Kinh doanh
10 mẫu máy bán hàng kỳ quặc nhất thế giới
- Thứ tư, 26/2/2014 16:52 (GMT+7)
- 16:52 26/2/2014
Các mẫu máy đặc biệt này được tung ra gần đây và thu hút sự chú ý của rất nhiều người, bởi những gì chúng muốn bán cho họ.
|
1. Chiếc máy bán salad này là ý tưởng của Luke Saunders, 27 tuổi ở Chicago, Mỹ. Nó được nạp đầy vào 10 giờ sáng mỗi ngày, với các loại salad và đồ ăn nhẹ, sản xuất ngay tại địa phương. Số thực phẩm còn thừa vào cuối ngày sẽ được quyên tặng cho một tổ chức hỗ trợ người vô gia cư.
|
|
2. Chiếc máy bán ống hút ma túy này đã gây tranh cãi lớn ở Toronto, Canada, khi người ta cho rằng đây là hoạt động cổ vũ việc sử dụng chất gây nghiện. Tuy nhiên, theo lý giải của tổ chức phi lợi nhuận, những người đã đưa vào vận hành chiếc máy, họ làm vậy để ngăn người dùng sử dụng các loại ống hút thủy tinh dễ vỡ, gây đứt tay và khiến việc lây lan HIV trở nên khó lường. Theo đó, mỗi chiếc ống được bán với giá 25 cent và vào thứ 5 mỗi tuần, người ta sẽ bổ sung loạt ống mới.
|
|
3. Có tên gọi là Kindle Kiosk, chiếc máy bán hàng mới của Amazon khiến nhiều người thích thú. Nó có đủ mặt hàng chuyên về thiết bị đọc sách của hãng từ chiếc Kindle Fire HDX 379 USD đến bộ phận sạc Kindle Power 20 USD. Kể từ khi chính thức vận hành vào tháng 11 năm ngoái, rất nhiều chiếc Kiosk đã được lắp đặt, ở các khu mua sắm hay sân bay.
|
|
4. Nhật Bản luôn là quốc gia sở hữu nhiều loại máy bán hàng độc đáo, và mới đây nhất là chiếc máy chuyên bán áo nịt ngực tại Tokyo. Đây là thiết bị do hãng Wacoal tung ra, đi kèm cùng những mẫu áo ngực không dây "Fun Fun Weak" của họ. Giá của một chiếc áo như vậy là 2.940 yen, tức là khoảng 30 USD.
|
|
5. Thay vì sử dụng tiền như các loại máy bán hàng khác, thiết bị có tên Swap-O-Matic này hoạt động dựa trên việc trao đổi các món đồ và cả "danh dự" của người dùng. Để sử dụng máy, bạn cần đăng ký một địa chỉ email trên màn hình cảm ứng của Swap-O-Matic, đóng góp một vật dụng nào đó để có "credits" và dùng "credits" thu được để đổi lấy vật phẩm khác. Không có ai giám sát ở đây, ngoại trừ một hệ thống "gắn cờ" những người giao dịch xấu để ngăn chặn việc lạm dụng cỗ máy này.
|
|
6. Ý tưởng về một máy bán sách từ người phụ nữ có tên Dana Clarke rất được hoan nghênh. Bạn chỉ cần bỏ ra 2 USD để mua một cuốn sách cũ và hãy ủng hộ thêm một cuốn sách khác cho mọi người. Số tiền thu được sẽ dành để ủng hộ chương trình xóa mù chữ và xây dựng trường học ở châu Phi. Clarke đã triển khai chiến dịch vận động của mình với những chiếc máy màu xanh lá ở khắp các trạm xe lửa, xe buýt và bệnh viện tại Canada.
|
|
7. Chiếc máy bán bánh kẹp thịt Burritobox đầu tiên trên thế giới đã xuất hiện tại West Hollywood, CA, Mỹ với tông màu cam nổi bật. Tuy khách hàng không thể tùy chỉnh hoàn toàn cho chiếc bánh của họ, vẫn có tới 5 loại burrito để lựa chọn. Mỗi chiếc được bán với giá 3 USD, bán kèm thêm nước sốt với giá 65 cent.
|
|
8. Vào năm 1997, họa sĩ Clark Whittington ở North Carolina, Mỹ đã biến một chiếc máy bán thuốc lá cũ thành một máy bán tranh tự động. Mô hình này nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ nhiều họa sĩ và hiện đã có khoảng 100 thiết bị như vậy trên khắp nước Mỹ. Nhiều bảo tàng nghệ thuật như Whitney Museum of American Art ở New York cũng lắp đặt chiếc máy có tên Art-O-Mat này.
|
|
9. Nhằm khuyến khích người dân và cả du khách đạp xe an toàn, chính quyền Boston đã cho lắp đặt các máy bán mũ bảo hiểm tự động ở 14 địa chỉ khác nhau trong thành phố. Khách hàng có thể chọn mua hay thuê những chiếc mũ này với giá rất phải chăng. Hiện dự án vẫn đang trong giai đoạn thí điểm và nó có thể được nhân rộng hơn nữa, nếu cho thấy có hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn cho người đi xe đạp.
|
|
10. Chiếc máy bán lego tự động ở Munich có thể xem là cứu cánh tuyệt vời cho các bậc phụ huynh, để giữ con họ khỏi chạy loạn trong nhà chờ. Ngoài ra, những bộ xếp hình bắt mắt cũng giúp cho hành trình dài của các bé khỏi nhàm chán. Theo đó, có rất nhiều mẫu mã khác nhau được nhà sản xuất đặt trong cỗ máy, đủ để đảm bảo mang đến những mô hình mới mẻ cho các khách hàng nhí.
|
http://www.oddee.com/item_98881.aspx
máy bán hàng
kỳ quặc
Amazon