Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp chết nhiều có bất thường hay không?

Trong khi chủ tịch VCCI cho rằng, hơn 40% DN rút khỏi thị trường là điều bất bình thường, thì Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư lại nói chuyện này vẫn là điều bình thường.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp 2016, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật Doanh nghiệp, ở nước ta đã có 941.000 doanh nghiệp (DN) được đăng ký thành lập. Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 DN còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%).

Nhieu doanh nghiep chet dau nam anh 1
Theo giải thích của đại diện Bộ kế hoạch và Đầu tư, nhiều DN rút lui khỏi thị trường chưa hẳn do kinh tế khó khăn. Ảnh minh họa: N.Ý

Ông Lộc chia sẻ: “Biết rằng các DN ngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường. Nhưng điều đáng nói là khoảng một nửa số DN ngừng hoạt động gần đây là điều đáng suy ngẫm, và không thể coi là chuyện bình thường được”.

Tuy nhiên, trong buổi họp báo sau hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại khẳng định đây là điều bình thường khi phóng viên Zing.vn đặt câu hỏi với đại diện bộ này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên trách nhiệm của bộ ra sao trong việc cấp phép các đơn vị không có năng lực, dẫn đến tình trạng hơn 40% DN đóng cửa như con số của VCCI đã đưa ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết: "Hiện tại các DN lập mới vẫn lớn hơn số đóng cửa thì chúng ta vẫn nên bình tĩnh, vì sức khỏe thị trường vẫn còn tốt.

Diễn biến hiện nay là tương đối bình thường trong nền kinh tế thị trường, và con số này vẫn không phải là quá nguy hiểm. Chỉ đến khi nào con số lập mới mà thấp hơn số rút lui mới đáng lo ngại".

Theo Thứ trưởng Đông, thống kê của các quốc gia trên thế giới cũng chỉ ra xu thế này là bình thường. Nếu nền kinh tế tốt thì gia nhập thị trường 15%, rút khỏi thị trường 11-12%, nếu kinh tế xấu thì rút 14%.

Ông Đông nói rằng, việc DN đóng cửa không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ khi cấp phép thành lập DN đi theo nguyên lý đơn giản chứ không đi theo nguyên lý tiền kiểm như trước kia.

"Bởi vì đây là nền kinh tế thị trường, chúng tôi không thể đi tiền kiểm tình trạng sức khỏe của DN. Nếu Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp cận theo cách đòi hỏi các DN phải đảm bảo sức khỏe mới cấp phép thì đó được xem là rào cản của nền kinh tế", ông Đông nói thêm.

Đại diện Bộ kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, một vấn đề nữa cũng cần lưu ý, là chúng ta phải xem con số 40% DN rút lui khỏi thị trường có chính xác là do môi trường không tốt hay không? DN rút khỏi thị trường vì nhiều lý do, không hẳn tất cả rút khỏi thị trường đều là yếu, chết. Có thể họ chuyển hướng kinh doanh sang một ngành nghề khác và rút khỏi thị trường ngành nghề hiện hữu. Thậm chí có thể họ đã sống lại và gia nhập vào thị trường rồi.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đã thông báo nội dung cuộc họp chiều cùng ngày giữa Thủ tướng và các bộ trưởng về tháo gỡ khó khăn cho DN. Ông Dũng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo hai vấn đề lớn cần làm ngay.

Thứ nhất, với các kiến nghị của DN, đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chuyển toàn bộ cho các Bộ trưởng trả lời DN trên tinh thần đổi mới, quyết liệt; vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng. Phải tôn trọng DN, phải trả lời đến nơi đến chốn”.

Thứ hai, thảo luận về dự thảo Nghị quyết hỗ trợ DN, tập trung giải quyết vấn đề cụ thể trong đó có tiếp cận thị trường, thủ tục đất đai, môi trường, nông nghiệp, bảo hiểm xã hội… Theo đó, để chuẩn bị thực hiện Luật đầu tư và luật DN, Văn phòng Chính phủ sẽ tập hợp các nhóm vấn đề để đưa vào dự thảo nghị quyết phát triển DN. Trên cơ sở đó, sửa đổi nghị định hướng dẫn 2 luật, bỏ giấy phép con và các quy định không cần thiết...

“Tinh thần Thủ tướng giao sau ngày hôm nay là phải hoàn thiện văn bản thông cáo báo chí để gửi cho DN, người dân biết. Đồng thời các cơ quan ban ngành cùng các địa phương phải quyết liệt và nghiêm túc thực hiện” - ông Dũng nói.

Thủ tướng cũng mong muốn các DN nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, tinh thần nỗ lực, không chỉ dựa vào Nhà nước.

 

Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm