10 lễ mừng năm mới truyền thống trên khắp thế giới
Mỗi dân tộc trên thế giới đón năm mới truyền thống dựa trên lịch tôn giáo hoặc theo văn hóa riêng. Dưới đây là 10 lễ kỷ niệm năm mới truyền thống của các dân tộc trên khắp thế giới.
10. Rosh Hashanah – Năm mới của người Do thái (14 triệu người)
Cộng đồng người Do thái có mặt trên khắp thế giới. Ở một vài quốc gia, người Do thái chiếm số đông trong dân số. Cũng như nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới, năm mới là một trong những ngày lễ thánh quan trọng nhất của họ. Theo truyền thống, cộng đồng Do thái thường tổ chức đón mừng năm mới vào mùa thu, khoảng giữa tháng 9.
9. Tết Nguyên đán của Việt Nam (87 triệu người)
Lễ kỷ niệm năm mới truyền thống của người Việt Nam được tổ chức vào mùa xuân tính theo lịch âm có nguồn gốc từ Trung Quốc và diễn ra sau tết Tây (Tết Dương lịch tính theo lịch của phương Tây). Theo đó, Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 1/1 đến ngày 3/1 theo lịch âm, thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc giữa tháng 2 dương lịch tùy năm. Đây là ngày lễ truyền thống quan trọng và được chờ đón nhất của người Việt Nam.
Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, những người con xa xứ vẫn cố gắng trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết vì theo quan niệm truyền thống đây là dịp để mọi người đoàn tụ, sum họp trong năm. Trong dịp này, mọi người thường dọn dẹp nhà cửa tươm tất, sạch sẽ, treo đèn, kết hoa, mặc quần áo mới, làm các món ăn truyền thống và tổ chức nhiều trò chơi dân gian để đón mừng năm mới.
8. Lễ hội Songkran (của 115 triệu người)
Được tổ chức từ ngày 13/4 đến ngày 15/4 hàng năm, lễ hội Songkran (còn được biết đến bằng cái tên Tết té nước), được xem là lễ kỷ niệm năm mới truyền thống không chỉ ở Thái Lan mà còn ở một số quốc gia Đông Nam Á và Nam Á bao gồm Campuchia, Lào và Myanmar.
Dù người Thái Lan chính thức công nhận Tết Dương lịch (theo Tây lịch) là sự kiện đánh dấu một năm mới, họ vẫn tổ chức lễ hội Songkran hoành tráng hàng năm để kỷ niệm ngày Tết truyền thống. Vào dịp này, người dân được nghỉ lễ và tham gia nhiều hoạt động kỷ niệm độc đáo như diễu hành, thi sắc đẹp.
Đặc biệt, trong dịp Tết Songkran, người dân sẽ té nước lên nhau bằng xô, chậu, gáo, súng phun nước... Theo quan niệm của người Thái, người Lào hay Myanmar, càng được té nhiều nước vào người trong tết Songkran thì càng gặp may mắn trong năm tới.
Ngoài ra, người dân các nước này còn nấu các món ăn truyền thống và mặc trang phục đẹp và mới nhiều màu sắc trong dịp Tết Songkran.
7. Năm mới truyền thống của người Nhật (127 triệu người)
Nhật Bản chính thức công nhận ngày 1/1 theo Tây lịch là ngày đánh dấu năm mới. Tuy nhiên, họ vẫn giữ gìn và kỷ niệm ngày Tết truyền thống riêng để đón mừng năm mới theo lịch âm, có nguồn gốc từ Trung Quốc, tương tự như Hàn Quốc và Việt Nam.
Do đó, Tết truyền thống của người Nhật trùng với Tết Nguyên đán của người Việt Nam hay Tết của người Hàn Quốc và Trung Quốc. Người Nhật quan niệm, đây là dịp để chuộc lại các lỗi lầm trong 108 tội lỗi thuộc giáo lý của đạo Phật trong suốt năm cũ. Do đó, vào ngày Tết, người dân Nhật Bản thường có tục rung chuông để chuộc tội. Ngoài ra, Tết cũng được xem là dịp vui chơi, giải trí nên họ cũng chơi các trò chơi và xem các chương trình truyền hình truyền thống hay mặc quần áo đẹp và ăn các món ăn đặc biệt của ngày Tết.
6. Noviy God – Năm mới của người Nga (143 triệu người)
Được tổ chức trong một tuần, từ ngày 1/1 đến ngày 7/1, Noviy God là ngày lễ đánh dấu một năm mới truyền thống quan trọng bậc nhất của người Nga. Thay vì ông già Noel, trẻ em Nga sẽ nhận được quà tặng vào năm mới từ Cha Frost.
Trước khi ngày lễ Noviy God diễn ra, tương tự như các bạn đồng lứa ở các nước phương Tây, thường viết thư gửi ông già Noel để mong nhận được những món quà mơ ước vào dịp giáng sinh, năm mới, trẻ em Nga cũng viết ra món quà mà mình mong nhận được và gửi cho Cha Frost. Sau đó, các bậc cha mẹ thường nhân danh cha Frost để tặng món quà đó cho con cái mình. Ngoài ra, người Nga cũng quan niệm, Noviy God là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn viên, hội ngộ và vui chơi.
5. Ngày lễ Nowruz (của 300 triệu người)
Nowruz được biết đến là ngày đánh dấu năm mới truyền thống của nhiều quốc gia ở Trung Đông bao gồm Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria hay Afghanistan...
Ngày lễ Nowruz được tổ chức vào thời điểm mặt trời đi qua điểm xuân phân và dịch chuyển trên bầu trời từ Nam bán cầu sang phía Bắc còn trái đất bắt đầu vào xuân (thường vào tháng 3 Tây lịch). Theo quan niệm của người dân, ngày Nowruz tượng trưng cho sự đổi mới của thiên nhiên và con người, làm thanh khiết tâm hồn và mở đầu một cuộc sống mới.
Nowruz là một trong những ngày hội lâu đời nhất trên trái đất, được cư dân hành tinh kỷ niệm hơn 3 nghìn năm nay và trở thành một trong những ngày lễ quan trọng bậc nhất trong văn hóa của nhiều dân tộc. Vào ngày này, khắp các thị trấn và làng mạc, thành phố đều tổ chức các buổi biểu diễn ca múa nhạc cũng như các trò chơi truyền thống.
4. Năm mới của người Ấn Độ (từ 0,9-1,2 tỷ người)
Không phải toàn bộ dân số ở Ấn Độ đều theo đạo Hindu, do đó, không phải mọi khu vực ở nước này đều đón năm mới như nhau. Do đó, việc xác định một ngày lễ chào đón năm mới đối với người Ấn Độ là vấn đề rất khó khăn.
Tuy nhiên, theo lịch Shak của Ấn Độ, năm mới được bắt đầu vào ngày thứ nhất của tháng Chaitra, trùng với ngày tiết Xuân phân. Ở các bang khác nhau của Ấn Độ, năm mới có những tên gọi khác nhau. Ví dụ, ở bang Andhra-Pradesh, Tết được gọi là Ugadi (Mở đầu kỷ nguyên), diễn ra vào ngày 26/3 hàng năm và được tổ chức bằng một bữa tiệc thân mật trong gia đình.
Trong khi đó, cư dân Andhra-Pradesh gọi ngày lễ năm mới là Panchanga sravanam. Ở Tây Bengali, người ta đón năm mới vào ngày 13/4, còn ở bang Tamil Nadu là vào ngày 14/4. Kashmir có lẽ là bang đón năm mới dài nhất Ấn Độ và bắt đầu sớm nhất, vào ngày 10/3 và kết thúc cùng với các bang khác. Như vậy, xét về số lượng ngày Tết, Ấn Độ hơn hẳn tất cả các nước khác.
Lễ mừng năm mới ở Ấn Độ cũng phụ thuộc vào các truyền thống diễn ra ở từng vùng khác nhau. Ví dụ, vào ngày này, cư dân miền Bắc trang trí bằng các loại hoa màu sắc khác nhau, phổ biến nhất là các màu hồng, đỏ, tím hoặc trắng. Trong khi đó, ở miền Nam, lễ mừng năm mới nhất định phải có một mâm quả.
3. Tết cổ truyền của Trung Quốc (1,3 tỷ người)
Tương tự như tết của người Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, tết cổ truyền của người Trung Quốc dựa trên lịch âm riêng họ. Tết này còn có tên gọi là Xuân tiết, đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và khởi đầu mùa xuân mới. Là ngày lễ quan trọng và dài nhất trong năm, Tết cổ truyền của người Trung Quốc được tính từ ngày đầu tiên của tháng âm lịch đầu tiên.
Vào dịp này, người Trung Quốc thường tổ chức múa lân sư rồng, bắn pháo hoa để chào đón năm mới. Do tết cổ truyền được xem là dịp đoàn viên, sum họp, người Trung Quốc thường tụ tập ăn uống cùng nhau, thăm viếng gia đình và bạn bè. Ngoài ra, người Trung Quốc cũng có truyền thống tặng phong bao đỏ và trang trí nhà cửa bằng câu đối vào ngày tết.
2. Hijri - Năm mới của người Hồi giáo - (2,4 tỷ người)
Năm mới của người theo đạo Hồi - Hijri bắt đầu vào ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của năm Hồi giáo, thay đổi tùy theo từng năm.Năm mới của tín đồ đạo Hồi được tính lịch Hồi giáocòn gọi là lịch Hijri là một loại âm lịch được sử dụng để xác định ngày tháng và các sự kiện quan trọng tại nhiều quốc gia với dân cư chủ yếu theo Hồi giáo. Năm Hồi giáo thường ngắn hơn năm dương lịch (theo Tây lịch) khoảng 11-12 ngày. Như vậy, thường thì tết Hijri của người Hồi giáo thường phải qua tháng 11 theo lịch của người phương Tây.
Tuy nhiên, người Hồi giáo không coi trọng Ngày khởi đầu năm mới hay Năm mới Hijri bằng ngày lễ Ead al-Fitr được tổ chức vào ngày kết thúc của tháng thánh lễ Ramadan, diễn ra vào tháng 9 theo lịch Hồi giáo.
1. Tết Dương lịch (của gần như toàn thế giới)
Tết Dương lịch (còn được gọi là tết Tây) được tính vào ngày 1/1, ngày đầu tiên của năm theo lịch Gregorian hiện đại hay lịch Julian (được dùng trong thời kỳ La Mã cổ đại. Ngày 1/1 theo lịch Julian tương ứng với ngày 14/1 theo lịch Gregorian). Ngày nay, mọi giao dịch mang tính quốc tế đều theo Dương lịch cho thống nhất và tiện lợi. Do đó, hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng lịch Gregorian làm lịch chính. Kết qủa là, không riêng gì châu Âu hay Mỹ, tết Dương lịch là kỳ nghỉ chung duy nhất của các công dân trên toàn cầu và nó thường được chào đón bằng hàng loạt nghi lễ trang trọng như bắn pháo hoa vào giao thừa, thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới.
Phương Đăng
Theo Infonet