Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 cuộc so tài kinh điển trong lịch sử Roland Garros

Chiến thắng hay thất bại, đỉnh cao hay vực sâu, niềm vui hay nỗi buồn... tất cả những cung bậc cảm xúc đều có thể tìm thấy ở các trận cầu kinh điển trong lịch sử Roland Garros.

1. Chung kết - 2004: Gaston Gaudio 3-2 Guillermo Coria (0-6, 3-6, 6-4, 6-1, 8-6)

Cuộc nội chiến Argentina giữa Gaston Gaudio và Guillermo Coria tại chung kết Roland Garros 2004 xứng đáng đứng trong hàng ngũ những trận đấu điên rồ nhất lịch sử các giải Grand Slam. Được đánh giá nhỉnh hơn, Coria dễ dàng vượt lên dẫn 2-0 (6-0, 6-3) sau 2 set đấu đầu tiên. Tuy nhiên, thể lực sút giảm, mà điển hình là cơn đau vì bị chuột rút trong quãng thời gian sau đó khiến hạt giống số 3 không còn là chính mình. Anh để Gaudio cân bằng tỷ số 2-2 và cả hai tay vợt buộc phải bước vào set đấu quyết định. Tại đây, Coria một lần nữa đứng trước 2 cơ hội giành "Championship point" nhưng anh đều bỏ lỡ đáng tiếc. Không tận dụng thành công, tay vợt số một xứ sở Tango phải trả giá đắt bằng thất bại 6-8. Chức vô địch Roland Garros 2004 giúp Gaudio trở thành tay vợt đầu tiên đăng quang tại một giải Grand Slam sau khi đã thất bại 0-6 ở set 1.

2. Vòng 4 - 1989: Michael Chang 3-2 Ivan Lendl (4-6 4-6 6-3 6-3 6-3)

Tiếng tăm của chàng trai trẻ Michael Chang nổi như cồn sau chiến tích không tưởng, đăng quang Roland Garros 1989 khi mới 17 tuổi, 3 tháng. Tiền đề cho ngôi vô địch kỳ diệu đó chính là chiến thắng đầy bất ngờ của Chang trước huyền thoại Ivan Lendl ở vòng 4 (kéo dài hơn 4 tiếng rưỡi đồng hồ). Tay vợt người Mỹ gốc châu Á thua dễ 0-2 (4-6, 4-6) nhưng sự quật cường của một tài năng trẻ giúp anh toàn thắng cả 3 set còn lại với cùng tỷ số 6-3.

3. Vòng 4 - 2009: Roger Federer 3-2 Tommy Haas (6-7 5-7 6-4 6-0 6-2)

Thất bại gây sốc của Rafael Nadal trước Robin Soderling ở vòng 4 giúp Roger Federer đứng trước cơ hội tuyệt vời đăng quang tại Roland Garros 2009, giải Grand Slam duy nhất mà anh còn thiếu khi đó. Tuy nhiên, Fedex lại nhập cuộc tệ hại trong cuộc chạm trán với Tommy Haas khi thua 6-7, 5-7 ở 2 set đầu. Dẫu vậy, bản lĩnh cùng sự quyết tâm cao độ đã giúp "tàu tốc hành" người Thụy Sỹ lội ngược dòng thành công.

4. Chung kết - 2001: Jennifer Capriati 2-1 Kim Clijsters (1-6, 6-3, 12-10)

Sau khi hạ hạt giống số 1, Martina Hingis ở vòng bán kết, ĐKVĐ Australian Open khi ấy, Jenifer Capriati tràn trề cơ hội đăng quang tại Roland Garros 2001 bởi đối thủ trong trận chung kết của cô chỉ là một cô nhóc mới 18 tuổi, Kim Clijster. Nhưng bất ngờ xảy ra khi tay vợt tuổi teen mới là người giành chiến thắng ở set 1 với tỷ số cách biệt 6-1. Dẫu vậy, kinh nghiệm và một chút may mắn đã giúp hạt giống số 3 giành chiến thắng cả 2 set cuối để lên ngôi. Trong đó, set 3 cũng phải mất tới 22 game mới xác định được tay vợt thắng cuộc.

5. Bán kết - 2013: Rafael Nadal 3-2 Novak Djokovic (6-4 3-6 6-1 6-7 9-7)

Sau 7 tháng vắng mặt vì chấn thương, Nadal trở lại đầy mạnh mẽ tại Roland Garros 2013. Anh lần lượt loại Daniel Brands, Martin Klizan, Fabio Fognini, Kei Nishikori, Stanislas Wawrinka trước khi chạm trán đại kình địch Novak Djokovic ở bán kết. Bất phân thắng bại ở 4 set đầu tiên, cả hai tay vợt buộc phải bước vào set đấu quyết định. Nole khởi đầu tốt hơn với 1 break để vượt lên dẫn 3-1. Tuy nhiên, với việc đánh mất 2 game cầm giao bóng thứ 4 và 8, tay vợt người Serbia chấp nhận gác vợt đầy tiếc nuối với tỷ số 7-9. Với nhiều người, đây mới thật sự là trận chung kết của Roland Garros 2013 bởi ở cuộc so tài sau đó, Nadal tỏ ra quá vượt trội khi thắng dễ David Ferrer 3-0 (6-3, 6-2, 6-3).

6. Vòng 1 - 2004: Fabrice Santoso 3-2 Arnaud Clement (6-4 6-3 6-7 3-6 16-14)

Với 6 giờ 33 phút, cuộc so tài tại vòng 1 giữa hai tay vợt nước chủ nhà, Fabrice Santoso và Arnaud Clement, chính là trận đấu đang giữ kỷ lục về thời gian thi đấu dài nhất trong lịch sử Roland Garros. Sau khi hòa 2-2 ở 4 set đầu, trọng tài buộc phải tạm hoãn trận đấu khi tỷ số đang là 5-5 trong set 5 do trời đã về khuya. Trở lại vào sáng hôm sau, trận thư hùng cũng phải kéo dài thêm hơn 2 tiếng đồng hồ mới tìm ra người thắng cuộc. Xuất sắc cứu 2 "match point", Santoso vượt qua đàn em đồng hương bằng chiến thắng 16-14.

7. Bán kết - 2003: Justine Henin 2-1 Serena Williams (6-2, 4-6, 7-5)

Bất ngờ thất bại 2-6 ở set đầu nhưng nguồn thể lực sung mãn giúp Serena có sự trở lại mạnh mẽ. Không chỉ cân bằng tỷ số 1-1, cô em nhà Williams còn vượt lên dẫn 4-2 trong set đấu quyết định. Dẫu vây, bước ngoặt của trận đấu lại đến ở game thứ 7, game cầm giao bóng của Serena. Đang dẫn 30-0, hạt giống số 1 có cuộc đô co không thật cần thiết với trọng tài. Nguyên nhân là do trọng tài bắt lỗi giao bóng với cô trong khi ở phần sân đối diện, Henin lại có động tác giơ tay ngỏ ý chưa sẵn sàng. Đánh mất sự tập trung, Serena thất bại đau đớn 5-7 và đành nhường vé vào chung kết cho tay vợt người Bỉ. Chiến thắng đó tiếp thêm sức mạnh giúp Henin lần đầu tiên đăng quang tại một giải Grand Slam sau khi đánh bại người đồng hương Kim Clijster 2-0 (6-0, 6-4).

8. Chung kết - 1999: Andre Agassi 3-2 Andrei Medvedev (1-6 2-6 6-4 6-3 6-4)

Huyền thoại Andre Agassi đã không thể ngăn được dòng nước mắt hạnh phúc sau khi hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam tại Roland Garros 1999. Ở trận chung kết với Andrei Medvedev, Agassi khởi đầu vô cùng kém cỏi khi chỉ giành vỏn vẹn 3 game thắng trong 2 set đầu tiên. Tuy nhiên, không rõ bản lĩnh, ý chí chiến đấu hay một điều gì kỳ bí đã giúp tay vợt người Mỹ lột xác thắng lại 6-4, 6-3 và 6-4 để hoàn tất cuộc lội ngược dòng kỳ vỹ.

9. Vòng 2 - 2010: Fabio Fognini 3-2 Gael Monfils (2-6 4-6 7-5 6-4 9-7)

Thật hiếm khi các khán giả có mặt tại sân trung tâm Philippe Chatrier lại được chứng kiến một trận đấu kéo dài đến gần nữa đêm như cuộc so tài tại vòng 2, Roland Garros 2010 giữa Fabio Fognini và Gael Monfils. Khi tỷ số đang là 4-4 trong set 5, trận đấu thậm chí còn bị gián đoạn 5 phút do Fognini không chịu thi đấu vì trời quá tối. Tay vợt người Italia bị phạt điểm vì lỗi hành vi và đánh mất 3 cơ hội giành "match point" sau đó. Chỉ khi kim đồng hồ chuẩn bị điểm 22h00 (giờ địa phương), trọng tài mới cho trận đấu tạm hoãn sang sáng ngày hôm sau. Dù rất nỗ lực nhưng cuối cùng tay vợt nước chủ nhà vẫn chịu thúc thủ 7-9 trước đối thủ được đánh giá cao hơn.

10. Chung kết - 1984: Ivan Lendl 3-2 John McEnroe (3-6 2-6 6-4 7-5 7-5)

Trước khi bước vào trận chung kết lịch sử với kình địch Ivan Lendl, John McEnroe có phong độ cực cao. Ông toàn thắng cả 39 trận đấu kể từ đầu năm 1984. Nhưng sự cá tính thái quá của huyền thoại người Mỹ đã khiến ông phải trả một cái giá rất đắt. Khi set 3 vừa diễn ra những game đầu tiên, McEnroe đột nhiên tiến lại gần và hét thẳng vào mặt một người quay phim chỉ vì ông cho rằng mình bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn phát ra từ chiếc tai nghe của anh này. Chỉ một thoáng thiếu kiềm chế, hạt giống số 1 bị hầu hết các khán giả có mặt tại Philippe Chatrier phản đối, anh đánh mất sự tập trung để rồi thua ngược 2-3 dù đã thắng dễ trong 2 set đầu. Thất bại cay đắng đó khiến McEnroe không bao giờ còn cơ hội đăng quang tại Roland Garros nữa.

Thành Quảng

Ảnh: Getty Images

Bạn có thể quan tâm