, nhưng Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu các DN cần có đánh giá công bằng, không thể cứ kinh doanh thua lỗ, không xuất khẩu được là đổ lỗi cho thuế. |
Một giải pháp gỡ gỡ cho DN được áp dụng ngay trong ngày đầu tháng 5, là giảm lãi suất cho vay trung dài hạn. Tư lệnh ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định:
"Sau cuộc họp, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn sẽ công bố chương trình giảm lãi suất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn". |
Bộ trưởng Công an Tô Lâm hứa
tập trung đấu tranh tội phạm hình sự gây mất an toàn kinh doanh. Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, không có khái niệm và chủ trương hình sự hóa. Tuy nhiên, còn tình trạng một số cán bộ do thoái hóa biến hất, không nắm vững pháp luật, không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ… nên có hành vi vi phạm pháp luật, để xảy ra oan sai, ảnh hưởng tới DN và người dân. Bộ trưởng đề nghị DN tiếp tục phát hiện, cung cấp thông tin để ngăn ngừa, xử lý kịp thời sai phạm của cán bộ, chiến sĩ. |
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ đưa ra các giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, thành lập doanh nghiệp để làm ăn. Theo đó, thời gian tới cần triển khai 10 nhóm giải pháp sau:
1. Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật, doanh nghiệp được kinh doanh những gì không cấm.
2. Tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế bình đẳng về vốn, đất, quy định kinh doanh, trừ trường hợp đặc biệt.
3. Nhà nước đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách, không "sớm nắng chiều mưa", để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư.
4. Ổn định kinh tế vĩ mô, cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành chính sách quy định rõ một cơ quan chịu trách nhiệm.
5. Quy định về điều kiện kinh doanh cần được lượng hóa, minh bạch, dễ hiểu, tạo điều kiện người dân, doanh nghiệp hiểu. Lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, chứ không thể nào lúc thế này, lúc thế kia, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
6. Coi doanh nghiệp tư nhân là động lực để phát triển kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các loại hình này có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội.
7. Ngăn chặn hình sự hóa quan hệ kinh tế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Nhà nước, Bộ Công an không có chủ trương hình sự hóa kinh tế, trừ trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng.
8. Có cơ chế quản lý phù hợp đối với những doanh nghiệp hoạt động công ích, hoạt động có tính rủi ro lớn, làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.
9. Giảm, tiến tới loại bỏ các loại phí, phụ phí bất hợp lý. Nghị định, thông tư phải thực hiện đúng.
10. Yêu cầu đến 1/7/2016 bỏ hết quy định cũ, thực hiện đúng nghị định, thông tư, theo tinh thần luật đã được Quốc hội thông qua. Thủ tướng yêu cầu tập hợp rà soát các quy định về quản lý Nhà nước, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp. Cơ quan Nhà nước phải đổi mới tư duy, và doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm.