Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 dịch bệnh khủng khiếp nhất trong lịch sử (kỳ 1)

Khoảng 100.000 người Pháp chết vì dịch hạch sau khi bệnh bùng phát vào năm 1720, trong khi số người chết vì một đại dịch bí ẩn thời La Mã cổ đại lên tới 5 triệu.

Dịch hạch và bạo động năm 1771 ở Nga

Những dấu hiệu đầu tiên của dịch hạch ở Moscow (Nga) xuất hiện vào cuối năm 1770, và chuyển thành dịch lớn từ đầu năm 1771. Dân chúng hoang mang và nổi giận trước những biện pháp ngăn ngừa của chính quyền, như thiết lập các khu cách ly bắt buộc, phá hủy nhà cửa nơi nhiễm dịch mà không đền bù thiệt hại, hay đóng cửa nhà tắm công cộng. Kinh tế thành phố gần như tê liệt vì nhiều nhà máy, khu chợ, cửa hàng và các tòa nhà hành chính không hoạt động. Sau đó, tình trạng thiếu lượng thực trầm trọng khiến cuộc sống phần lớn của người dân trở nên khốn đốn. Giới quý tộc Nga và những người giàu đã rời thành phố khi dịch hạch bùng phát.

Dân Moscow biểu tình chống đối trước cửa Spasskiye. Ảnh: Listverse

Làn sóng biểu tình đầu tiên chống lại những biện pháp kiểm soát của chính quyền nổ ra vào ngày 29/8 và 1/9/1771. Hôm 17/9/1771, khoảng 1.000 người tiếp tục tập trung trước cửa Spasskiye của Điện Kremlin, yêu cầu chính quyền thả tự do những người nổi loạn mà họ bắt trước đó và bỏ các khu cách ly. Quân đội giải tán đám đông và trấn áp bạo động. Khoảng 300 người phải ra hầu tòa. Một ủy ban do Grigory Orlov đứng đầu đã tới Moscow vào hôm 26/9 để lập lại trật tự an ninh thành phố. Ủy ban đã thực thi một số biện pháp đối phó với bệnh dịch hạch và cung cấp thức ăn, công việc cho người dân. Những biện pháp này đã xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng Moscow.

Cái chết đen ở Marseille (1720 – 1722)

Bức tường chia tách vùng dịch hạch. Ảnh: Listverse

"Cái chết đen" ở Marseille, Pháp là một trong những đợt bùng phát bệnh dịch hạch trầm trọng nhất châu Âu hồi đầu thế kỷ 18. Xuất hiện ở Marseille vào năm 1720, căn bệnh giết 100.000 người dân thành phố và ở các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, Marseille hồi phục rất nhanh. Hoạt động kinh tế chỉ suy giảm trong vài năm và nhanh chóng tăng trưởng khi hoạt động thương mại mở rộng tới Tây Ấn (bán đảo chia tách biển Caribbe và Đại Tây Dương) và Mỹ Latinh. Năm 1765, dân số Marseille trở lại mức như thời kỳ trước năm đại dịch xuất hiện. Cơn ác mộng của đại dịch Cái chết đen từng cướp tính mạng của 1/3 dân số châu Âu hồi thế kỷ 14 không lặp lại. Chính quyền thành phố Marseille đưa nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh dịch lây lan. Nghị viện thành phố Aix-en-Provence ban bố đạo luật để tử hình những người di chuyển giữa Marseille và các vùng khác của vùng Provence. Người ta dựng Mur de la Peste (bức tường dịch hạch) ở vùng nông thôn nhằm thực thi đạo luật.

Đại dịch Antonine thời La Mã cổ đại (165 – 180)

Một hố chôn tập thể nạn nhân thiệt mạng trong Đại dịch Antonine. Ảnh: Listverse

Đại dịch Antonine lây lan với quy mô lớn ở thời cổ đại. Cho tới nay, con người vẫn chưa thể xác định nguyên nhân gây bệnh của đợt bệnh dịch này một cách chính xác, mà chỉ hoài nghi vius đậu mùa hoặc bệnh sởi do quân lính mang về Đế quốc La Mã từ các chiến dịch ở vùng Cận Đông. Hai hoàng đế La Mã chết vì dịch. Họ là Lucius Verus (mất năm 169), và người cùng cai trị với ông, Marcus Aurelius Antoninus (cầm quyền đến năm 180). Người ta gọi tên đại dịch theo họ của hoàng đế Marcus Antoninus.

Theo Dio Cassius, một sử gia La Mã, 9 năm sau, dịch bùng phát lần nữa và gây ra 2.000 cái chết mỗi ngày ở thành Rome, tức 1/4 tổng số người nhiễm bệnh. Con số người thiệt mạng lên tới 5 triệu. Ở nhiều nơi, bệnh dịch tiêu diệt 1/3 dân số. Quân đội La Mã mất 1/10 số binh sĩ trong dịch. Đại dịch Antonine ảnh hưởng lớn về mặt xã hội và chính trị của Đế chế La Mã, đặc biệt trong văn chương và nghệ thuật. 

Đại dịch bùng phát trong chiến tranh thời Hy Lạp cổ đại

Chiến tranh Peloponnesus từ năm 431 tới năm 404 trước Công nguyên là cuộc chiến tranh giữa các thành bang thời Hy Lạp cổ đại. Liên minh do thành bang Sparta đứng đầu đã đánh bại liên minh do thành bang Athens lãnh đạo.

Tranh minh họa đại dịch bí ẩn tại thành bang Athens vào năm 430 trước Công nguyên. Ảnh: Listverse

 

Một đại dịch khủng khiếp giáng xuống thành bang Athens thời Hy Lạp cổ đại trong năm thứ hai của Chiến tranh Peloponnesus (tức năm 430 trước Công nguyên), khi chiến thắng sắp thuộc về Athens. Các sử gia tin rằng dịch xâm nhập Athens từ cảng Piraeus – nơi duy nhất mà thực phẩm và các loại hàng hóa khác có thể ra, vào thành bang. Dịch cũng tràn vào thành bang Sparta và phần lớn khu vực phía đông Địa Trung Hải.

Vào năm 429 và mùa đông năm 427, dịch tiếp tục bùng phát trở lại. Giới sử gia ngày nay vẫn tranh cãi về vai trò của dịch đối với chiến thắng của thành bang Sparta. Tuy nhiên, đa số họ đồng ý rằng thất bại của Athens mở đường cho sự thành công của người Macedonia và người La Mã. Nhưng không ai biết chính xác thủ phạm gây dịch. Những triệu chứng của dịch khiến giới học giả cho rằng thủ phạm có thể là bệnh đậu mùa, sởi, sốt phát ban.

Xuân Yến (theo Listverse)

Bạn có thể quan tâm