Một sáng tháng 9/2014, ông Lý Cường - khi đó là Bí thư thành ủy Liên Vân Cảng ở Giang Tô, miền Đông Trung Quốc - vừa có bài phát biểu về chủ đề chống tham nhũng và đang chuẩn bị rời đi.
Nhưng bên ngoài, các điều tra viên từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương - cơ quan xử lý tham nhũng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã đứng đợi sẵn.
Lý Cường - cựu Bí thư thành ủy Liên Vân Cảng, thành phố ở Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, bị khởi tố về tội nhận hối lộ vào năm 2015. Ảnh: Tòa án Liên Vân Cảng. |
Tới chiều, ủy ban công bố quyết định tạm giam vị bí thư thành ủy vì nghi ngờ “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng”. Một năm sau, ông Lý bị khởi tố về tội nhận hối lộ, Nhân Dân nhật báo đưa tin.
Bí thư thành ủy Lý Cường chỉ là một trong hàng triệu người đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra kể từ khi Tổng bí thư Tập Cận Bình nhận nhiệm sở vào cuối năm 2012 với thông điệp chống tham nhũng.
“Chiến dịch từ năm 2012 đã có tác động sâu rộng. Đợt ra quân chống tham nhũng ở quy mô lớn, thời gian dài và rất nặng tay đã giải quyết nhiều án tham nhũng tích tụ từ những năm trước và ngăn ngừa một số hành vi tham nhũng mới”, giáo sư Châu Giang Nam thuộc Khoa Quản trị công và Chính trị, Đại học Hong Kong, nói với Zing.
“Chiến dịch chống tham nhũng nhìn chung đã giúp tăng sự ủng hộ của quần chúng đối với chính phủ trung ương, dù người dân có thể sẽ cảm thấy tham nhũng tăng lên khi bắt gặp những vụ án vượt sức tưởng tượng”, vị giáo sư nói.
“Nhưng bằng việc điều tra những vụ án ấy, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn thể hiện cam kết chống tham nhũng”, bà Châu nhận định.
Số quan chức tham nhũng bị trừng phạt trong chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc từ năm 2012 tới tháng 6/2020. Đồ họa: CGTN. |
"Hổ" và "ruồi" trong nước
Trong một phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa XIII vào năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: “(Chúng ta) phải kiên trì diệt cả ‘hổ’ và ‘ruồi’", theo Tân Hoa xã.
Cũng từ đó, chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” - ý chỉ quan chức cấp cao và cấp thấp - được đẩy mạnh. Và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cũng trở thành cơ quan quyền lực bậc nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhiều “con hổ” đã bị bắt giữ, như Bạc Hy Lai - cựu Bí thư Trùng Khánh, Chu Vĩnh Khang - nguyên ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, hay gần đây hơn là cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lập Quân cùng cựu Bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa.
Ngay trong tháng 9, trước thềm Đại hội đảng XX, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông báo hình phạt khai trừ đảng đối với 13 trường hợp vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật, theo website chính thức của cơ quan này, trong đó có Lưu Ngạn Bình - một cựu Thứ trưởng Bộ Công an khác.
Thống kê chính thức cho biết kể từ tháng 11/2012 tới tháng 4, giới chức thanh tra khắp Trung Quốc đã xử lý gần 4,4 triệu vụ việc vi phạm kỷ luật, liên quan tới 4,7 triệu cá nhân, theo Tân Hoa xã.
Giáo sư Châu Giang Nam thuộc Khoa Quản trị công và Chính trị, Đại học Hong Kong. Bà đã công bố nhiều nghiên cứu về tham nhũng ở Trung Quốc. Ảnh: Đại học Hong Kong. |
Một phần nguyên nhân khiến Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương xử lý được lượng lớn vụ việc như vậy là nhờ các biện pháp cải tổ đối với cơ quan này.
“Dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ngày càng được củng cố, thông qua một vài biện pháp”, giáo sư Châu nói với Zing.
Theo giáo sư Châu, trong quá khứ, lãnh đạo các ủy ban kiểm tra kỷ luật cấp tỉnh chủ yếu được chọn từ địa phương nên công tác giám sát khó được đảm bảo. Nhưng hiện vị trí này do chính quyền trung ương bổ nhiệm. Các đội thanh tra trung ương cũng thường được điều tới kiểm tra chính quyền địa phương.
Vì là cơ quan thuộc đảng, CCDI không thể xử lý hành vi sai phạm của người không phải đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc thành lập Ủy ban Giám sát Nhà nước (NSC) và hợp nhất với CCDI, qua đó cho phép điều tra cá nhân vi phạm không phải đảng viên, theo giáo sư Châu.
Chu Vĩnh Khang - nguyên ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc - là một trong những "con hổ" sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng. Ảnh: Reuters. |
Bắt "cáo" ở nước ngoài
Phạm vi chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc không dừng lại ở đường biên giới, thể hiện qua chiến dịch “Săn cáo” và “Thiên võng” (Lưới trời) nhằm bắt giữ những nghi phạm trốn ra nước ngoài về nước quy án.
Trả lời Tân Hoa xã vào năm 2015, Lưu Đông - Phó cục trưởng Cục Điều tra tội phạm kinh tế, Bộ Công an Trung quốc - đã tiết lộ một số chi tiết như việc thành viên được chọn vào đội “Săn cáo” trung bình 30 tuổi, nhanh nhẹn, có học vấn về kinh tế, pháp luật, giỏi ngoại ngữ…
“Chúng tôi không có quyền thực thi pháp luật ở nước ngoài, nên chúng tôi phải hiểu và tôn trọng luật pháp sở tại”, ông Lưu Đông nói.
Ông Lưu còn mô tả thành viên trong đội phải di chuyển thường xuyên, thậm chí một số người phải đi 10 chuyến công tác nước ngoài trong chưa đầy 6 tháng.
Một nghiên cứu công bố năm 2021 của giáo sư Chu cho biết những nghi phạm trốn nã Trung Quốc thường trốn tới Mỹ, Canada, New Zealand và Australia. Các vụ bỏ trốn này thường được lên kế hoạch kỹ lưỡng, nghi phạm thường che giấu, chuyển hoặc rửa số tiền lớn trong nhiều năm.
Theo Tân Hoa xã, từ năm 2014 tới tháng 5/2021, gần 9.200 nghi phạm đã bị dẫn độ từ 120 nước và khu vực về Trung Quốc. Nhà chức trách nước này cũng thu hồi được 20 tỷ nhân dân tệ (2,9 tỷ USD) lợi nhuận phi pháp.
Số liệu chống tham nhũng ở Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020. Đồ họa: CGTN. |
10 năm không nghỉ
“Mức tham nhũng tổng thể (ở Trung Quốc) đã giảm. Theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng được công bố năm 2021, Trung Quốc nhận điểm 45 và xếp hạng 66, mức cao kỷ lục đối với nước này, thể hiện sự ghi nhận quốc tế đối với việc kiểm soát tham nhũng ở Trung Quốc”, giáo sư Châu chỉ ra.
Nhưng dù đã kéo dài 10 năm, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc tới nay chưa có dấu hiệu ngưng nghỉ.
Trong bài trình bày kết quả công tác 5 năm tại phiên khai mạc hôm 16/10 của Đại hội đảng XX, Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa đề cập tới vấn đề chống tham nhũng.
“Chúng ta đã phát động cuộc chiến chống tham nhũng ở quy mô chưa từng có trong lịch sử”, ông Tập nói, theo Global Times. “Nhưng chừng nào môi trường và điều kiện sản sinh tham nhũng vẫn tồn tại, chúng ta phải luôn cảnh giác, không ngơi nghỉ, dù chỉ một phút”.
Giới quan sát cho rằng thông điệp của ông Tập thể hiện rõ rằng cuộc chiến chống tham nhũng sẽ vẫn được thực hiện ở mức độ cao nhất trong tương lai.
“Chiến dịch chống tham nhũng đã được đẩy khá mạnh và công tác chống tham nhũng cũng được duy trì ở cường độ khá cao trong suốt 10 năm kể từ năm 2012”, giáo sư Châu nói. “Tôi cho rằng nhiều khả năng (Đảng Cộng sản Trung Quốc) phần lớn sẽ vẫn giữ nguyên cách làm hiện tại”.